Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Sử dụng ngân sách dàn trải phải “thổi còi” ngay

Thứ sáu, 07/08/2015 - 07:17

(Thanh tra)- Tình trạng phân bổ, sử dụng ngân sách (NS) Nhà nước (NN) dàn trải, có nơi lỏng lẻo, gây thất thoát, lãng phí, thậm chí tạo mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng. Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính NS của Quốc hội (QH) nhấn mạnh, địa phương nào đầu tư dàn trải phải “thổi còi”, bắt dừng ngay. Nếu lặp đi, lặp lại phải tính đến chuyện “cắt hạn mức dự toán hàng năm”…

PGS.TS Đinh Văn Nhã nhấn mạnh, trách nhiệm người đứng đầu tốt, kỷ cương tài chính sẽ tốt, khắc phục được tình trạng phi kỷ luật, kỷ cương trong sử dụng NS. Ảnh: Thảo Nguyên

Hết dự án dở dang mới tính đầu tư mới

- Lâu nay chúng ta vẫn nói, NS hạn hẹp phải đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhưng thực tế phân bổ, sử dụng “tiền thuế của dân” vẫn dàn trải, cào bằng, thất thoát, lãng phí. Liệu có “siết” được tình trạng này, thưa ông?

+ Chuyện “đầu tư dàn trải, nợ đọng đầu tư xây dựng cơ bản…” là hậu quả do việc không thực hiện tốt kỷ cương, kỷ luật trong điều hành NS, chủ trương đầu tư, phân bổ vốn đầu tư. Lâu nay các địa phương hay làm ngược là “tạm gác” các khoản trả nợ, “quên” các khoản bố trí để hoàn vốn đã ứng trước mà tập trung phân bổ vốn ngay, thậm chí lại không phân bổ cho những dự án, công trình đang dở dang mà lại cho “ra đời” hàng loạt dự án, công trình mới. Kiểu quản lý, sử dụng NS như vậy khiến số dự án, công trình dở dang, kéo dài thời gian thực hiện tăng lên nhanh chóng hàng năm.

Tôi cho rằng, bảo đảm kỷ cương trong đầu tư công là phân bổ NS chỉ dành ra những khoản vốn ưu tiên để trả dứt điểm các khoản nợ cũ, thu hồi được các khoản tạm ứng. Khi nào xử lý xong việc trả nợ, tạm ứng còn bao nhiêu mới sắp xếp phân bổ NS theo thứ tự ưu tiên. Sau khi không còn những dự án, công trình dở dang mới tính đến đầu tư mới. Làm như vậy, dứt khoát với Luật NSNN 2015 sẽ giải quyết được tình trạng sử dụng vốn đầu tư không hiệu quả.

- Vậy đâu là giải pháp căn cơ để không còn quy trình “ngược” trong phân bổ NS như ông đề cập?

+ Trước đến nay, nhìn chung vẫn còn nể nang, xuề xòa, buông lỏng kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện dự toán NSNN. Hiện, Chính phủ đã nhận rõ những “lình xình”, gây lãng phí nên phải kiên quyết, quyết liệt trong thực hiện pháp luật về NS. Tôi cho rằng, về phía Chính phủ, nếu địa phương nào làm như vậy phải “thổi còi”, bắt dừng ngay.

Còn QH, các cơ quan của QH, HĐND và các cơ quan của HĐND trong quá trình thực hiện chức năng giám sát, cũng làm việc theo tinh thần “đúng pháp luật mà làm”. Nghĩa là, địa phương nào có vấn đề, có dấu hiệu cho thấy đầu tư dàn trải phải cảnh báo, kiến nghị, xem xét lại trách nhiệm của người đứng đầu. Thậm chí, nếu phát hiện địa phương nào lặp đi, lặp lại chuyện đầu tư dàn trải, sử dụng vốn của dân được giao không hiệu quả phải tính đến “cắt hạn mức dự toán hàng năm”.

Ngoài ra, QH và HĐND đều tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh được bầu hoặc phê chuẩn. Luật NSNN cũng qui định rõ trách nhiệm giải trình về quản lý tài chính, NS. Nếu cứ giải trình liên tục thì người đứng đầu khó được phiếu tín nhiệm cao. Tôi nghĩ, trách nhiệm người đứng đầu tốt, kỷ cương tài chính sẽ tốt, khắc phục được tình trạng phi kỷ luật, kỷ cương trong sử dụng NS.

Minh bạch giảm xin - cho ngân sách

- Phân bổ NSNN là một trong những vấn đề được người dân quan tâm. Khi xác định tiêu chí, định mức phân bổ NS, cần quan tâm đến yếu tố nào?

+ Đây là câu chuyện hết sức phức tạp cần được giải quyết trong giai đoạn NS sắp tới. Trước tiên, phải căn cứ vào khả năng NSNN, chính là nguồn thu của NS trong năm tài chính và giai đoạn NS. Cùng với đó, là hệ thống các tiêu chí phản ánh sự phát triển đồng đều và tương đối thống nhất giữa các địa phương để bảo đảm phân bổ NS công bằng, nhất là phân bổ nguồn vốn đầu tư phát triển. Một yếu tố quan trọng nữa, các địa phương có mặt bằng phát triển kinh tế không giống nhau, có nhóm địa phương rất phát triển, có nhóm địa phương chỉ phát triển trung bình và có nhóm địa phương sau 5 năm vẫn ở mức phát triển thấp.

Phân bổ NS cũng phải căn cứ vào khả năng phát triển của từng địa phương, vì thực tế đã cho thấy, phân bổ NS đồng đều, hiệu quả lại không cao. Do vậy, khi phân bổ NS phải tính đến các tỉnh trọng điểm, có ảnh hưởng đến sự tăng trưởng chung của cả nước.

Ngoài những tiêu chí chính, còn có những tiêu chí phụ, phản ánh đặc thù, phát huy những lợi thế là động lực tăng trưởng, đặc thù của từng địa phương để bảo đảm cho các địa phương có đủ nguồn lực phát triển. Khi phân bổ NS phải tính toán khoa học mới bảo đảm công bằng, tạo động lực cho các địa phương đều có đủ nguồn lực duy trì hoạt động của chính quyền địa phương các cấp.

- Có ý kiến cho rằng, tình trạng “xin - cho” đang là “bệnh nan  y” của công tác quản lý NS. Làm thế nào để chấm dứt “xin - cho” trong giai đoạn NS tới?

+ Lâu nay NS Trung ương hỗ trợ địa phương ngoài những định mức tính bằng điểm, thậm chí cả những khoản ứng trước vẫn diễn ra. Trong công tác NS không có quy định “xin là cho” nhưng khi địa phương, bộ, ngành đề nghị hỗ trợ NS thì Trung ương, Chính phủ phải xem xét, quyết định. Thực tế, có những vấn đề trong điều hành NS như có các khoản chi phát sinh do thiên tai, dịch bệnh… mà địa phương không đủ nguồn lực để cân đối thì Trung ương cần hỗ trợ. Còn “xin - cho” NS, địa phương “xin” Trung ương, các bộ, ngành “xin” Chính phủ chỉ là cách nói thôi.

Với Luật NSNN năm 2015 có nhiều quy định mà theo tôi nếu tổ chức thi hành tốt sẽ chấm dứt tình trạng “xin - cho”. Hơn nữa, việc ban hành quy chế cho các khoản chi Trung ương có thể hỗ trợ địa phương theo tinh thần Luật NSNN năm 2015 sẽ giúp minh bạch về quy trình, thủ tục, thời gian, yêu cầu. Địa phương có thể căn cứ vào để đề nghị hỗ trợ NS và từ đó sẽ giảm “xin - cho” ngân sách.

- Xin cảm ơn ông!

Thảo Nguyên (Thực hiện)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

SeABank đồng hành cùng doanh nghiệp SMEs phát triển bền vững, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn linh hoạt dịp cuối năm

SeABank đồng hành cùng doanh nghiệp SMEs phát triển bền vững, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn linh hoạt dịp cuối năm

(Thanh tra) - Nửa cuối năm 2024, nền kinh tế có nhiều biến động khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) phải đối mặt với nhiều áp lực tài chính. Để hỗ trợ SMEs vượt qua giai đoạn thách thức này, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB) chủ động triển khai những chính sách cụ thể với các giải pháp hỗ trợ như: Gói vay ưu đãi, lãi suất hỗ trợ... cùng quy trình thủ tục được “may đo” riêng biệt giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn thuận lợi và hiệu quả.

PV

11:41 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm