Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Thái Nguyên: Dư nợ tín dụng 9 tháng tăng 4,51%

Nguyễn Điểm

Thứ tư, 04/10/2023 - 22:04

(Thanh tra)- 9 tháng đầu năm 2023, dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đạt khoảng 86,6 nghìn tỷ đồng, tăng 4,51% so với 31/12/2022, thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng toàn ngành (5,56%) và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (10,85%). Dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh trong những tháng đầu năm có sự tăng trưởng khá, tuy nhiên, so với các năm trước thì đây vẫn là mức thấp.​

Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NHNN

Chiều ngày 4/10, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Dư nợ tín dụng tại Thái Nguyên ở mức thấp so với các năm trước

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà chia sẻ, Thái Nguyên là một trong những trung tâm kinh tế, chính trị - xã hội của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, là cửa ngõ giao lưu kinh tế - xã hội giữa vùng Trung du miền núi với vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định và có bước phát triển. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt kết quả tốt, tăng 26,8% so với cùng kỳ; sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục có xu hướng tích cực hơn (tăng 3,68% so với cùng kỳ), trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò là động lực tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp; thu hút đầu tư FDI toàn tỉnh đạt tổng vốn đăng ký 171 triệu USD với 27 dự án FDI cấp mới.

“Đối với hoạt động ngân hàng thời gian qua đã không ngừng được cải thiện, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp”, ông Hà nhận định.

Theo Phó Thống đốc, trong năm 2022, tăng trưởng tín dụng tại tỉnh Thái Nguyên đạt gần 16%, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung. Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm 2023, dư nợ cho vay đạt khoảng 86,6 nghìn tỷ đồng, tăng 4,51% so với 31/12/2022, thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng toàn ngành (5,56%) và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (10,85%).

Tình hình tín dụng trên địa bàn của một số ngành có xu hướng giảm: Tín dụng ngành Nông lâm, thủy sản giảm 0,29% so với cuối năm 2022. Tín dụng ngành Khai khoáng giảm 5,54%, chiếm tỷ trọng 1,57% đối với dư nợ tín dụng, ngành Bán buôn, bán lẻ; sửa chữa mô tô, ô tô, xe máy và xe có động cơ khác giảm 1,09%, chiếm tỷ trọng 41,81%.

Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên có sự sụt giảm, trong đó dư nợ phát triển nông nghiệp, nông thôn giảm 10,23%, doanh nghiệp vừa và nhỏ giảm 6,28%.

Tuy nhiên, một số ngành, lĩnh vực tăng trưởng cao như: Ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,55%, hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 14,45%, dịch vụ lưu trú ăn uống tăng 14,31%. Dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp FDI tăng 30,98%, doanh nghiệp Nhà nước tăng 7,36%.

Một số chương trình, chính sách tín dụng trên địa bàn cũng đạt kết quả khả quan như cho vay Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, tín dụng chính sách ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội… Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã thực hiện cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 cho khách hàng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên là gần 626 tỷ đồng cho 57 lượt khách hàng.

Tỉnh Thái Nguyên cũng là địa phương chủ động, tích cực trong triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, góp phần tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng và các dịch vụ ngân hàng đối với người dân và doanh nghiệp trên địa bàn. Kết quả trên cho thấy, dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh trong những tháng đầu năm có sự tăng trưởng khá, tập trung vào một số ngành, lĩnh vực như thương mại, dịch vụ, bất động sản. Tuy nhiên, so với các năm trước thì đây vẫn là mức thấp.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: NHNN

Đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

Tuy nhiên, mặc dù toàn ngành ngân hàng đã nỗ lực thực hiện các chủ trương, chính sách, giải pháp, trong đó nhiều giải pháp được thực hiện bằng chính nguồn lực của TCTD, song việc cung ứng và tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp trên cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nói riêng hiện vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Theo đó, trước bối cảnh các kênh huy động vốn khác chưa thực sự phát huy hiệu quả, nhất là thị trường vốn (thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán) đang tồn tại một số vấn đề và chưa phát triển tương xứng với vai trò cung ứng vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế đã khiến nhu cầu vốn cho phục hồi kinh tế tập trung phần lớn qua kênh tín dụng ngân hàng, tạo áp lực cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế lên ngành ngân hàng.

Mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống vẫn thấp so với cùng kỳ các năm trước, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ các yếu tố khách quan như: cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm; một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ngoài ra là tác động từ khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm bất động sản; sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro bị đánh giá cao hơn, khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả (chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu cao, thị trường đầu ra, đơn hàng, doanh thu giảm...); TCTD rất khó khăn trong quyết định cho vay do không hạ được chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống.

Từ tình hình thực tế nêu trên, để góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, bên cạnh các giải pháp của các bộ, ngành, địa phương, trong thời gian tới ngành ngân hàng tiếp tục tích cực triển khai các giải pháp ngân hàng, tín dụng cho khu vực.

Cụ thể, tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, gắn việc đầu tư tín dụng ngân hàng để thực hiện các chương trình, dự án theo quy hoạch của tỉnh.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng, chỉ đạo TCTD tích cực triển khai các nhiệm vụ của ngành ngân hàng tại chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là chương trình hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống ngân hàng thương mại... Kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông; kiểm soát chất lượng tín dụng và ngăn ngừa nợ xấu.

Ngoài ra, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận tín dụng, chỉ đạo các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp khác để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với cả khoản vay mới và dư nợ hiện hữu; rà soát, cắt giảm phí nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dân.

Bên cạnh đó, củng cố, phát triển mạng lưới và dịch vụ ngân hàng phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục trong giao dịch với khách hàng nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng và dịch vụ ngân hàng của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm