Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kết quả của sự nỗ lực và những bất cập cần điều chỉnh

Thứ hai, 02/04/2012 - 12:23

(Thanh tra) - Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, lãnh đạo của 20 tỉnh, thành khu vực phía Nam đã thực hiện có hiệu quả chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong TCD và giải quyết KNTC.

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Công tác chỉ đạo, lãnh đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ giải quyết KNTC của chính quyền ở nhiều địa phương ngày càng tập trung và quyết liệt hơn trước, đã đề ra và thực hiện nhiều chủ trương, biện pháp tích cực để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết KNTC trên địa bàn; quan tâm chỉ đạo các Sở, ban ngành rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định trên một số lĩnh vực nhạy cảm; ban hành nhiều chỉ thị, văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác giải quyết KNTC, xây dựng kế hoạch thực hiện. Công tác TCD ở các tỉnh, thành phố đã được củng cố thêm một bước, hoạt động dần đi vào nền nếp nhất là sau khi triển khai thực hiện Quyết định 858/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; mối quan hệ phối hợp giữa Trụ sở TCD của Trung ương với một số địa phương ngày càng hiệu quả hơn. Nhìn chung, hầu hết các địa phương đã có sự nỗ lực trong công tác giải quyết KNTC, tỷ lệ số vụ việc thuộc thẩm quyền được giải quyết ngày một tăng cao. Một số địa phương đã có những cố gắng, giải quyết được khối lượng lớn vụ việc KNTC mới phát sinh và nhiều vụ khiếu kiện đông người, phức tạp. Về phía TTCP cũng đã tích cực thanh tra, kiểm tra việc chấp hành Luật KNTC ở các địa phương, phối hợp với các cấp, các ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải quyết KNTC và xử lý kịp thời, có hiệu quả các tình huống phát sinh.

Bên cạnh thành quả đã đạt được, đồng chí Huỳnh Phong Tranh đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại như: Một số địa phương chưa tổ chức tốt việc TCD, chưa gắn công tác TCD với việc giải quyết KNTC, nhất là ở cấp quận, huyện, Sở, ngành, chất lượng nhiều vụ việc KNTC chưa cao; có hiện tượng người có thẩm quyền giải quyết né tránh, đùn đẩy, hoặc có cơ quan không thực hiện đúng trách nhiệm, thẩm quyền được giao, có hành vi bao che, cố ý làm sai. Việc tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết KN đã có hiệu lực pháp luật, các quyết định xử lý về tố cáo ở nhiều địa phương nhìn chung còn chậm và hạn chế nên số lượng vụ việc KNTC tồn đọng vẫn còn nhiều; có nhiều vụ việc phát sinh mới chưa được giải quyết kịp thời. Theo đánh giá của đồng chí Huỳnh Phong Tranh, tình hình KNTC sẽ tiếp tục phát sinh phổ biến trong lĩnh vực đất đai, tập trung nhiều ở những địa phương, địa bàn thu hồi nhiều đất của dân để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi đó, chính sách, pháp luật, nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai trong thời gian tới tiếp tục có sự thay đổi, trong khi những hạn chế, yếu kém công tác quản lý Nhà nước về đất đai chậm được khắc phục là yếu tố, KNTC sẽ còn tiếp tục phát sinh ở lĩnh vực này trong những năm tới.

Cơ chế giải quyết KNTC theo Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo năm 2011 cần phải có thời gian để đi vào cuộc sống; thói quen, tâm lý người KN vẫn muốn được giải quyết theo thủ tục hành chính mà không muốn giải quyết tại TAND các cấp nên việc giải quyết vẫn tập trung vào trách nhiệm của các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp. Số vụ việc KNTC đông người sẽ có xu hướng tăng lên; tình trạng công dân móc nối, liên kết với nhau tập trung đông người đến Trụ sở, các cơ quan Trung ương để gây áp lực vẫn còn diễn ra. Tại một số địa phương đã thu hồi đất, bồi thường, tái định cư để phục vụ các công trình, dự án lớn nay do đời sống gặp khó khăn, lại bị các phần tử xấu xúi giục, kích động nên công dân có thể tiếp tục khiếu kiện.

Về các giải pháp trong thời gian tới, đồng chí Huỳnh Phong Tranh đề nghị các địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp chủ yếu sau đây: Tăng cường hơn nữa công tác quản lý đất đai nhằm hạn chế phát sinh KNTC, trong đó tập trung thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; sớm hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kiên quyết thu hồi đất đã giao, đã cho thuê nhưng không đúng đối tượng, không sử dụng, sử dụng không hiệu quả, sử dụng sai mục đích; xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, những vụ việc tiêu cực, tham nhũng về đất đai của cán bộ, công chức. Thực hiện tốt công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, trọng tâm là việc xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác giải phóng mặt bằng có tính chuyên nghiệp; thực hiện công khai, dân chủ, công bằng trong đền bù, giải phóng mặt bằng; đặc biệt việc quy hoạch và xây dựng nơi tái định cư, tạo việc làm cho người có đất bị thu hồi; xử lý hài hòa mối quan hệ lợi ích giữa người sử dụng đất, Nhà nước và nhà đầu tư.

Ngoài ra, mỗi địa phương phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác giải quyết KNTC, phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng; vai trò quản lý, chỉ đạo, điều hành, tiếp dân, quyết định giải quyết KNTC của các cấp chính quyền. Trước mắt là thực hiện tốt Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo năm 2011 gắn với trách nhiệm người đứng đầu; sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành. Triển khai công tác chuẩn bị và xây dựng Luật TCD; tập trung thực hiện có hiệu quả, đúng nội dung, tiến độ yêu cầu của Đề án Đổi mới công tác TCD theo Quyết định 858/QĐ-TTg. Thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước phải thường xuyên rà soát, nắm chắc tình hình KNTC trong phạm vi quản lý của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị để giải quyết kịp thời, dứt điểm ngay từ nơi phát sinh vụ việc. Chủ tịch UBND các cấp phải tăng cường nắm cơ sở, tập trung giải quyết những vụ việc KNTC đông người, phức tạp tại những nơi xảy ra vụ việc. Trong quá trình giải quyết phải làm rõ nguyên nhân phát sinh KNTC để chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước, xác định trách nhiệm và xử lý nghiêm minh những cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm. Tiếp tục quan tâm rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài; quá trình giải quyết phải tổ chức đối thoại công khai, dân chủ, giải quyết có lý, có tình, có tính khả thi cao. UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục thành lập các Tổ công tác, chủ động phối hợp với Thanh tra Chính phủ tiến hành rà soát và kiểm tra, đề xuất phương án giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, bức xúc, kéo dài.

Nâng cao chất lượng quyết định, kết luận giải quyết KNTC; cần chủ động chỉ đạo, tổ chức phối hợp giữa cơ quan cấp trên với cơ quan cấp dưới; phát huy tối đa hiệu quả việc đối thoại, gặp gỡ, trao đổi với người KNTC đặc biệt là đối với các vụ việc đông người, phức tạp, gay gắt. Đẩy mạnh, tăng cường thanh tra công vụ và thanh tra trách nhiệm giải quyết KNTC đối với thủ trưởng các cơ quan hành chính Nhà nước và cán bộ, công chức có trách nhiệm, tập trung vào những ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị xảy ra nhiều vụ việc KNTC hoặc chất lượng, hiệu quả giải quyết KNTC thấp. Quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức, đội ngũ cán bộ làm công tác TCD, giải quyết KNTC theo hướng chuyên nghiệp, ổn định; chú trọng tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ công tác TCD, xử lý đơn thư, giải quyết KNTC; đồng thời, tăng cường công tác quy hoạch, tuyển chọn cán bộ và có chính sách đãi ngộ thoả đáng, phù hợp với điều kiện đặc thù của công tác này. Lực lượng công an phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan nắm chắc tình hình KNTC, chủ động phát hiện những vụ việc có dấu hiệu gây phức tạp tình hình an ninh, trật tự xã hội để tham mưu kịp thời cho cấp uỷ và chính quyền chỉ đạo, giải quyết dứt điểm ngay tại cơ sở, không để phát sinh thành “điểm nóng”. Mặt khác, nắm chắc đối tượng cầm đầu, xúi giục, kích động người KN gây rối, gây bạo loạn để có biện pháp xử lý hữu hiệu. Thực hiện có hiệu quả Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về KNTC ở xã, phường, thị trấn” để nâng cao hiểu biết pháp luật của cán bộ, nhân dân, nhất là những điểm mới theo tinh thần Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo năm 2011.

Các cơ quan thông tấn, báo chí phối hợp với các cơ quan hữu quan thường xuyên tuyên truyền pháp luật KNTC bằng các hình thức phong phú, thiết thực, đảm bảo khách quan, trung thực; tăng thời lượng, bài viết, chuyên đề, biểu dương kịp thời những điển hình tốt, kinh nghiệm, sáng kiến hay; phê phán những hành vi vi phạm pháp luật KNTC.

         Giáng Thăng tổng hợp

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Kết luận thanh tra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh

Kết luận thanh tra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh

(Thanh tra) - Qua công tác thanh tra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (mã chứng khoán DXG), Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã phát hiện một số vi phạm, tồn tại; đồng thời, kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm.

Trần Quý

10:00 12/12/2024
An Giang: Xử lý nghiêm các vi phạm ở lĩnh vực nông nghiệp

An Giang: Xử lý nghiêm các vi phạm ở lĩnh vực nông nghiệp

(Thanh tra) - Năm 2024, công tác thanh tra, kiểm tra luôn được lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang và thủ trưởng các đơn vị quan tâm triển khai. Đặc biệt, hoạt động kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm, nông lâm thủy sản luôn được tăng cường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Cảnh Nhật

09:00 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm