Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Vì sao “ông lớn” Hóa chất Việt Nam xin chịu thuế mặt hàng phân bón?

Thứ sáu, 17/04/2020 - 07:00

(Thanh tra)- Gặp khó vì phải xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, cộng thêm dịch bệnh Covid-19, khiến các đơn vị của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam giảm mạnh các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh...

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam xin chịu thuế mặt hàng phân bón

Giá trị sản xuất giảm 15,7%

Ông Bùi Thế Chuyên, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho biết, dịch bệnh Covid-19 đã khiến các đơn vị của Tập đoàn gặp rất nhiều khó khăn trong việc chuẩn bị nguyên vật liệu, vật tư cho sản xuất, trong công tác tiêu thụ sản phẩm, tiến độ công tác sửa chữa máy móc thiết bị...

Dù quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp để hạn chế tối đa tác động của dịch bệnh Covid-19 đến sản xuất kinh doanh nhưng hầu hết các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của Tập đoàn trong quý I năm 2020 giảm mạnh so với cùng kỳ và không đạt kế hoạch đề ra, đặc biệt đối với nhóm ngành phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.

Giá trị sản xuất giảm 15,7%, doanh thu giảm 2,9%. Trong đó, các đơn vị thuộc Đề án 1468 của Chính phủ xử lý các tồn tại yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công thương (Đề án 1468) ước  lỗ bằng 3,4 lần so với cùng kỳ năm 2019; lợi nhuận các đơn vị không thuộc Đề án 1468 của Chính phủ giảm 40,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Dịch bệnh là cú hích đúp gây ra những khó khăn nói trên. Trước đó, trong thời gian dài 4 năm, Tập đoàn đã đối mặt với nhiều khó khăn do các chế tài của Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế. Lý do, Luật Thuế 71/2014/QH13 lại đưa mặt hàng phân bón là đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT), làm nảy sinh nhiều bất cập.

Thứ nhất, do mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT nên không được khấu trừ thuế GTGT của nguyên vật liệu, dịch vụ dùng cho sản xuất phân bón, làm chi phí sản xuất phân bón trong nước tăng lên, doanh nghiệp phải tính phần thuế GTGT không được khấu trừ này vào chi phí giá thành sản phẩm để xây dựng giá bán nên không giảm được giá bán cho người nông dân.

Thứ hai, chi phí sản xuất phân bón trong nước tăng, gây bất lợi trong cạnh tranh thị trường với phân bón nhập khẩu, đặc biệt phân bón nhập từ Trung Quốc do phân bón nhập khẩu khi không phải chịu thuế GTGT giá bán giảm 5%. Trong khi theo chính sách khuyến khích xuất khẩu của các nước, thuế suất xuất khẩu phân bón là 0%, sản phẩm phân bón được khấu trừ toàn bộ thuế GTGT cho nguyên vật liệu, dịch vụ sản xuất. Do vậy phân bón nhập khẩu có lợi thế cạnh tranh về giá thành và giá bán, dẫn đến nhập khẩu phân bón tăng làm gia tăng nhập siêu và sản xuất phân bón trong nước phải thu hẹp quy mô sản xuất, sản lượng phân bón sản xuất trong nước sẽ không đủ để giúp Nhà nước điều tiết và quản lý giá khi giá phân bón thế giới biến động tăng, nông dân sẽ phải mua phân bón với giá đắt.

Bên cạnh đó, hầu hết máy móc thiết bị cho sản xuất phân bón (đặc biệt là máy móc phải nhập khẩu của các nhà bản quyền) đều chịu thuế GTGT 10%. Trước khi có Luật số 71/2014/QH13, thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất phân bón được khấu trừ hoặc hoàn lại trong quá trình sản xuất của doanh nghiệp. Từ khi có Luật số 71/2014/QH13, số thuế này phải tính vào tổng mức đầu tư, tăng giá trị tài sản cố định. Ước tính 4 năm qua, đối với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, thuế GTGT tính vào giá trị tài sản cố định, tăng nguyên giá tài sản là 110 tỷ đồng. Đối với hai đơn vị sản xuất đạm thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, thuế GTGT tính vào giá trị tài sản cố định, tăng nguyên giá tài sản là 200 tỷ đồng. Hiệu quả các dự án đầu tư giảm, không khuyến khích đầu tư sản xuất phân bón.

Chưa hết, trước khi áp dụng Luật số 71/2014/QH13, phân bón là mặt hàng chịu thuế GTGT với mức thuế suất là 5%. Trừ nguyên liệu như quặng apatit cho sản xuất phân bón chứa lân, phân bón đơn cho sản xuất phân NPK thì các nguyên vật liệu, năng lượng, chi phí khác như than, điện, cước vận chuyển, bao bì… có thuế suất thuế GTGT là 10%. Các doanh nghiệp sản xuất phân bón được khấu trừ phần thuế GTGT của nguyên vật liệu, chi phí đầu vào, được hoàn thuế GTGT... Tuy nhiên, từ khi luật có hiệu lực, sản phẩm phân bón không được khấu trừ thuế GTGT của nguyên vật liệu, chi phí đầu vào.

Xin... chịu thuế

Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Hóa chất Nguyễn Phú Cường cho biết, toàn bộ số thuế GTGT đầu vào cho sản xuất sản phẩm phân bón trong nước phải tính vào chi phí sản xuất kinh doanh, làm giá thành sản phẩm tăng thêm 6-8% tùy loại. Ước tính sau 4 năm, số thuế GTGT đầu vào tại các đơn vị thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam là 2.937 tỷ đồng. Tại các đơn vị thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam như Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau giai đoạn 2015-2018 không được khấu trừ khoản thuế GTGT đầu vào là 787 tỷ đồng; khoản thuế GTGT đầu vào tại Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí giai đoạn 2016-2018 là 1.063 tỷ đồng. Toàn bộ các khoản này phải tính vào chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, làm tăng giá thành đơn vị sản phẩm, giảm sức cạnh tranh, giảm lợi nhuận của doanh nghiệp.

Đồng thời, lượng phân bón nhập khẩu tăng mạnh làm cho sản xuất phân bón trong nước gặp khó khăn, quy mô sản xuất bị thu hẹp, ảnh hưởng việc làm và thu nhập của người lao động, không thực hiện được chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng và phát triển ngành sản xuất phân bón chủ động phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và chủ trương đầu tư chế biến sâu các loại khoáng sản trong nước.

Cũng theo Chủ tịch Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, về lâu dài, những bất cập nói trên không được tháo gỡ sẽ dẫn đến sự lệ thuộc vào phân bón nhập khẩu không thể đảm bảo phát triển nền nông nghiệp bền vững, ảnh hưởng đến mối quan hệ công nghiệp - nông nghiệp - nông dân và nông thôn.

Đứng trước áp lực kép của Covid-19, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam mới đây đã có văn bản gửi Hiệp hội Phân bón Việt Nam và gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin sửa luật theo hướng đưa phân bón vào nhóm đối tượng chịu thuế.

Tập đoàn này cũng đưa ra 2 phương án: Một là đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 0%, và doanh nghiệp vẫn được hoàn thuế GTGT đầu vào. Hai là, đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5%, là tiền thuế GTGT đầu ra doanh nghiệp nộp cho Nhà nước và doanh nghiệp vẫn được hoàn thuế GTGT đầu vào.

Viện dẫn chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 14/02/2020 Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01 năm 2020; Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/03/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cũng đề nghị Hiệp hội Phân bón Việt Nam có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương báo cáo Quốc hội xem xét, tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất phân bón trong nước sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 theo hướng đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất là 0% - 5%.

Đan Quế

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

SeABank đồng hành cùng doanh nghiệp SMEs phát triển bền vững, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn linh hoạt dịp cuối năm

SeABank đồng hành cùng doanh nghiệp SMEs phát triển bền vững, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn linh hoạt dịp cuối năm

(Thanh tra) - Nửa cuối năm 2024, nền kinh tế có nhiều biến động khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) phải đối mặt với nhiều áp lực tài chính. Để hỗ trợ SMEs vượt qua giai đoạn thách thức này, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB) chủ động triển khai những chính sách cụ thể với các giải pháp hỗ trợ như: Gói vay ưu đãi, lãi suất hỗ trợ... cùng quy trình thủ tục được “may đo” riêng biệt giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn thuận lợi và hiệu quả.

PV

11:41 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm