(Thanh tra)- Theo phản ánh của người dân khu dân cư Nam Thăng Long 2 (Từ Liêm, Hà Nội), dự án (D.A) đầu tư xây dựng toà nhà hỗn hợp văn phòng cho thuê và nhà ở ảnh hưởng tới phần đất ở của nhiều hộ dân từng bị thu hồi đất bởi nhiều D.A đô thị trước đó.
>> Quận Thanh Xuân sẽ từ chối giải quyết khiếu nại? >> Làm rõ khúc mắc, lòng dân sẽ an Năm 1991, Hợp tác xã (HTX) Quảng Phú Cầu xây dựng 20 ki-ốt cho xã Nhân Chính (nay là phường Nhân Chính) trên mặt đường Bê Tông (nay là đường Khuất Duy Tiến). Để hoàn trả tiền xây dựng, UBND xã Nhân Chính đã đối ứng cho HTX Quảng Phú Cầu 178m
2 liền kề khu ki-ốt. Điều đáng lưu ý là, ông Nguyễn Quốc Dũng (Chủ nhiệm HTX Quảng Phú Cầu) đã chiếm 107m
2 ngay phía sau phần đất dãy 20 ki-ốt. Khi ông Dũng tiến hành xây dựng trên đất này, UBND xã Nhân Chính và UBND phường Nhân Chính đã nhiều lần tổ chức cưỡng chế.
Năm 2009, trong một cuộc họp lãnh đạo các tổ chức đoàn thể khu dân cư Nam Thăng Long 2, Bí thư Chi bộ thông báo mảnh đất lấn chiếm này đã được UBND quận Thanh Xuân cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Nguyễn Thị Thu Trang và ông Nguyễn Viết Hiệp (chứ không phải ông Dũng). Mọi người vô cùng ngạc nhiên, vì không hiểu sao UBND phường Nhân Chính lại làm các thủ tục để quận cấp sổ đỏ cho mảnh đất này và họ cũng không hề biết bà Trang và ông Hiệp là ai.
Khi người dân chất vấn bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch UBND phường Nhân Chính, nay là Bí thư Đảng ủy phường, về việc cấp sổ đỏ này (khi mà 3 Chủ tịch trước đó đều có các quyết định tháo dỡ hành vi xây dựng trên đất chiếm của công), thì được trả lời: Cấp đúng theo thẩm quyền và thủ tục!
Phi lý cũng thể hiện ngay trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AM 662325, ký ngày 30/7/2009, khi địa chỉ mảnh đất bị ghi sai là “Tập thể Thăng Long” (ở đây chỉ có khu dân cư Nam Thăng Long 2, chứ không có khu tập thể nào). Hơn nữa, ngay chính các hộ dân sở hữu nhà và sử dụng đất tại đây đã nhiều lần làm đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không được chính quyền chấp thuận thì làm sao mảnh đất bị một hộ dân “nhảy dù” này lại được ưu tiên đến thế?
Năm 2001, UBND quận tiến hành xây dựng nhà văn hóa Nam Thăng Long 2 trên phần đất trống phía sau Tổ 1 có diện tích khoảng 700m2. Nơi đây đã đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân trong khu dân cư.
Tuy nhiên, niềm vui “ngắn chẳng tày gang” khi nhân dân nhận được thông báo của UBND phường Nhân Chính về việc bàn giao diện tích đất công ích và nhà văn hóa để thực hiện cho D.A đầu tư xây dựng toà nhà hỗn hợp văn phòng cho thuê và nhà ở vào tháng 3/2012.
Theo ông Đỗ Xuân Thịnh, Trưởng ban Công tác Mặt trận khu dân cư Nam Thăng Long 2: Nhân dân không đồng tình với việc phường thu nhà văn hóa vì dân không còn nơi sinh hoạt văn hóa, thì được bà Nguyễn Thị Thu Hà trả lời: Các bác tự đi thuê nhà dân để sinh hoạt, chủ đầu tư sẽ trả tiền hoặc sang nhà văn hóa quận (phường sẽ tác động). Nếu không đồng ý 2 phương án trên, phường sẽ tiến hành xây tạm 1 căn nhà cấp 4 trên phần đất 24m2, đầu nhà 5 tầng khu phòng cháy, chữa cháy mà đang có tranh chấp.
Nhân dân không chấp thuận các phương án bất hợp lý này, UBND phường tiếp tục ra thông báo phải bàn giao nhà văn hóa.
Điều bất ngờ lại tiếp tục xảy ra. Vào buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND phường Nhân Chính tổ chức tại nhà văn hóa vào cuối năm 2012, ông Hoàng Trung Thành (khi đó là quyền Chủ tịch UBND phường) đã thông báo: “Nhà văn hóa này chính thức đã được UBND TP thu hồi để thực hiện D.A (Quyết định 5091/QĐ-UBND do ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký ngày 6/11/2012), đề nghị nhân dân chấp hành”. Tuy nhiên, ông Thành không cho nhân dân xem quyết định này khi được đề nghị (khi đó ông Thành đang cầm bản quyết định này trên tay).
Ngày hôm sau, ông Thành cử cán bộ chuyển cho nhân dân bản photo Quyết định 5091. Sau khi nghiên cứu, người dân đã phát hiện: Nhà văn hóa bị thu hồi được diễn tả bằng từ “hiện trạng nhà cấp 4, sân bê tông, tường rào”. Câu hỏi ở đây được đặt ra là: UBND TP Hà Nội có biết đây là nhà văn hóa khi ra quyết định thu hồi, hay đã biết nhưng phải “né ”dùng từ nhà văn hóa cho dân đỡ bức xúc?
Với quyết định thu hồi nhà văn hóa trên, quận Thanh Xuân sẽ chuyển tải các chủ trương Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước... tới hàng nghìn công dân nơi đây ở đâu?
Trao đổi với PV, người dân cho biết: Chúng tôi sẵn sàng chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, trong vụ việc này, chính quyền địa phương đã không thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về thu hồi D.A (vi phạm Luật Đất đai và pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo...) thì làm sao chúng tôi nghe theo được. Thậm chí, phường còn cắt hết thi đua của khu dân cư và lãnh đạo các tổ chức đoàn thể vì “tội” không chấp hành các hành vi sai trái của chính quyền.
Chính quyền đã “hé cửa” gặp dân |
Nhiều năm kiên trì gửi đơn đi các nơi phản đối D.A đầu tư xây dựng toà nhà hỗn hợp văn phòng cho thuê và nhà ở tại phường Nhân Chính, các hộ dân vẫn không được UBND quận Thanh Xuân giải quyết. Sau khi Báo Thanh tra có loạt bài “Làm rõ khúc mắc, lòng dân sẽ an”, đặc biệt là bài “Thanh Xuân, Hà Nội: Bất chấp lệnh trên, vô cảm với dân” (số 29, ra ngày 7/3), UBND quận Thanh Xuân mới có giấy mời các hộ dân lên làm việc. 9 giờ sáng ngày 13/3, Thanh tra quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc đầu tiên, tiếp xúc với dân. Tại buổi làm việc này, các cán bộ Thanh tra quận Thanh Xuân mới chỉ ghi nhận các nội dung khiếu nại chính (đã được nêu chi tiết tại hàng chục lá đơn gửi quận Thanh Xuân trước đó), tuyệt nhiên không trả lời về hướng giải quyết hay hướng dẫn, giải thích các thủ tục, trình tự giải quyết theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo, mặc dù các công dân yêu cầu. Tuy nhiên, đây cũng là động thái đáng mừng của UBND quận Thanh Xuân. Chúng tôi tiếp tục cập nhật và thông tin tới bạn đọc về vụ việc này. |
Thế Lữ