Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Ngành Ngân hàng “tiếp sức” cho cánh đồng mẫu lớn ở Thái Bình

Thứ ba, 09/09/2014 - 14:37

(Thanh tra) - “Ngành Ngân hàng trao tặng 30 tỷ đồng để Thái Bình xây dựng nông thôn mới và phát triển mô hình cánh đồng mẫu lớn. Đây là sự “tiếp sức” để giúp cho Đề án Cánh đồng mẫu lớn (CĐML) đang triển khai như ở xã Bình Định, huyện Kiến Xương có thêm động lực để phát triển sản xuất, giảm chi phí tăng thu nhập cho người nông dân, khắc phục sản xuất manh mún...”.

Ông Định Công Mấn, Chủ tịch UBND xã Bình Định, Kiến Xương, Thái Bình tại buổi thị sát của Thống đốc Nguyễn Văn Bình và lãnh đạo tỉnh tại khu ruộng được chọn làm Đề án Cánh đồng mẫu lớn. Ảnh: Ngọc Quyết

Đó là khẳng định của ông Định Công Mấn, Chủ tịch UBND xã Bình Định, Kiến Xương, Thái Bình tại buổi thị sát của Thống đốc Nguyễn Văn Bình và lãnh đạo tỉnh tại khu ruộng được chọn làm Đề án CĐML của xã ngày 8/9.

Cánh đồng một màu

Cả một cánh đồng trải ngút tầm mắt với một màu xanh của những ruộng lúa đang chuẩn bị làm đòng, hứa hẹn một mùa vàng bội thu. “Đây là cánh đồng một màu”, Chủ tịch xã Bình Định, Định Công Mấn nở nụ cười tươi như hoa chỉ tay giới thiệu CĐML với một màu xanh ngút ngàn của những ruộng lúa giống mới với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình.

"Làm CĐML sẽ giúp điều tiết được nước, phòng trừ sâu bệnh và lúa chín đều cả cánh đồng. Có máy móc cơ giới vào, sẽ làm được đồng loạt, tránh mỗi ruộng một màu trên cánh đồng. Hơn nữa, khi có máy gặt đập liên hợp, người trung niên, người già vẫn làm tốt, khắc phục cảnh thiếu hụt lao động trẻ ở nông thôn hiện nay", ông Mấn nói.

Ông Mấn đưa ra những con số thực tế để minh chứng cho thành công của một hướng đi mới mà người dân trong xã Bình Định đã và đang triển khai. Ông cho biết, do vùng quy hoạch sản xuất tập trung cấy đồng trà, cùng giống lúa nên công tác điều tiết nước nhanh đồng loạt từ bừa, ống cấy đến chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh tập trung đảm bảo cho lúa phát triển sinh trưởng đồng đều hơn các diện tích cấy ngoài vùng, hiệu quả kinh tế thu được từ mô hình tăng là 115 kg/sào. 

“Bên cạnh đó, do quy gọn được vùng sản xuất nên HTX thuận lợi áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất, bảo quản trước và sau thu hoạch để tránh lẫn tạp chất đảm bảo chất lượng sản phẩm khi thu mua của doanh nghiệp. Cân đối thu chi, các hộ mà triển khai đề án CĐML dù có đi thuê hoàn toàn công lao động vẫn còn lãi hơn 1 triệu đồng”, ông Mẫn nói.

Thái Bình là một trong những tỉnh được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn thí điểm xây dựng CĐML ở miền Bắc. Thực hiện chương trình thí điểm, Thái Bình đã có 13 xã tham gia mô hình với tổng diện tích 1.267 ha và đạt kết quả bước đầu đáng khích lệ, lợi nhuận tăng bình quân 3,9 triệu đồng/ha so với canh tác đại trà.

Ngay sau khi được Bộ lựa chọn làm thí điểm xây dựng mô hình canh tác mới, Thái Bình đã xây dựng Đề án “Xây dựng mô hình thí điểm cánh đồng mẫu”. Đề án này đã được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt. Có thể thấy, qua phương thức này, đã góp phần tạo ra sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất nông nghiệp để bảo đảm hài hòa lợi ích của doanh nghiệp cũng như nông dân yên tâm sản xuất và nâng cao hiệu quả canh tác. Mô hình "CĐML" ở Thái Bình được triển khai theo nhiều phương thức khác nhau để phù hợp với từng vùng.

Chia vui với sự thành công bước đầu của những người nông dân Thái Bình, trao đổi về định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tới với lãnh đạo tỉnh Thái Bình, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đề nghị Thái Bình cần phát huy thế mạnh của tỉnh về nông, lâm, thủy sản, tập trung vào việc quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, hiệu quả cao theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ cao. Nâng cấp xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Theo đó, tập trung huy động các nguồn vốn để xây dựng nông thôn mới. Theo Thống đốc, Thái Bình là vựa lúa của miền Bắc, có dân số đông, có trên 1 triệu người trong độ tuổi lao động, có điều kiện tự nhiên, sinh thái thuận lợi cho phát triển nông nghiệp theo hướng thâm canh và công nghệ cao... Thái Bình nên chú trọng duy trì và phát triển nông nghiệp ở mức hợp lý để đảm bảo sự ổn định, phát triển bền vững kinh tế-xã hội tỉnh.

Sẵn sàng nguồn vốn cho nông nghiệp

Với điều kiện tự nhiên, sinh thái thuận lợi cho phát triển nông nghiệp theo hướng thâm canh và công nghệ cao, Thái Bình là trọng điểm sản xuất lúa màu của vùng Bắc Bộ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2014 của tỉnh đạt 7,46%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực: nông, lâm, thủy sản chiếm 32,1%; công nghiệp, xây dựng 33,1%; dịch vụ 34,8%... Toàn tỉnh Thái Bình có 267/267 xã hoàn chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Tỉnh tập trung xây dựng những cánh đồng mẫu lớn, đưa cơ giới hoá vào sản xuất.

Trong 8 tháng đầu năm 2014, thực hiện chỉ đạo của Thống đốc, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tập trung đẩy mạnh cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (theo Nghị định 41 của Chính phủ). Giám đốc NHNN chi nhánh Thái Bình Đinh Ngọc Thạch cho biết, đến cuối tháng 8/2014 dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của các tổ chức tín dụng Thái Bình đạt 12 ngàn tỷ đồng, tăng 10,2% so cùng kỳ năm 2013 với gần 255 ngàn khách hàng còn dư nợ. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, các TCTD đã cho trên 222 ngàn doanh nghiệp, cá nhân, hộ sản xuất vay vốn với dư nợ đạt 10,6 ngàn tỷ đồng. Bên cạnh đó, các TCTD trên địa bàn còn chú trọng cho vay phục vụ chăn nuôi, chế biến thịt lợn, gia cầm, tôm và cho vay thu mua thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.

Là một trong những ngân hàng chủ lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, giám đốc Agribank chi nhánh Thái Bình Bùi Văn Đạt cho biết, tính đến 31/8/2014 dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn của chi nhánh đạt 5.640 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 87,3% tổng dư nợ. Nguồn vốn của Agribank trên địa bàn giúp cho nhiều hộ nông dân có vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Trao đổi với lãnh đạo tỉnh Thái Bình Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, khuyến khích các TCTD mở rộng mạng lưới trên địa bàn nông thôn. Thống đốc cho rằng, tiềm năng phát triển nông nghiệp lớn, bởi vậy vẫn phải duy trì phát triển nông nghiệp. NHNN vừa rồi phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chính quyền địa phương các cấp để đưa ra một số mô hình phát triển nông nghiệp. Có 3 chương trình, một là là sản xuất liên kết theo chuỗi, thứ hai là cũng liên kết nhưng phục vụ xuất khẩu và thứ ba là ứng dụng sản xuất công nghệ cao. Thống đốc cho biết, trước đây, các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp vay được một vài chục tỷ đồng đã là lớn; nay, nếu dự án được xây dựng cụ thể, chứng minh được năng lực quản trị điều hành, liên kết chặt chẽ để đảm bảo đầu ra, không cần tài sản đảm bảo mà hạn mức vay có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng, nguồn hỗ trợ có thể dài hạn 10-15 năm…Và ông muốn Thái Bình, vựa lúa của miền Bắc, có ít nhất một dự án để thí điểm cho năm tới. Thực tế, sau một năm, Ngân hàng Nhà nước cũng đã thực hiện được 15 dự án trên toàn quốc với quy mô cho vay hàng nghìn tỷ đồng. Mục tiêu đến năm 2015 sẽ có từ 20-25 dự án như vậy trong lĩnh vực nông nghiệp.

Ngọc Quyết

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

SeABank đồng hành cùng doanh nghiệp SMEs phát triển bền vững, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn linh hoạt dịp cuối năm

SeABank đồng hành cùng doanh nghiệp SMEs phát triển bền vững, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn linh hoạt dịp cuối năm

(Thanh tra) - Nửa cuối năm 2024, nền kinh tế có nhiều biến động khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) phải đối mặt với nhiều áp lực tài chính. Để hỗ trợ SMEs vượt qua giai đoạn thách thức này, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB) chủ động triển khai những chính sách cụ thể với các giải pháp hỗ trợ như: Gói vay ưu đãi, lãi suất hỗ trợ... cùng quy trình thủ tục được “may đo” riêng biệt giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn thuận lợi và hiệu quả.

PV

11:41 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm