Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Vốn ODA không hẳn là ‘quả ngọt’!

Thứ bảy, 08/08/2015 - 08:43

“Do vốn dễ tiếp cận và trách nhiệm của người đi vay không cao nên các dự án sử dụng vốn ODA có nguy cơ quản lý kém hiệu quả, nảy sinh nhiều bất cập” - Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ.

Các đại biểu đang thảo luận bên lề hội thảo sáng 7-8. Ảnh: Lê Phi

Ngày 7-8, tại TP Đà Nẵng, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ban Kinh tế Trung ương và UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức hội thảo “Hoạt động ODA tại Việt Nam - 20 năm nhìn lại” dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh.

Những cú “ngã ngựa”

Tại hội nghị, ông Vương Đình Huệ (Trưởng ban Kinh tế Trung ương) nhận định Việt Nam luôn xem ODA là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước. Nhưng ông Huệ cũng nhìn nhận rằng việc huy động và sử dụng các nguồn vốn ODA trong những năm qua còn thiếu định hướng tổng thể với tầm nhìn dài hạn. “Trên thực tế, các nguồn vốn ODA ưu đãi thường kèm theo những điều kiện như chỉ định thầu, ưu tiên nhà thầu nước ngoài, yêu cầu mua máy móc, thiết bị, vật liệu từ quốc gia tài trợ vốn ODA. Do các dự án thiếu tính cạnh tranh nên chi phí đầu tư thực tế thường tăng hơn rất nhiều so với dự toán ban đầu. Do vốn dễ tiếp cận và trách nhiệm của người đi vay không cao nên các dự án sử dụng vốn ODA có nguy cơ quản lý kém hiệu quả, nảy sinh nhiều bất cập” - ông Huệ nói.

TS Nguyễn Thành Đô (nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính) đã đưa ra hàng loạt vụ thiếu hiệu quả trong việc sử dụng vốn ODA.

Cụ thể dự án trích dầu cám ở Bến Tre và dự án dây chuyền dệt bao đay ở TP.HCM vay vốn ODA của Ấn Độ vì công nghệ lạc hậu, không có nguyên liệu, không có nơi tiêu thụ nên khi bàn giao hoàn toàn không vận hành được. Hay như dự án Nhà máy thủy sản đông lạnh Hạ Long và chương trình phát triển dâu tằm tơ ở Lâm Đồng vay vốn của Ý thất bại do sản phẩm không cạnh tranh được trên thị trường, nhà máy động cơ xăng nhỏ, dự án dầm thép khẩu độ lớn vay vốn ODA của Pháp và dự án tàu hút bụng tự hành vay vốn của Đức đều không hiệu quả… Bốn dự án vay vốn ODA của Pháp, trong đó có chương trình trồng cà phê Arabica ở phía Bắc không thành công do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng không thích hợp.

Còn suy nghĩ ODA là “tiền cho không biếu không”

Theo TS Đô, ODA được sử dụng theo hai kênh: Kênh ngân sách cấp phát chiếm 70% và cho vay lại 30%. Các dự án thất bại trên đều thực hiện theo cơ chế vay về cho vay lại. “Các dự án theo cơ chế cấp phát từ ngân sách hầu như chưa có đánh giá về các mặt thất bại, trừ việc ở một vài dự án có phát hiện ra một số sai sót hoặc biểu hiện tiêu cực” - TS Đô cho hay.

Theo TS Đô, thất bại lớn nhất trong ODA đó là lãng phí nguồn vốn: Lãng phí do chậm tiến độ, lãng phí do suất đầu tư cao, không phát huy hiệu quả, đầu tư dàn trải…

TS Đô cảnh báo trong quan niệm của một số cơ quan thụ hưởng ODA cả ở trung ương lẫn địa phương vẫn còn vương vấn “ODA thời bao cấp” coi “ODA không hoàn lại là Chính phủ cho, ODA vốn vay là Chính phủ trả nợ”. Hậu quả của quan niệm sai lệch này là ra sức tranh thủ nguồn vốn ODA mà không tính toán hiệu quả kinh tế, tính bền vững sau dự án và khả năng trả nợ.

Lợi thì vay, không lợi thì nên từ chối

TS Võ Đại Lược (chuyên gia kinh tế) lại đặt ra các câu hỏi như: Tài trợ ODA thì bên tài trợ có lợi gì? Nếu không có cơ chế giám sát thì lợi ích của công ty tham gia sử dụng vốn ODA sẽ lấn át lợi ích của Nhà nước. TS Lược cũng băn khoăn trước việc khi cấp ODA thì bên cho vay nắm hết từ thi công, công nghệ, thiết kế… thì sẽ không kiểm soát được. “ODA ít thì cần phải quy hoạch, công trình nào thì được dùng ODA. Không thể để phân tán, 63 tỉnh, thành mà anh nào cũng muốn xin cả là không nên” - TS Lược góp ý.

Trong khi đó, TS Lê Đăng Doanh (chuyên gia kinh tế) cũng cho rằng Việt Nam cần có quy hoạch nguồn vốn dài hạn để có thể cung cấp tài chính khi thực hiện các công trình, dự án trong nước, không còn quá phụ thuộc ODA của nước ngoài.

Theo TS Doanh, cần xem xét lại quy trình bố trí vốn ODA vì còn nặng nề “xin-cho”. Không nên để tình trạng “em đi có thì về có, em đi không thì về không” (ý nói lót tay - PV) mà cần công khai, minh bạch, giải trình, đơn giản hóa thủ tục và có cơ quan giám sát độc lập.

TS Trần Du Lịch cũng cho rằng nếu lấy tiền trong túi của Chính phủ đầu tư thì rẻ hơn ODA. Vì vậy, bây giờ Chính phủ phải quyết liệt, cân đối với nguồn vốn trong nước. Đừng xem ODA là để ban phát chia nhau, nếu xem như vậy đó là cái họa.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Xử lý nghiêm tiêu cực, lãng phí   Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cũng cho rằng qua 20 năm hỗ trợ ODA đổi mới Việt Nam đã giành được nhiều thành tựu quan trọng và đang hội nhập sâu rộng với thế giới. Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ cam kết sẽ chỉ đạo nghiêm túc, đánh giá những yếu kém về quản lý và tăng cường thanh tra, kiểm tra để sử dụng ODA đúng mục đích, hiệu quả, tránh thất thoát lãng phí. “Chính phủ Việt Nam cam kết nỗ lực và sử dụng các nguồn vốn ODA hiệu quả nhất. Như các vị đã biết ở đâu đó còn có tiêu cực, chưa hiệu quả trong sử dụng ODA, chúng tôi đã nghiêm túc xử lý các đối tượng, tổ chức có liên quan sử dụng nguồn vốn ODA có tiêu cực, lãng phí” - Phó Thủ tướng cho hay. Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, đang có nhận định ODA cho Việt Nam sẽ giảm đi khi đất nước bước vào ngưỡng thu nhập trung bình. Có người nói Việt Nam đã “tốt nghiệp” ODA nhưng do xuất phát điểm thấp nên nhu cầu vốn đầu tư phát triển ở Việt Nam vẫn còn lớn. Nguồn vốn ODA tại Việt Nam được thực hiện dưới ba hình thức chủ yếu gồm: ODA viện trợ không hoàn lại (chiếm khoảng 10%-12%), ODA vay ưu đãi (chiếm khoảng 80%) và ODA hỗn hợp (chiếm khoảng 8%-10%). Lũy kế từ năm 1993 đến 2014, tổng giá trị vốn ODA cam kết cho Việt Nam đã lên đến 89,5 tỉ USD, tổng vốn đã ký kết đạt 73,68 tỉ USD, bình quân 3,5 tỉ USD/năm. Vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân đạt 53,89 tỉ USD, chiếm trên 73,2% tổng vốn ODA đã ký kết.

Theo Lê Phi/PL

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

SeABank đồng hành cùng doanh nghiệp SMEs phát triển bền vững, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn linh hoạt dịp cuối năm

SeABank đồng hành cùng doanh nghiệp SMEs phát triển bền vững, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn linh hoạt dịp cuối năm

(Thanh tra) - Nửa cuối năm 2024, nền kinh tế có nhiều biến động khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) phải đối mặt với nhiều áp lực tài chính. Để hỗ trợ SMEs vượt qua giai đoạn thách thức này, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB) chủ động triển khai những chính sách cụ thể với các giải pháp hỗ trợ như: Gói vay ưu đãi, lãi suất hỗ trợ... cùng quy trình thủ tục được “may đo” riêng biệt giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn thuận lợi và hiệu quả.

PV

11:41 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm