Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Lãi suất giảm dồn dập, đầu tư vào đâu sinh lời tốt?

Nguyễn Điểm

Thứ ba, 09/04/2024 - 14:20

(Thanh tra) - Lãi suất tiết kiệm giảm khiến một bộ phận người gửi tiền thay đổi suy nghĩ về các kênh "cất" tiền. Nhà đầu tư băn khoăn giữa nhiều kênh đầu tư như tiết kiệm, vàng, chứng khoán, bất động sản…

Nhà đầu tư băn khoăn giữa nhiều kênh đầu tư như tiết kiệm, vàng, chứng khoán, bất động sản… Ảnh: NĐ

Cùng tầm này thời điểm cuối năm 2022, lãi suất tiết kiệm ở mức cao ngất ngưởng, có ngân hàng trả lãi trên 10-11%/năm. Chưa kể, không ít ngân hàng vẫn "vượt rào", sẵn sàng trả thêm cho người gửi tiền nếu là khách quen, VIP… Tuy nhiên, hiện lãi suất lại xuống thấp kỷ lục. Điều này khiến nhà đầu tư đang phân vân rót tiền vào đâu dịp này.

Trước các yếu tố đang hiện hữu, theo các chuyên gia, 3 quý cuối năm nay vẫn có thể nhìn ra nhiều cơ hội đầu tư. Tuy nhiên, không có kênh đầu tư nào toàn thắng mà sẽ có một "bức tranh đầu tư" nhiều màu sắc.

Đâu là kênh đầu tư ưu tiên?

Chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân - quản lý gia sản Ngô Thành Huấn đưa ra những nhận định về các kênh đầu tư trong bối cảnh lãi suất thấp, cộng thêm với lạm phát thì lãi suất thực dương ở mức thấp.

Đối với kênh tiền gửi, ông Huấn cho rằng lãi suất đang quay lại mặt bằng thấp để hỗ trợ cho sự hồi phục của nền kinh tế. Lý giải nguyên nhân lãi suất thấp, ông Huấn nói nguyên nhân do kinh tế "thấm đòn" giai đoạn nửa sau 2023. Tác động của nền kinh tế luôn có độ trễ trong năm 2022, nhưng đến 2023 doanh nghiệp mới suy kiệt dần.

Chưa kể, tăng trưởng tín dụng năm 2023 ở mức thấp, người dân không còn nhu cầu vay để đầu tư nữa. Doanh nghiệp đã quá suy kiệt tại đứt gãy nhu cầu tiêu dùng cả trong và ngoài nước.

Chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân - quản lý gia sản Ngô Thành Huấn. Ảnh: NĐ

Trên thế giới, các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ để bằng mọi giá giảm lạm phát nên nhu cầu tiêu dùng của họ bị siết chặt. Hàng tồn kho tại Mỹ và các nước phương Tây nhiều, họ không nhập hàng nên ảnh hưởng đến nước ta. Trong nước cũng không có nhu cầu tiêu dùng cao.

"Cả trong và ngoài nước đứt gãy, doanh nghiệp kiệt quệ trong khi vẫn còn áp lực trả nợ. Mặt bằng lãi suất thấp như hiện tại sẽ duy trì tối thiểu trong 2 năm tới", ông Huấn nói và dự báo lãi năm tới, với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất sẽ chỉ từ 5,5%/năm đến tối đa 7%/năm.

Về kênh vàng, kim loại quý này luôn nghịch đảo với đồng USD. "Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm lãi suất trong năm 2024, sự suy yếu trong năm 2024 thì vàng sẽ tăng", ông nói. Tuy nhiên, ông cho rằng vàng không tăng nhiều vì đây là loại tài sản mang tính chất phòng thủ trong ngắn hạn. Kim loại này rất khó để tăng mạnh. Giai đoạn 2013-2016, vàng thậm chí không tăng. Trong 2 năm gần đây, vàng tăng nên nhiều người cảm thấy hấp dẫn nhưng thực tế 4 năm gần đây, vàng miếng SJC chỉ tăng trung bình 4%. "Năm 2025 kinh tế sẽ tăng trưởng và vàng sẽ đi ngang", ông Huấn chỉ ra.

"Chứng khoán sẽ được hưởng lợi nhất bởi đây là thị trường của sự kỳ vọng", ông Huấn nói thêm và ví thị trường chứng khoán như một chiếc lò xo nhạy. Theo ông, thị trường chứng khoán đi trước nền kinh tế từ 3-6 tháng, chi phí cơ hội lớn. Đây cũng là kênh đầu tư có biên độ lớn.

Sau chứng khoán, ông Huấn đề cập đến bất động sản ở khu vực trung tâm, thổ cư, chung cư, nhà đất… sau đó mới tới phân khúc đầu cơ như đất nông nghiệp, phân lô bán nền. Phân khúc này, theo ông phải chờ đến đầu năm 2025 mới có nhiều cơ hội. "Ưu tiên số một phải là kênh chứng khoán, nếu nhà đầu tư có niềm tin vào sự phục hồi kinh tế", ông nhấn mạnh.

Cổ phiếu, vàng là 2 kênh đầu tư năm 2024

Ông Lê Xuân Huy - chuyên gia tài chính cá nhân - chỉ ra 2 kênh đầu tư tốt trong năm 2024 là cổ phiếu và vàng.

Đối với cổ phiếu, ông Huy phân tích kinh tế Việt Nam có khả năng tiếp tục hồi phục trong năm 2024, tăng trưởng GDP dự đoán 6%. Động lực sẽ đến từ đầu tư công được đẩy mạnh, xuất khẩu phục hồi, vốn FDI tăng trưởng và lãi suất huy động ở mức thấp.

Vào những ngày cuối năm 2023, lãi suất gửi tiết kiệm ở một số ngân hàng đã ở ở mức thấp kỷ lục, về dưới 2%/năm, trong khi các kênh đầu tư bất động sản và trái phiếu còn nhiều khó khăn khiến dòng tiền có xu hướng chảy vào kênh chứng khoán. Hệ thống KRX đang trong giai đoạn kiểm thử cuối cùng và rất có thể sẽ được vận hành trong năm 2024. Khi đó, mục tiêu nâng hạng thị trường sẽ tiến gần hơn.

Ông Huy khuyến nghị cổ phiếu một số ngành tiềm năng trong năm sau, như dầu khí, chứng khoán, công nghệ thông tin. Với ngành dầu khí, giá dầu tiếp tục neo ở mức cao nhờ sản xuất công nghiệp thế giới dần phục hồi và nguồn cung sụt giảm do xung đột địa chính trị tiếp tục leo thang ở vùng vịnh.

Ngành chứng khoán có dòng tiền lãi suất rẻ, kỳ vọng hệ thống KRX đưa vào vận hành sẽ hút dòng tiền ngoại. Đối với ngành công nghệ thông tin, quá trình chuyển đổi số vẫn diễn ra mạnh mẽ và xu hướng về công nghệ AI vẫn đang phát triển mạnh mẽ kích thích hoạt động tiêu dùng cho mảng công nghệ tăng lên.

Đối với kênh đầu tư vàng, ông Huy cho rằng xung đột chính trị leo thang khiến nhà đầu tư tìm tới các sản phẩm đầu tư an toàn, trong đó có vàng. Ngoài ra, Fed có xu hướng giảm lãi suất năm 2024 khiến lợi suất trái phiếu và đồng USD giảm làm tăng sức hấp dẫn của tài sản không sinh lãi như vàng.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm