Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thủ tướng: Nguồn vốn là vấn đề "sống còn" của doanh nghiệp, cho vay là hoạt động "sống còn" của ngân hàng

Nguyễn Điểm

Thứ bảy, 15/07/2023 - 21:00

(Thanh tra) - Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ, ngân hàng và doanh nghiệp (DN) có mối quan hệ "cộng sinh", "nhân quả", nên cần phải được thực hiện theo cơ chế thị trường trên cơ sở nguyên tắc bảo đảm "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Nguồn vốn là vấn đề "sống còn" của DN, cho vay là hoạt động "sống còn" của ngân hàng, trong khi khách hàng chủ yếu của ngân hàng là DN.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị ngành Ngân hàng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sáng 15/7, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Hội nghị Sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.

Giảm liên tục 4 lần lãi suất điều hành

Nêu một số nội dung quan trọng có tính gợi mở, định hướng để thống nhất nhận thức và tiếp tục hành động quyết liệt, hiệu quả hơn trong thời gian tới, trước hết, Thủ tướng nhấn mạnh sứ mệnh, nhiệm vụ quan trọng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trên 3 phương diện chính là bảo đảm giá trị đồng tiền, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm cung cấp nguồn vốn tín dụng và hệ thống thanh toán cho nền kinh tế; bảo đảm an ninh, an toàn tài chính, tiền tệ quốc gia, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và DN.

Thủ tướng nêu rõ sự đóng góp quan trọng của NHNN và toàn ngành Ngân hàng trong công cuộc đạt được mục tiêu tổng quát như kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn của nền kinh tế, an sinh xã hội, đời sống nhân dân được bảo đảm.

Theo đó, ngành đã tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế về tiền tệ, ngân hàng; đẩy mạnh cải cách hành chính, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Hai là, điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ của chính sách tiền tệ; giảm liên tục 4 lần lãi suất điều hành; lãi suất tiền gửi bình quân còn 5,8%/năm (giảm 0,7% so với cuối năm 2022), lãi suất cho vay bình quân còn 8,9%/năm (giảm 1%). Điều hành tỉ giá linh hoạt, phù hợp; bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ, tỷ giá, ngoại hối, trong khi nhiều nước tiếp tục thắt chặt tiền tệ và nâng lãi suất điều hành.

Ba là, nỗ lực triển khai nhiều giải pháp về tín dụng, đa dạng hóa các sản phẩm, hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng. Chỉ đạo, hướng dẫn các ngân hàng thương mại cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo Nghị quyết số 50 và 95 của Chính phủ (đến cuối tháng 5/2023, cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho hơn 11,2 nghìn khách hàng với dư nợ trên 24,8 nghìn tỷ đồng).

Bổ sung quy định tạo điều kiện thuận lợi, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, DN. Tích cực tổ chức các hội nghị kết nối ngân hàng - DN để đối thoại trực tiếp, giải quyết khó khăn, vướng mắc về tiếp cận vốn tín dụng. Đến cuối quý I/2023, đã tổ chức 214 buổi gặp gỡ, đối thoại trên toàn quốc, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã kết nối, hỗ trợ cho trên 80.000 DN với dư nợ được hỗ trợ là 1,3 triệu tỷ đồng.

Cùng với đó, năng lực tài chính, quản trị điều hành của các TCTD ngày càng được nâng lên; đặc biệt là tăng vốn điều lệ cho ngân hàng thương mại Nhà nước và các TCTD khác. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng đạt được nhiều kết quả tích cực.

Mối quan hệ "cộng sinh", "nhân quả" giữa ngân hàng và doanh nghiệp

Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động của ngành Ngân hàng còn những hạn chế, bất cập. Mặt bằng lãi suất, đặc biệt là lãi suất cho vay vẫn còn cao. Dư nợ tín dụng tăng thấp, nhiều DN vẫn khó tiếp cận tín dụng mới. Nợ xấu tiếp tục được xử lý nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tiến độ xử lý các TCTD yếu kém còn chậm. Công tác nắm bắt, dự báo tình hình chưa sát; việc giải quyết khó khăn, vướng mắc của người dân, DN có lúc, có nơi còn chậm, chưa kịp thời…

Thủ tướng chỉ ra một số bài học, theo đó, NHNN cần bám sát, nắm chắc tình hình, dự báo chính sách, đưa chính sách kịp thời, phù hợp, hiệu quả, tăng cường giám sát kiểm tra; các TCTD cần đồng hành, chia sẻ, cảm thông với khách hàng, người dân và DN.

Về định hướng chính sách, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hoà với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, nhanh chóng, dứt khoát.

Việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa ra chủ trương chuyển chính sách tiền tệ từ "chặt chẽ" sang "chắc chắn và tiếp tục chuyển sang "linh hoạt, nới lỏng hơn" là cần thiết và phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.

Thủ tướng nêu thêm, chia sẻ một số vấn đề quan trọng để NHNN và ngành Ngân hàng lưu ý. Trước hết, ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế, mạch máu có lưu thông tốt hay không chính là do hiệu quả hoạt động của ngành Ngân hàng và vai trò điều tiết của NHNN. Do đó, điều tiết phải nhanh chóng, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả.

Mặt khác, ngân hàng và DN có mối quan hệ "cộng sinh", "nhân quả", nên phải đặt mình vào địa vị của người khác để lắng nghe, chia sẻ nhiều hơn. Nguồn vốn là vấn đề "sống còn" của DN, cho vay là hoạt động "sống còn" của ngân hàng, trong khi khách hàng chủ yếu của ngân hàng là DN.

Đây là mối quan hệ "cộng sinh" cùng có lợi, nên cần phải được thực hiện theo cơ chế thị trường trên cơ sở nguyên tắc bảo đảm "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ". DN, người dân là hệ sinh thái không thể thiếu được của ngân hàng, "trong anh có tôi, trong tôi có anh, tuy hai mà một, tuy một mà hai", Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm của ngành Ngân hàng trong thời gian tới. Theo đó, tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay. Xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình thực tiễn.

Cơ cấu lại các TCTD, xử lý nợ xấu, cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm thanh khoản, an toàn hệ thống. Khẩn trương cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) tiếp tục xử lý nợ, bảo đảm kịp thời, hiệu quả.

Tham gia phát triển thị trường trái phiếu DN lành mạnh, hiệu quả, bền vững trong bối cảnh quy mô thị trường trái phiếu DN của Việt Nam còn khiêm tốn với mức dư nợ khoảng 15% GDP, thấp hơn các nước Đông Nam Á, trong khi theo chiến lược tài chính quốc gia thì quy mô thị trường trái phiếu DN đạt tối thiểu 20% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt 47% GDP đến năm 2025.

Theo đó, cần kiểm soát việc "đại chúng hoá" ở thị trường thứ cấp; phải phân biệt giữa trái phiếu DN phát hành bởi định chế tài chính và các loại trái phiếu khác, không ảnh hưởng đến tổ chức phát hành uy tín với kinh nghiệm lâu năm; tạo điều kiện cho DN hoạt động tốt có thể huy động vốn qua phát hành trái phiếu để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Phát triển thị trường trái phiếu DN niêm yết…

Thủ tướng cũng đề nghị ngành Ngân hàng tích cực tham gia tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, góp phần phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Công ty cổ phần Rạng Đông Holding bị xử phạt 242,5 triệu đồng

Công ty cổ phần Rạng Đông Holding bị xử phạt 242,5 triệu đồng

(Thanh tra) - Ngày 10/12/2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định số 1383/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty cổ phần Rạng Đông Holding (Mã chứng khoán RDP) số tiền 242,5 triệu đồng.

Trần Quý

19:12 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm