Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Than Mông Dương “ngập đầu” trong nợ

Thứ sáu, 25/05/2018 - 12:22

(Thanh tra)- Báo cáo tài chính quý 1 của Công ty Cổ phần (CTCP) Than Mông Dương – Vinacomin cho thấy, đơn vị đạt 6,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong khoảng thời gian 3 tháng đầu năm nhưng vẫn đang nợ hơn 1.038 tỷ đồng, gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Than Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam Đặng Thanh Hải có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt CTCP Than Mông Dương. Ảnh: TKV

Theo báo cáo, lũy kế doanh thu thuần trong 3 tháng đầu năm của Than Mông Dương đạt tổng cộng hơn 374 tỷ đồng, trong đó, chủ yếu kinh doanh than.

Tuy nhiên, giá vốn bán hàng ở mức khá cao 317,3 tỷ đồng, khiến lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ trong 9 tháng bị đẩy xuống còn hơn 56,8 tỷ đồng.

Doanh thu từ hoạt động tài chính trong 3 tháng là 18,2 triệu đồng, một con số rất nhỏ nếu so với 115,2 triệu đồng của cùng kỳ năm trước.

Chi phí bán hàng thời gian này là hơn 3,9 tỷ đồng, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp là 28,8 tỷ đồng, chiếm phần lớn chi phí của tập đoàn.

Riêng chi phí tài chính trong 3 tháng là hơn 15,9 tỷ đồng, trong đó tất cả là chi phí lãi suất tiền vay.

Hiện tại, Than Mông Dương vẫn đang nợ hơn 1.038 tỷ đồng, trong đó hơn 556 tỷ đồng là nợ dài hạn và hơn 482 tỷ đồng nợ ngắn hạn, khiến doanh nghiệp này phải trả hơn 15,9  tỷ đồng lãi suất vốn vay.

Than Mông Dương hiện đang có số nợ gấp 4,28 lần vốn sở hữu. Trong cơ cấu nợ của Than Mông Dương, chiếm số lượng áp đảo là vay và thuê tài chính. Vay nợ gấp nhiều lần vốn sở hữu trong bối cảnh ngành Than kinh doanh khó khăn hơn cũng khiến doanh nghiệp dễ gặp rủi ro.

Nhóm ngân hàng cung cấp tài chính nhiều nhất cho Than Mông Dương hiện là Ngân hàng thương mại Sài Gòn – Hà Nội, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Quân đội – chi nhánh Quảng Ninh…

Vay nhiều, nợ lớn, gấp nhiều lần vốn không những cho thấy tình trạng kinh doanh của Than Mông Dương đang gặp vấn đề, mà còn chứng tỏ có thể doanh nghiệp chưa biết cách vay nợ để kinh doanh và khai thác lợi ích của hiệu quả tiết kiệm thuế. Thậm chí, nếu nợ quá lớn trong khi khả năng thanh toán không đảm bảo dễ đặt doanh nghiệp vào vòng rủi ro.

Trên sàn, giá cổ phiếu ở mức 4.400 đồng/cổ phiếu. Kết thúc phiên 23/5, cổ phiếu MDC của Than Mông Dương giảm 300 đồng, tức gần 6,38% so phiên trước đó (22/5).

Chỉ số tài chính của Than Mông Dương cũng không thật sự ấn tượng. Hiện, tỉ số nợ vay trên vốn chủ sở hữu là 342%, tỷ số nợ trên tổng tài sản là 81,1%, khả năng thanh toán lãi vay là 1,51 lần, tỷ số thanh toán hiện hành ngắn hạn là 0,6 lần… trong khi tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản bình quân là 0,48%, tỷ suất sinh lợi trên doanh thu thuần là 1,68%.

Năm 2017, Than Mông Dương đặt chỉ tiêu doanh thu hơn 1.707 tỷ đồng, lợi nhuận 23.6 tỷ đồng. Tuy nhiên, kế hoạch này đã phá sản khi doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của MDC chỉ là hơn 1.444 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là hơn 19,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là hơn 11,3 tỷ đồng trong 2017.

Ngày 26/2, Than Mông Dương có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và các cổ đông, giải trình chênh lệch lợi nhuận sau thuế năm 2017 so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, doanh thu thuần năm 2017 của Than Mông Dương chỉ đạt hơn 1.444 tỷ đồng, thấp hơn nhiều con số hơn 1.590 tỷ đồng của năm 2016. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 11,3 tỷ đồng năm 2017, trong khi con số này của năm 2016 là 22,07 tỷ đồng. Tính chung, lợi nhuận sau thuế giảm 48,77% so cùng kỳ so năm trước đó.

Nguyên nhân việc này, được Than Mông Dương lý giải do doanh thu thuần giảm 9,19% so với 2016. Nhưng vì sao doanh thu thuần giảm thì lãnh đạo Than Mông Dương không cho biết!

Được biết, ngày 22/3/2018, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam Đặng Thanh Hải có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt CTCP Than Mông Dương về khó khăn của đơn vị này trong lĩnh vực tài chính và khai thác hầm lò.

Như Báo Thanh tra phản ánh, yếu kém trong sản xuất dẫn đến CTCP Than Mông Dương phải bồi thường và tiếp tục “đối mặt” khoản thiệt hại có thể lên tới 80 tỷ đồng bồi thường công trình thiệt hại do nổ mìn khai thác than gây ra.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

 Hoàng Long

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm