Theo dõi Báo Thanh tra trên
Đông Hà
Thứ tư, 04/06/2025 - 15:19
(Thanh tra) - Từ ngày 1/6, khoảng 37.000 hộ và cá nhân kinh doanh trên cả nước chính thức bước vào giai đoạn chuyển đổi quan trọng: Từ hình thức nộp thuế khoán sang kê khai và nộp thuế dựa trên doanh thu thực tế.
Ông Mai Sơn, Phó Cục trưởng Cục Thuế nhận định xóa bỏ thuế khoán sẽ tạo ra chuyển biến rất tích cực cho khu vực kinh tế tư nhân. Ảnh: Đ.H
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định đây được xem là bước đi lớn trong lộ trình hiện đại hóa quản lý thuế, mở đường để hộ kinh doanh tiến gần hơn với mô hình doanh nghiệp.
Tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm
Theo Nghị định 70/2023/NĐ-CP, các hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm trở lên bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, kết nối chuyển dữ liệu với cơ quan thuế. Nhóm đối tượng áp dụng bao gồm các hộ có hoạt động bán hàng, cung cấp dịch vụ trực tiếp tới người tiêu dùng như: trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng, khách sạn, vận tải hành khách, dịch vụ thẩm mỹ, vui chơi giải trí, chiếu phim...
Việc bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử không chỉ dành cho các hộ đang nộp thuế khoán mà còn mở rộng sang nhóm có sử dụng máy tính tiền hoặc đạt tiêu chí doanh thu, lao động tương đương doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, các hộ kinh doanh đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền nhưng chưa kết nối dữ liệu, hoặc sử dụng chưa đầy đủ từ trước năm 2024, cũng phải chuyển đổi theo quy định mới.
Chuyển đổi này được cho sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 37.000 hộ và cá nhân kinh doanh, chủ yếu là những người có doanh thu lớn, vốn đang nộp thuế khoán. Những hộ kin doanh này sẽ phải rời bỏ vùng “an toàn” quen thuộc để bước vào môi trường kinh doanh minh bạch và chuẩn hóa hơn, từ sổ sách kế toán đến hóa đơn chứng từ.
Theo thống kê, hiện cả nước có hơn 1,975 triệu hộ kinh doanh nộp thuế theo hình thức khoán và khoảng 6.000 hộ đang kê khai. Cục Thuế đã cập nhật hơn 61.000 hộ kinh doanh vào hệ thống quản lý qua bản đồ số. Tuy nhiên, số thu từ khu vực này vẫn còn khiêm tốn.
Trong tháng 3/2025, mức thuế khoán bình quân đạt 672.300 đồng/tháng/hộ, trong khi hộ kê khai nộp bình quân tới 4,6 triệu đồng/tháng. Tổng thu ngân sách từ hộ, cá nhân kinh doanh 3 tháng đầu năm ước đạt 8.695 tỉ đồng, chỉ chiếm 1,5 - 2% tổng thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý.
Theo đánh giá của Cục Thuế, nguồn thu từ hộ kinh doanh chưa phản ánh đúng tiềm năng thực tế. Việc chuyển đổi sang cơ chế kê khai theo nguyên tắc “tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm”, được kỳ vọng sẽ khắc phục tình trạng thất thu thuế, chống gian lận, đồng thời thúc đẩy tính cạnh tranh lành mạnh giữa các hộ. Khi tất cả cùng minh bạch hóa doanh thu, sử dụng hóa đơn điện tử và thực hiện chế độ kế toán, sẽ không còn chuyện “người làm nhiều nộp ít, người làm ít nộp nhiều”.
Bước đệm “hóa thân” doanh nghiệp
Phó Cục trưởng Cục Thuế Mai Sơn nhận định, việc xóa bỏ thuế khoán là bước chuẩn bị quan trọng để hộ kinh doanh phát triển lên thành doanh nghiệp. Khi hệ thống thuế được số hóa, minh bạch và công bằng, hộ kinh doanh có cơ hội tiếp cận các chính sách hỗ trợ, nguồn vốn, mở rộng quy mô và chuyên nghiệp hóa mô hình hoạt động.
“Việc triển khai đồng bộ các giải pháp theo Nghị quyết 68, trong đó có bỏ thuế khoán, sẽ tạo ra chuyển biến tích cực cho khu vực kinh tế tư nhân. Hộ kinh doanh được hỗ trợ để lớn mạnh, sẽ có thêm cơ hội vươn lên, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế”, ông Sơn khẳng định.
Hiện cả nước có hơn 5,2 triệu hộ kinh doanh, tạo ra khoảng 8 - 9 triệu việc làm, tương đương khối doanh nghiệp tư nhân. Nhưng đa phần vẫn hoạt động ở quy mô nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, không có bộ phận kế toán hoặc hệ thống quản trị bài bản. Việc chuyển từ thuế khoán sang kê khai cũng là cách “ép nhẹ” để các hộ tập dượt với các yêu cầu vận hành doanh nghiệp, từ hóa đơn, chứng từ đến ghi sổ kế toán.
Dù việc xóa bỏ thuế khoán sẽ áp dụng toàn diện từ năm 2026, nhưng giai đoạn từ 1/6/2025 đã là bước khởi động, khi các hộ có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm trong một số ngành nghề bắt buộc chuyển đổi sớm. Đây chính là nhóm có tiềm lực tăng trưởng, đóng vai trò “tiên phong” làm quen với phương thức quản lý mới.
Bộ Tài chính cũng đang hoàn thiện chính sách thuế, trong đó có việc sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân và giá trị gia tăng, nhằm điều chỉnh ngưỡng doanh thu không chịu thuế. Mục tiêu là giúp các hộ có doanh thu thấp, phần lớn là hộ nhỏ, siêu nhỏ, tiếp tục được miễn thuế, giảm áp lực chi phí tuân thủ.
“Điều chỉnh này phù hợp với mức tăng của giảm trừ gia cảnh trong tính thuế thu nhập cá nhân, qua đó bảo đảm công bằng và hợp lý cho hộ kinh doanh quy mô nhỏ”, ông Mai Sơn nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), việc bỏ thuế khoán không chỉ là thay đổi phương thức thu, mà còn là sự thay đổi tư duy quản trị trong giới hộ kinh doanh. Với nhiều người, đặc biệt là hộ gia đình truyền thống, việc phải ghi chép, kê khai, nộp thuế đúng thời hạn sẽ là thử thách lớn. Tuy nhiên, chính sách cũng mang lại cơ hội thực sự giúp hộ kinh doanh có thể phát triển bền vững, minh bạch, dễ tiếp cận vốn, dễ mở rộng mô hình.
Đổi lại, Nhà nước cần cung cấp phần mềm kế toán đơn giản, tập huấn miễn phí, xây dựng hệ thống hỗ trợ kỹ thuật để hộ kinh doanh không bị “choáng ngợp” trong quá trình chuyển đổi.
“Khi được hỗ trợ đúng cách, xóa bỏ thuế khoán sẽ không còn là rào cản mà trở thành cú hích. Hộ kinh doanh từ chỗ “tránh né kê khai” sẽ trở thành một phần năng động và chính thức trong nền kinh tế tư nhân, khu vực được xác định là động lực quan trọng bậc nhất cho tăng trưởng quốc gia”, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nói.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh đối với các đơn vị trực thuộc Bộ trong triển khai Chỉ thị về việc tăng cường chấp hành quy định pháp luật về giá.
Trần Quý
(Thanh tra) - Nhận thức sâu sắc vai trò cốt lõi của dữ liệu số trong tiến trình chuyển đổi số (CĐS), những năm qua, tỉnh Yên Bái đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) và nền tảng số. Với quan điểm lấy dữ liệu làm tài nguyên quan trọng, là “hạ tầng mềm” của CĐS, Yên Bái đang từng bước tạo dựng nền tảng vững chắc, hướng tới chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Bùi Bình
Trần Quý
T. Minh
Chính Bình
Trần Quý
Trần Quý
Chính Bình
Minh Nguyệt
T. Minh
Chính Bình
Trần Kiên
Minh Nguyệt
Trần Kiên
Minh Nguyệt
Văn Thanh