Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tín dụng tăng trưởng ì ạch, làm thế nào để khơi thông?

Nguyễn Điểm

Thứ năm, 15/06/2023 - 06:36

(Thanh tra) - Sau 5 tháng đầu năm, tín dụng nền kinh tế chỉ tăng khoảng 3,17% so với cuối năm 2022. Các chuyên gia cho rằng, với tình hình như vậy, mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 14 - 15% trong năm nay sẽ rất khó đạt được nếu nền kinh tế vẫn ảm đạm và niềm tin thị trường duy trì thấp như trong những tháng đầu năm.

TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR). Ảnh NĐ

Báo cáo tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà cho biết, đến hết tháng 5, tín dụng nền kinh tế về mặt số liệu đạt trên 12,3 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 3,17% so với cuối năm 2022.

Phó Thống đốc nhận định, so với thời điểm cùng kỳ, đến hết tháng 5/2022, tín dụng đã tăng trưởng đến 8% so với cuối năm 2021. Như vậy, trong điều kiện điều hành chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước không thay đổi, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 là 14%, năm nay nhích hơn một chút, từ 14% đến 15% mà tín dụng tăng thấp như thế, rõ ràng sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu, yếu hơn đáng kể so với năm ngoái.

Kinh tế khó khăn khiến nhu cầu vay vốn giảm sút

Nhận định về nguyên nhân khiến tín dụng tăng thấp, TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, chính sách tiền tệ hiện tại cần thêm thời gian để phát huy hết khả năng khi nền kinh tế có thể phục hồi, xuất khẩu tăng trưởng trở lại thì các doanh nghiệp mới nhập hàng và tăng trưởng sản xuất, lúc đó kích cầu tín dụng trong sản xuất tăng lên được.

“Ngoài ra, nếu chính sách tài khóa vẫn đang tắc khi không giải quyết được vấn đề đầu tư công thì nguồn tiền đã được sắp xếp để giải ngân, đưa vào nền kinh tế nhằm hồi phục tăng trưởng theo đó cũng không thể sử dụng. Đây là một trong những điểm nghẽn khiến vòng cung tiền chưa tạo đủ áp lực để tăng trưởng tín dụng trên thực tế”, ông phân tích.

Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cũng đã chỉ ra rằng, nguyên nhân do các doanh nghiệp sản xuất, đầu ra tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn do thiếu đơn hàng dẫn đến nhu cầu vay vốn mới để sản xuất giảm sút.

Liên quan đến tín dụng bất động sản, nhiều dự án bất động sản gặp khó khăn, trong đó có khó khăn về pháp lý, ít có dự án mới triển khai, do vậy nhu cầu tín dụng đối với bất động sản cũng giảm sút.

Theo TS Nguyễn Quốc Việt, việc tiếp cận tín dụng còn khó khăn do bản thân các doanh nghiệp bất động sản đã gặp phải nợ xấu khi giá trị tài sản đảm bảo của họ giảm, những dự án đang thực hiện không khả thi.

Dù Thông tư 02 mới đây của Ngân hàng Nhà nước đã cho phép các ngân hàng giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp, trong những điều kiện nhất định còn cho phép doanh nghiệp không chuyển nhóm nợ để họ có khả năng tiếp cận được nguồn tín dụng mới hoặc đảo nợ.

Tuy nhiên, việc này lại có hạn chế khi chỉ có một số doanh nghiệp thật sự còn tài sản hoặc tái cơ cấu được tài sản với chủ nợ mới có khả năng tiếp cận được nguồn tín dụng mới.

Xây dựng quỹ bảo lãnh khoản vay cho doanh nghiệp

Dự báo về khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14-15% năm nay của Ngân hàng Nhà nước, TS Nguyễn Quốc Việt cho rằng, việc này tuỳ thuộc hoàn toàn vào khả năng phục hồi tăng trưởng và sản xuất cả nền kinh tế bên trong lẫn bên ngoài.

Từ giờ đến cuối năm, nền kinh tế còn nhiều biến số. Tuy nhiên, nếu tình hình vẫn ảm đạm và niềm tin thị trường duy trì thấp như trong giai đoạn 5 tháng đầu năm thì mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14-15% năm nay của Ngân hàng Nhà nước sẽ rất khó hoàn thành nhất là khi những điểm nghẽn về đầu tư công, giải ngân vốn ngân sách nhà nước - một trong những “liều thuốc” hữu ích để phục hồi sản xuất kinh doanh đang chưa được thấy tính hiệu quả và đầu ra.

Còn theo TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay rất khó đạt được bởi rủi ro của nền kinh tế và các doanh nghiệp rất cao tại thời điểm này.

Ông Hiếu đề xuất, việc cần làm là bảo lãnh các khoản vay của doanh nghiệp, cần xây dựng quỹ bảo lãnh tín dụng lên tầm quốc gia chứ không chỉ ở địa phương. Quỹ này nhằm mục đích bảo lãnh được nhiều doanh nghiệp, lúc đó ngân hàng mới mạnh tay cho vay.

Về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, Ngân hàng Nhà nước xác định tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng, các ngân hàng giảm lãi suất cho vay.

Đối với khoản dư nợ hiện hữu, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức triển khai Thông tư 02 về giãn hoãn nợ để hỗ trợ cho các dư nợ đã có đối với doanh nghiệp. Còn dư nợ mới, yêu cầu các ngân hàng, tổ chức tín dụng tiếp tục tích cực cho vay đối với các khách hàng đủ điều kiện.

Về giải pháp tăng sức cầu của nền kinh tế, Phó Thống đốc kỳ vọng, các bộ, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ trợ doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, xúc tiến, tìm kiếm, phát triển, tháo gỡ khó khăn về thị trường tiêu thụ, thị trường bất động sản, qua đó tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như nâng cao năng lực tài chính, khả năng tiếp cận tín dụng.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

SeABank đồng hành cùng doanh nghiệp SMEs phát triển bền vững, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn linh hoạt dịp cuối năm

SeABank đồng hành cùng doanh nghiệp SMEs phát triển bền vững, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn linh hoạt dịp cuối năm

(Thanh tra) - Nửa cuối năm 2024, nền kinh tế có nhiều biến động khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) phải đối mặt với nhiều áp lực tài chính. Để hỗ trợ SMEs vượt qua giai đoạn thách thức này, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB) chủ động triển khai những chính sách cụ thể với các giải pháp hỗ trợ như: Gói vay ưu đãi, lãi suất hỗ trợ... cùng quy trình thủ tục được “may đo” riêng biệt giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn thuận lợi và hiệu quả.

PV

11:41 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm