Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thụ lý đã 4 năm, Tòa loanh quanh… chưa xử vụ doanh nghiệp khởi kiện Cục Thuế

Thứ sáu, 31/05/2019 - 06:58

(Thanh tra)- Việc vi phạm pháp luật trong tố tụng của Tòa Hành chính (Tòa án nhân dân TP Hà Nội) được Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội khẳng định rõ tại Văn bản 3308/BT-VKS-P10 ngày 31/8/2018 gửi Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Xây dựng và Du lịch Bảo Sơn (Tập đoàn Bảo Sơn) khi doanh nghiệp này kêu cứu.

Trụ sở của Khách sạn Bảo Sơn, nơi đang bị Cục Thuế Hà Nội áp giá thuê đất tăng hơn 1.300% so với trước đây. Ảnh: Yến Thanh

Vụ việc bất đắc dĩ này khởi nguồn từ quá trình Tập đoàn Bảo Sơn đề nghị Cục Thuế và Sở Tài chính Hà Nội tính lại giá cho thuê đất, khi Hà Nội tính sai thuế đất đối với khu đất Khách sạn Bảo Sơn (50 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, HN) từ năm 2013.

Theo Tập đoàn Bảo Sơn, năm 1995, doanh nghiệp được UBND TP Hà Nội cho thuê đất để xây dựng khách sạn, văn phòng làm việc, thời hạn sử dụng đất là 20 năm. Theo Hợp đồng thuê đất số 04/3-95/HĐ-TĐTN (Ban Dịch vụ Đất đai Hà Nội - thuộc Sở Quản lý ruộng đất và Đo đạc ký với Bảo Sơn), giá thuê đất là 5% giá đất theo khung giá tại Quyết định 2951/QĐ-UB ngày 8/11/1194, khi UBND thành phố ban hành tỷ lệ phần trăm giá đất thì điều chỉnh theo quy định có quy định nguyên tắc điều chỉnh đơn giá thuê đất “Tiền thuê đất được thay đổi khi Nhà nước hoặc UBND thành phố có quyết định thay đổi khung giá đất trên địa bàn TP Hà Nội”.

Thực hiện Khoản 2, Điều 9 Nghị định 142/2005/NĐ-CP, Sở Tài nguyên và Môi trường đại diện cho UBND TP Hà Nội đã ký với Bảo Sơn Hợp đồng thuê đất số 27-2006/TNMTNĐ-HĐTĐTN ngày 11/4/2006 và vẫn giữ nguyên nguyên tắc điều chỉnh đơn giá thuê đất “Tiền thuê đất được thay đổi khi Nhà nước hoặc UBND thành phố có quyết định thay đổi khung giá đất trên địa bàn TP Hà Nội”.

Đối với các trường hợp thuê đất trước ngày 1/1/1996 như của Tập đoàn Bảo Sơn, UBND TP Hà Nội thống nhất áp dụng cách tính đơn giá thuê theo Quyết định số 1357/TC-QĐ-TCT ngày 30/12/1995 của Bộ Tài chính (là văn bản duy nhất cho đến nay vẫn còn hiệu lực). Theo đó, đơn giá thuê đất đối với ngành thương mại, dịch vụ bằng 0,7% giá 1m2 đất do UBND TP Hà Nội ban hành, điều chỉnh giá đất mà giá cho thuê đất đã được ổn định quá 5 năm và mức điều chỉnh mỗi lần không quá 15% theo giá trị hợp đồng thuê đất. Cụ thể, mức giá thuê đất của Hà Nội đưa ra với Bảo Sơn cho khu đất là 326,918 triệu đồng/năm (mỗi chu kỳ áp giá thuê đất là 5 năm).

Ngày 16/3/2011 là thời điểm hết thời hạn ổn định 5 năm của kỳ thanh toán lần thứ nhất theo Hợp đồng thuê đất số 27, Cục Thuế TP Hà Nội không thực hiện trách nhiệm báo cáo UBND thành phố thực hiện điều chỉnh đơn giá thuê đất tương ứng theo quy định trên, mà tự ý quyết định giá thuê đất. Cụ thể, Cục Thuế TP Hà Nội ban hành Công văn số 22385/CT-QLĐ ngày 12/9/2011 để Chi cục Thuế quận Đống Đa ra thông báo tạm thu tiền thuê đất kỳ 2 năm 2011 là hơn 839 triệu đồng. Tháng 10/2011, doanh nghiệp đã phải nộp tiền theo yêu cầu của Cục Thuế. Việc ra thông báo tạm thu tiền thuê đất nêu trên chưa tuân thủ quy định của pháp luật. Cụ thể, là trái với Mục IVb, Điều 4 Thông tư 94/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính: “Hết thời hạn ổn định nhưng do nguyên nhân khách quan chưa điều chỉnh được đơn giá thuê đất thì tiếp tục áp dụng đơn giá thuê đất của chu kỳ ổn định trước để tạm nộp tiền thuê đất cho thời gian đó…”.

Sau đó, đến năm 2013, Cục Thuế lại gửi thông báo bổ sung tiền thuê đất năm 2011 là 3,599 tỷ đồng.  

Sau nhiều lần có ý kiến về giá thuê đất “kỳ lạ” của Bảo Sơn, đến ngày 3/10/2013, Sở Tài chính và Cục Thuế TP Hà Nội mới tổ chức buổi họp liên ngành với đơn vị này và đưa ra mức giá không tuân thủ các quy định trước đây, hiện vẫn có giá trị pháp lý. Bỏ qua các ý kiến (được viện dẫn căn cứ pháp lý) của Bảo Sơn, Giám đốc Sở Tài chính TP Hà Nội vẫn ban hành Quyết định số 5705/QĐ-STC ngày 22/10/2013 phê duyệt đơn giá thuê đất của Tập đoàn Bảo Sơn tăng gấp hơn 13 lần so với đơn giá thuê đất trong Hợp đồng thuê đất số 27 và điều chỉnh chu kỳ áp giá thuê đất xuống còn 3 năm thay vì 5 năm như quy định trước đó.

Trước sự việc trên, Tập đoàn Bảo Sơn đã có nhiều văn bản báo cáo thành phố, tuy nhiên vụ việc không được giải quyết thỏa đáng, buộc Tập đoàn Bảo Sơn phải khởi kiện ra TAND TP Hà Nội (được thụ lý bởi Quyết định 43/HSST/2016 ngày 10/10/2016).

Tuy nhiên, suốt từ năm 2016 đến nay, vụ án vẫn chưa được xét xử, mặc cho Tập đoàn Bảo Sơn đã có nhiều công văn đề nghị xét xử theo quy định của pháp luật trong tố tụng. Một trong những lý do vụ án chưa được đem ra xét xử là phía bị đơn (Cục Thuế Hà Nội) nhiều lần lấy lý do… bận công tác (!?).

Ngày 31/8/2018, Viện KSND TP Hà Nội cũng đã có Văn bản 3308/BT-VKS-P10 gửi Tập đoàn Bảo Sơn, nói rõ vụ việc kéo dài vụ án của Tòa Hành chính - TAND TP Hà Nội là vi phạm luật tố tụng. Theo Viện KSND TP Hà Nội, cơ quan này cũng đã có Kiến nghị số 08 gửi TAND TP Hà Nội về vụ việc này.

Ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn cho biết: “29 năm qua (1991-2019) doanh nghiệp luôn chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và là đơn vị tiêu biểu trong hoạt động kinh doanh, nhiều lần đạt danh hiệu Doanh nhân Tiêu biểu Toàn quốc của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương đồng trao tặng. Cá nhân tôi và Tập đoàn được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động, cùng nhiều bằng khen, giải thưởng của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hà Nội, Bộ Công thương và các tổ chức quốc tế trao tặng. Việc hành xử của Cục Thuế, Sở Tài chính và TAND TP Hà Nội với chúng tôi dường như đi ngược lại chủ trương của Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân?”.

Cách áp thuế “lạ” và vì sao TAND TP Hà Nội chưa đưa vụ án ra xét xử đã cho thấy nhiều uẩn khúc, có dấu hiệu bất minh trong việc hành xử với doanh nghiệp. 

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin.

Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương X Khóa XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Bây giờ kinh tế tư nhân đang phát triển rất tốt. Đừng có kỳ thị với kinh tế tư nhân, phải công bằng, đề nghị sắp tới nơi nào làm tốt phải biểu dương, khen thưởng, thậm chí phong danh hiệu anh hùng cho doanh nghiệp tư nhân.

Bài tiếp theo: Có phi lý gì trong áp dụng luật của Cục Thuế Hà Nội?

Yến Thanh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

SeABank đồng hành cùng doanh nghiệp SMEs phát triển bền vững, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn linh hoạt dịp cuối năm

SeABank đồng hành cùng doanh nghiệp SMEs phát triển bền vững, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn linh hoạt dịp cuối năm

(Thanh tra) - Nửa cuối năm 2024, nền kinh tế có nhiều biến động khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) phải đối mặt với nhiều áp lực tài chính. Để hỗ trợ SMEs vượt qua giai đoạn thách thức này, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB) chủ động triển khai những chính sách cụ thể với các giải pháp hỗ trợ như: Gói vay ưu đãi, lãi suất hỗ trợ... cùng quy trình thủ tục được “may đo” riêng biệt giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn thuận lợi và hiệu quả.

PV

11:41 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm