Theo dõi Báo Thanh tra trên
Nguyễn Điểm
Thứ năm, 20/07/2023 - 06:36
(Thanh tra) - Theo các chuyên gia, để kích thích tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng, hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn, cần giảm lãi suất cho vay, khơi thông lại thị trường bất động sản, nới lỏng điều kiện cho vay hay xây dựng quỹ bảo lãnh tín dụng…
Cần tháo gỡ nghịch lý ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp vẫn khó vay. Ảnh: NĐ
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú vừa nêu ra nghịch lý của ngành Ngân hàng hiện nay, khi thanh khoản của các ngân hàng thương mại đang thừa nhưng lại không cho vay được.
Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã hạ lãi suất 4 lần. Tuy nhiên, đến nay, dư nợ tín dụng mới tăng 4,2%. Trong khi, chỉ tiêu đề ra là tăng trưởng tín dụng năm 2023 phải đạt từ 14-15%, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt 6,5% và kiểm soát lạm phát ở mức 4,5%.
Thông thường, tại các nước, khi lãi suất tăng cao thì tín dụng có thể tăng trưởng âm, lãi suất của Việt Nam đã hạ, theo đó thì tín dụng tăng. "Vậy vì sao có câu chuyện tín dụng tăng chậm hơn khi lãi suất giảm nhanh?", Phó Thống đốc nêu vấn đề.
Ngân hàng không thể cho vay một cách “rộng rãi”
Lý giải về nguyên nhân của nghịch lý trên, TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính, ngân hàng cho biết, ngân hàng đang thừa tiền nhưng lại không tìm được người vay phù hợp theo chuẩn mực của Luật Các Tổ chức tín dụng cũng như chuẩn mực riêng của nội bộ ngân hàng. Vì tại thời điểm này, khi nền kinh tế đang ở trong giai đoạn rủi ro cho vay tăng cao, bởi càng nhiều doanh nghiệp phá sản cùng các cá nhân bị giảm thu nhập hay mất việc làm khiến ngân hàng không thể cho vay một cách “rộng rãi” như trước.
Đặc biệt, theo ông Hiếu, tại thời điểm này, những chương trình cho vay tín chấp đang rất hạn chế, phần lớn là vay thế chấp. Các doanh nghiệp khi gặp khó khăn, không còn tài sản để thế chấp cho ngân hàng, vậy nên, việc khách hàng doanh nghiệp không đáp ứng được những tiêu chí và điều kiện cho vay của ngân hàng làm trở ngại cho việc tăng trưởng tín dụng cho các nhà băng.
Còn theo nhận định của ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, hiện tại, doanh nghiệp không có nhu cầu tín dụng bởi tình hình kinh tế đi xuống, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, sản xuất trong nước yếu đi, khiến các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất rất thận trọng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tín dụng tăng trưởng thấp cũng bởi bất động sản - ngành chiếm dư nợ tín dụng lớn lại đang khó khăn do việc triển khai thêm các dự án đang hạn chế, trong bối cảnh nhu cầu trên thị trường này vẫn chưa hồi phục lại được. Theo đó, khả năng tiếp cận vốn vay của các doanh nghiệp bất động sản cũng gặp khó vì ngân hàng e ngại những rủi ro của thị trường này.
“Ngoài ra, nguyên nhân một phần cũng đến từ rủi ro của các ngân hàng thương mại. Với tình hình kinh tế hiện tại, thanh khoản của thị trường bất động sản và một số điều kiện ràng buộc trong Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước cũng khiến các doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay của ngân hàng”, ông Minh cho hay.
Đáng chú ý, giám đốc này cho rằng, trong 6 tháng đầu năm, lãi suất cho vay chưa giảm dù Ngân hàng Nhà nước giảm 4 lần lãi suất điều hành. Lãi vay vẫn neo cao bởi các ngân hàng thương mại cần một thời gian để cơ cấu lãi suất huy động, từ đó mới có cơ sở giảm lãi vay. Theo đó, với mức lãi vay cao như hiện tại, doanh nghiệp cũng không có nhu cầu vay vốn, bởi sản xuất không thể bù được phần chi phí lãi vay.
Giải pháp đẩy vốn ra nền kinh tế
Hiện tại, tăng trưởng tín dụng đang rất thấp, chưa đạt ⅓ so với kế hoạch đề ra. Vì vậy, để kích thích tín dụng nhằm tháo gỡ nghịch lý “ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp vẫn khó vay”, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc cần làm là giúp doanh nghiệp vay vốn. Song, đây là một vấn đề khó khăn bởi Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các ngân hàng thương mại không hạ chuẩn tín dụng, trong khi rất ít doanh nghiệp có thể đạt được yêu cầu cho vay.
Theo đó, ông Hiếu đề xuất giải pháp thiết yếu nhất là xây dựng Quỹ Bảo lãnh tín dụng quốc gia. Quỹ này sẽ bảo lãnh cho doanh nghiệp để đi vay vốn ngân hàng. Nếu doanh nghiệp không trả được tiền cho ngân hàng thì quỹ bảo lãnh tín dụng sẽ trả thay cho doanh nghiệp của mình.
“Tuy nhiên, cần có quy chế riêng cho các quỹ bảo lãnh tín dụng, các điều kiện được bảo lãnh phải nhẹ nhàng hơn và nếu doanh nghiệp không trả được nợ cho ngân hàng mà quỹ này phải đứng ra bồi thường thì cần xem đó là chi phí cho quốc gia, chi phí để trợ giúp doanh nghiệp. Nếu quỹ bảo lãnh lại có những tiêu chí bảo lãnh như điều kiện vay vốn ngân hàng hiện nay, thì khó có thể bảo lãnh cho doanh nghiệp”, ông Hiếu phân tích.
Ngoài ra, ông Hiếu cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên thúc đẩy các ngân hàng tiến tới hình thức cho vay tín chấp, bên cạnh cho vay thế chấp. “Nhưng cho vay tín chấp phải là một loại hình cho vay mà ngân hàng kiểm soát được dòng tiền, tức cho các doanh nghiệp dùng tiền vay để mua nguyên vật liệu rồi sản xuất, bán hàng, sau đó doanh thu phải được đổ về tài khoản của doanh nghiệp, chứ không mang tiền đầu tư chỗ khác. Việc kiểm soát một chu kỳ dòng tiền đóng kín phải được thiết lập và các doanh nghiệp phải tuân thủ quy trình đó mới có thể thực hiện hình thức cho vay tín chấp”, ông Hiếu nói.
Còn theo ý kiến của ông Nguyễn Thế Minh, để đẩy vốn ra nền kinh tế, đầu tiên vẫn cần giảm lãi suất cho vay. Ngoài ra, đa phần nguồn dư nợ của các ngân hàng thương mại vẫn đến từ bất động sản, nói cách khác, tài sản đảm bảo của ngân hàng là bất động sản.
Vậy nên, việc cần làm tiếp theo là tạo được thanh khoản cho thị trường bất động sản hồi phục trở lại, lúc đó, các ngân hàng thương mại mới giảm điều kiện cho vay và sẵn sàng bơm dòng vốn ra thị trường.
Bên cạnh đó, cần khôi phục tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế hiện nay. Đóng góp vào GDP của Việt Nam bao gồm kinh tế nội địa và kinh tế xuất khẩu, song xuất khẩu lại gặp khó bởi cần phụ thuộc vào những nước phát triển mới đang trên đà hồi phục nền kinh tế của họ.
“Vì vậy, kinh tế nội địa là yếu tố quyết định tăng trưởng GDP. Theo đó, chúng ta cần đẩy mạnh những giải pháp kích thích nhu cầu tiêu dùng trở lại như chính sách tài khoá giảm thuế VAT 2% vừa được ban hành, hay đẩy mạnh phát triển lĩnh vực du lịch, giải trí đang trên đà hồi phục, hoặc có nhiều giải pháp thúc đẩy đầu tư công nhanh hơn, bởi đây là động lực chính khôi phục tăng trưởng kinh tế trong nước trở lại trong năm nay”, ông Minh gợi ý.
Ông Minh cũng đề xuất cần nới lỏng điều kiện cho vay của các ngân hàng thương mại. Trước đó, điều kiện vay vốn còn khắt khe vì ảnh hưởng đến hệ số an toàn vốn (CAR) của các nhà băng cùng Thông tư 06. Do đó, cần điều chỉnh lại điều kiện vốn vay này, nhưng cần nới lỏng hơn thông qua tăng cung tiền, đảm bảo vốn vào sản xuất, kinh doanh.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán Công ty cổ phần Công trình Giao thông Đồng Nai bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) xử phạt 242,5 triệu đồng.
Trần Quý
20:27 13/12/2024(Thanh tra) - Mã cổ phiếu TTL của Tổng công ty Thăng Long liên tục tăng kịch trần trong 5 phiên giao dịch liên tiếp, khiến công ty phải giải trình với Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.
Đông Hà
09:13 13/12/2024Theo VietinBank
21:28 11/12/2024Trần Quý
19:12 11/12/2024Uyên Uyên
12:45 11/12/2024Trần Quý
Trần Quý
Trần Kiên
Bùi Bình
Văn Thanh
Bùi Bình
Văn Thanh
Trần Kiên
Trung Hà
Thái Hải
Bùi Bình