Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Ngân sách 6 tháng: Thặng dư nhưng đã xuất hiện khó khăn

Thứ sáu, 12/07/2019 - 09:44

Thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước, thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đang có dấu hiệu chậm lại.

Ảnh minh họa. (Nguồn: CTV/Vietnam+)

Thu ngân sách đang có tiến độ khá, trong đó đặc biệt là thu ngân sách Trung ương thậm chí đạt mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Tuy vậy, tình hình ngân sách cũng đang xuất hiện không ít khó khăn.

Thu ngân sách Trung ương cao nhất 5 năm

Cho biết trong hội nghị sơ kết công tác tài chính ngân sách 6 tháng đầu năm ngày 12/7, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, số thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm đạt 745.400 tỷ đồng, bằng 52,8% dự toán, tăng 13,2% so cùng kỳ năm 2018.

Trong số này, thu nội địa đạt 51,1% dự toán, tăng 13,6% so cùng kỳ năm 2018 (cùng kỳ năm 2018 đạt 48% dự toán).

Với dầu thô, số thu từ khoản này đạt 68% dự toán và bằng 100,7% so cùng kỳ năm 2018. Theo tính toán, kết quả trên do giá dầu thanh toán bình quân đạt 68,4 USD/thùng, cao hơn 3,4 USD/thùng so với giá dự toán.

Trong khi ấy, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho hay, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 59,8% dự toán, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2018.

Theo lãnh đạo ngành tài chính, trong nửa đầu năm, thu ngân sách Trung ương và địa phương đều đạt khá, trong đó thu ngân sách Trung ương đạt 51,5% dự toán (cùng kỳ năm 2018 đạt 46,7%), mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Thu ngân sách địa phương đạt 54,3% dự toán (cùng kỳ năm 2018 đạt 54%), với 50/63 địa phương thu đạt trên 50% dự toán.

Tuy vậy, Thứ trưởng cũng thẳng thắn, thời gian qua "cũng đã xuất hiện khó khăn."

"Đáng chú ý là 3 khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất kinh doanh là thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước, thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tiến độ thu từ tháng Năm đến nay tuy có cao hơn cùng kỳ nhưng có dấu hiệu chậm lại và thấp hơn so với mức bình quân chung (tương ứng đạt 46,1%, 47,3% và 48,9% dự toán)," Thứ trưởng Bộ Tài chính nói.

Giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản mới đạt hơn 32%

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, chi ngân sách Nhà nước 6 tháng đạt 666.100 tỷ đồng, bằng 40,8% dự toán, tăng 2,6% so cùng kỳ năm 2018.

Công tác quản lý chi ngân sách theo lãnh đạo Bộ Tài chính là chặt chẽ và đúng dự toán.

Tuy vậy, Thứ trưởng cho hay, tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản 6 tháng đầu năm mới đạt 32,4% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cả mức thực hiện cùng kỳ năm 2018 (đạt 33,9%).

Một vấn đề khác theo ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn là tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và thoái vốn Nhà nước còn chậm.

Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm, chỉ có 6 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa (trong đó chỉ có 1 doanh nghiệp thuộc danh mục phải cổ phần hóa theo kế hoạch).

"Lũy kế từ năm 2017 đến nay, đã cổ phần hóa 35/127 doanh nghiệp theo kế hoạch (đạt 28%), số còn phải cổ phần hóa là 92 doanh nghiệp (tương ứng 72% kế hoạch)," Thứ trưởng lên tiếng.

Nói về 6 tháng cuối năm, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, cơ quan chức năng sẽ tăng cường công tác quản lý thu, có giải pháp quản lý thu ngân sách phù hợp với từng lĩnh vực, địa bàn để phấn đấu tăng thu khoảng 5% so với dự toán.

Ông cũng khẳng định, ngành tài chính sẽ tập trung xử lý, thu hồi nợ đọng thuế, phấn đấu số nợ thuế đến ngày 31/12 giảm xuống dưới 5% so với số thực ngân sách năm 2019./.

Theo Xuân Dũng (Vietnam+)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

SeABank đồng hành cùng doanh nghiệp SMEs phát triển bền vững, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn linh hoạt dịp cuối năm

SeABank đồng hành cùng doanh nghiệp SMEs phát triển bền vững, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn linh hoạt dịp cuối năm

(Thanh tra) - Nửa cuối năm 2024, nền kinh tế có nhiều biến động khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) phải đối mặt với nhiều áp lực tài chính. Để hỗ trợ SMEs vượt qua giai đoạn thách thức này, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB) chủ động triển khai những chính sách cụ thể với các giải pháp hỗ trợ như: Gói vay ưu đãi, lãi suất hỗ trợ... cùng quy trình thủ tục được “may đo” riêng biệt giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn thuận lợi và hiệu quả.

PV

11:41 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm