Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Trạm BOT: “Phí” hay “Giá” vẫn phải chú ý đến lợi ích người dân

Thứ sáu, 25/05/2018 - 13:24

(Thanh tra) - Bản chất của phí là dịch vụ công, mang tính phục vụ, trong khi giá mang tính thị trường, có cân đối lợi nhuận của nhà đầu tư. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, với trạm BOT, “thu phí” hay “thu giá” vẫn phải đặc biệt chú ý đến lợi ích của người dân.

Trạm thu giá BOT. Ảnh minh họa: Nguồn Internet

Phí khác gì giá?

Những ngày gần đây câu chuyện trạm BOT “thu phí” hay “thu giá” lại “nóng” lên. Bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Giao thông Vận tải lý giải, BOT là một sản phẩm của doanh nghiệp nên họ tự định giá; còn phí thì mang tính chất Nhà nước.

Theo Bộ trưởng Giao thông Vận tải, việc chuyển đổi này “không có gì khác mà chỉ linh động hơn” và không phải do Bộ quy định mà do Nghị định của Chính phủ quy định.

Soi vào hệ thống pháp luật, có 2 luật liên quan đề cập đến vấn đề này là Luật Phí, lệ phí và Luật Giá. Theo đó, Khoản 1, Điều 3, Luật Phí, lệ phí định nghĩa, “phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả nhằm cơ bản bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi được cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công được quy định trong Danh mục phí ban hành kèm theo Luật này”.

Trong khi đó, giá được tính toán bảo đảm bù đắp chi phí và có lợi nhuận hợp lý cho nhà đầu tư, phù hợp với chính sách phát triển kinh tế trong từng thời kỳ. “Yếu tố hình thành giá là giá thành toàn bộ thực tế hợp lý tương ứng với chất lượng hàng hóa, dịch vụ; lợi nhuận (nếu có); các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; giá trị vô hình của thương hiệu”, Luật Giá quy định.

Ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia chính sách công (Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) nhận định, trước đây hệ thống hạ tầng đường bộ do Nhà nước đầu tư, thu tiền nên được gọi là phí sử dụng đường bộ. Sau này khi tư nhân tham gia đầu tư, không còn là dịch vụ công nên “nếu gọi là phí sử dụng đường bộ sẽ trái luật”.

Trước đây các dự án BOT giao thông được quản lý theo hình thức thu phí. Bộ Tài chính có thẩm quyền ban hành mức phí và chế độ quản lý sử dụng với từng dự án.

Theo quy định Luật Phí và lệ phí, từ 1/1/2017, "phí đường bộ" sẽ được chuyển sang "giá dịch vụ sử dụng đường bộ", khung giá và giá tối đa do Bộ Giao thông Vận tải và UBND các tỉnh quy định. Bộ Giao thông có thẩm quyền ban hành mức giá trần dịch vụ sử dụng đường bộ trên quốc lộ do Bộ Giao thông quản lý, còn UBND cấp tỉnh quy định giá với đường địa phương.

Mức giá cụ thể cho dịch vụ sử dụng đường bộ đối với từng dự án được Bộ Giao thông Vận tải và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án thống nhất tại hợp đồng dự án trên nguyên tắc không vượt mức giá tối đa.

Theo vị chuyên gia chính sách công, đổi từ phí dịch vụ đường bộ sang giá dịch vụ đường bộ là đúng. Nhưng đổi từ “trạm thu phí BOT” thành “trạm thu giá BOT” là máy móc. Thay vào đó, nhà quản lý có thể gọi đó là trạm thu, trạm thu tiền…

Cơ chế thị trường vẫn có sự kiểm soát của Nhà nước

Trao đổi với báo chí chiều ngày 23/5, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, thu phí hay thu giá đều phải đảm bảo nguyên tắc là đúng thẩm quyền và phải có phương án tính toán hợp lý lợi ích của cả hai phía, nhà đầu tư và người sử dụng dịch vụ, đặc biệt là phải chú ý đến lợi ích của người dân địa phương.

“Việc chuyển từ "phí" sang "giá" thể hiện sự vận động theo cơ chế thị trường, theo quan hệ cung cầu. Tức là, trong cơ chế thị trường, nhà đầu tư phải có sự tính toán cho phù hợp. Nhưng đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư thì cũng phải đặc biệt quan tâm đến lợi ích của người dân địa phương”, ông Nguyễn Đức Hải nêu rõ.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội lưu ý thêm, dù là cơ chế thị trường thì vẫn có sự kiểm soát của Nhà nước, đặc biệt là những loại hàng hóa cung cấp dịch vụ công cộng. Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải phải có trách nhiệm với người dân vì quản lý trực tiếp ngành Giao thông.  Sau đó, Bộ Tài chính và các ngành liên quan cũng phải kiểm soát.

“Bản chất, nếu tham gia giao thông trên các tuyến đường BOT, người dân cũng có quyền lựa chọn đi theo tuyến đường phù hợp khác. Và người dân cũng phải có ý kiến khi nhà đầu tư đề xuất các phương án tăng giá”, ông Hải nói thêm.

Với quan điểm "cần xem đường BOT có đem lại hiệu quả kinh tế cho địa phương, đảm bảo lợi ích các bên hay không", ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, cách gọi trạm thu phí hay thu giá... cũng chỉ là tên gọi.

Theo ông Kiên, việc chuyển từ phí sang giá một số dịch vụ đã được quy định trong Luật. Những dịch vụ nào không nằm trong danh mục phí (ví dụ như đường BOT) sẽ được chuyển sang thu giá.

"Có thể Luật chưa bao quát hết các vấn đề xã hội nhưng ít nhất cũng phủ được 85 - 90%. Theo tôi, chúng ta nên tôn trọng thực tiễn, cam kết của Chính phủ. Ở đây hai bên cùng có lợi chứ không phải một bên nào", ông Kiên nhấn mạnh.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Công ty cổ phần Rạng Đông Holding bị xử phạt 242,5 triệu đồng

Công ty cổ phần Rạng Đông Holding bị xử phạt 242,5 triệu đồng

(Thanh tra) - Ngày 10/12/2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định số 1383/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty cổ phần Rạng Đông Holding (Mã chứng khoán RDP) số tiền 242,5 triệu đồng.

Trần Quý

19:12 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm