Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kích hoạt sức bật mới bằng gói tổng lực tài khóa, tín dụng, an sinh

Đông Hà

Thứ tư, 21/05/2025 - 15:05

(Thanh tra) - Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đối mặt nhiều thách thức, sức mua yếu và niềm tin thị trường còn mong manh, giới chuyên gia cho rằng cần một “gói tổng lực” với sự phối hợp đồng bộ giữa chính sách tài khóa, tín dụng và an sinh xã hội.

Điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt hơn để tạo đà tăng trưởng mới. Ảnh: Đ.H

Không thể chỉ trông chờ vào giảm thuế hay nới tín dụng đơn lẻ, mà phải kết hợp các công cụ tài khóa một cách linh hoạt, nhịp nhàng, đủ mạnh và kịp thời để tạo cú huých mới cho tiêu dùng, đầu tư và ổn định đời sống người dân.

Triển vọng tích cực, áp lực song hành

Năm 2025, các tổ chức phân tích kinh tế đều đưa ra cái nhìn lạc quan về tăng trưởng của Việt Nam. Tuy nhiên, đằng sau những con số khả quan vẫn là hàng loạt mối lo ngại tiềm ẩn, đặc biệt là nguy cơ từ các chính sách thuế đối ứng của Mỹ, vốn đang gây nhiều sức ép lên hoạt động xuất nhập khẩu.

Theo báo cáo của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tăng trưởng GDP năm 2025 được kỳ vọng đạt mức 6,5 - 7%, nhờ vào sự phục hồi của tiêu dùng nội địa, đầu tư công tăng tốc và dòng vốn FDI tiếp tục ổn định. Tương tự, Chứng khoán VietinBank (CTS) thậm chí còn lạc quan hơn khi dự báo GDP có thể đạt tới 7,4% nếu giải ngân đầu tư công đạt tỷ lệ trên 85%. Tín dụng dự kiến tăng khoảng 15 - 18%, lãi suất giữ xu hướng ổn định, còn lạm phát vẫn nằm trong vùng kiểm soát, xoay quanh 3 - 4%.

Báo cáo từ Cục Thống kê (Bộ Tài chính) cho thấy, GDP cả nước quý I/2025 đạt tăng trưởng 6,93% so với cùng kỳ năm trước, đây là một kết quả khá khả quan nếu nhìn vào bức tranh kinh tế thế giới với nhiều bất ổn. Mức tăng trưởng này chỉ thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 và 2019 kể từ năm 2011 đến nay.

Tuy nhiên, đằng sau các con số này, mối lo lớn nhất hiện nay đến từ môi trường bên ngoài. Trong đó, chính sách áp thuế đối ứng từ phía Mỹ đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang được các công ty chứng khoán xem là yếu tố rủi ro hàng đầu.

Một điểm đáng lưu ý khác là sức mua nội địa dù đã phục hồi nhưng vẫn “mong manh”. Báo cáo cập nhật vĩ mô tháng 3/2025 của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho thấy tăng trưởng bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ở mức 9,4%, song người tiêu dùng vẫn thận trọng chi tiêu, nhất là ở khu vực thu nhập thấp và trung bình. Việc tiêu dùng chưa hồi phục mạnh khiến kỳ vọng lan tỏa từ chính sách giảm thuế hay hỗ trợ tín dụng có nguy cơ bị “hẫng nhịp”.

Dù vậy, các tổ chức tài chính vẫn kỳ vọng rằng nếu Chính phủ kịp thời kích hoạt một gói hỗ trợ tổng lực, bao gồm đồng bộ chính sách tài khóa, tín dụng và an sinh xã hội, thì sức bật kinh tế có thể duy trì đà phục hồi ổn định trong các quý tới. Đồng thời, cần theo dõi sát các diễn biến chính sách từ Mỹ và các đối tác thương mại lớn, tránh để nền kinh tế rơi vào thế bị động trước các cú sốc bên ngoài.

Kỳ vọng chính sách "kích hoạt" tăng trưởng

Trước những khó khăn hiện hữu và rủi ro tiềm ẩn của nền kinh tế, nhiều chuyên gia cho rằng việc điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ trong thời gian qua đã có sự điều chỉnh linh hoạt, kịp thời nhằm hỗ trợ tiêu dùng, bình ổn giá và duy trì động lực tăng trưởng. Định hướng này được kỳ vọng sẽ tiếp tục được duy trì, phối hợp đồng bộ hơn nữa trong thời gian tới, để vừa kiểm soát lạm phát, vừa thúc đẩy phục hồi sản xuất, kinh doanh và đảm bảo an sinh xã hội.

Theo số liệu từ Cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2025 tăng 0,07% so với tháng trước. Tính chung 4 tháng đầu năm, CPI tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng được đánh giá là vẫn trong tầm kiểm soát. Bộ Tài chính nhịn nhận đây là kết quả của việc chủ động triển khai các chính sách tài khóa song hành cùng chính sách tiền tệ và các biện pháp vĩ mô khác nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Trên nền tảng đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng mới đây đã thay mặt Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về việc tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang chịu thuế suất 10%, kéo dài đến hết ngày 31/12/2026. Động thái này nhằm tiếp tục hỗ trợ trực tiếp cho người tiêu dùng và doanh nghiệp trong bối cảnh sức mua chưa thực sự hồi phục mạnh.

Trước đó, trong năm 2024, Bộ Tài chính cũng đã chủ động trình cấp thẩm quyền ban hành, hoặc ban hành theo thẩm quyền nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất. Các chính sách này có quy mô hỗ trợ lớn, phạm vi rộng, đã góp phần quan trọng vào việc duy trì sản xuất, ổn định việc làm và giảm bớt áp lực chi phí cho cộng đồng doanh nghiệp.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, đánh giá rằng những chính sách tài khóa được Chính phủ và Quốc hội ban hành thời gian qua đã tạo lực đẩy quan trọng cho sự phục hồi kinh tế. Không chỉ giúp doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do tác động kéo dài của đại dịch COVID-19 và xung đột địa chính trị, các chính sách này còn nâng cao năng lực chống chịu và duy trì đà tăng trưởng trong điều kiện nhiều biến động.

Theo ông Lực, để ứng phó kịp thời với các thay đổi trong và ngoài nước, việc tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ là hết sức cần thiết. Sự kết hợp này sẽ tạo nền tảng để thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Những giải pháp này cần được gắn với cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính công - yếu tố then chốt để nâng cao hiệu quả quản lý và phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng chính sách tiền tệ năm 2025 cần được điều hành linh hoạt, thích ứng với các biến động của thị trường quốc tế. Theo ông Long, mục tiêu lớn nhất là ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát và tạo điều kiện tín dụng phù hợp để hỗ trợ tăng trưởng.

“Trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó, chi tiêu công và tiêu dùng nội địa đang là hai trụ cột giữ nhịp cho nền kinh tế, việc duy trì ổn định vĩ mô và củng cố niềm tin thị trường là điều tối quan trọng”, ông Long nhấn mạnh.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm