Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ năm, 05/01/2017 - 11:12
(Thanh tra)- “Mục tiêu kinh tế là phải bảo đảm tính độc lập, tự chủ. Chúng ta không phải vì gặp khó khăn về kinh tế mà chấp nhận mọi dòng tiền đổ vào Việt Nam mà không tính đến hậu quả của nó”. Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Thanh Vân nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với PV Báo Thanh tra.
Ông Lê Thanh Vân phát biểu tại Kỳ họp Quốc hội
Giữ độc lập, tự chủ về kinh tế
+ Bước sang năm 2017, theo ông, nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức, khó khăn nào?
- Năm 2017, kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam vẫn khó đoán định được vì có những yếu tố mới phát sinh. Đơn cử, nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump thực hiện những điều đã cam kết khi tranh cử sẽ tác động rất lớn đến nền kinh tế thế giới, kinh tế khu vực, trong đó có Việt Nam. Sự phục hồi của kinh tế thế giới chưa rõ nét, vẫn là bước khôi phục rất chậm chạp.
Ở trong nước, năm 2016, chúng ta đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng cũng găp nhiều thảm họa từ tự nhiên và con người, tác động đến tăng trưởng kinh tế.
Trước tình hình đó, Quốc hội đã tính toán rất kỹ và quyết định một số chủ trương lớn trong đó có, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, kế hoạch tài chính 5 năm.
Tôi từng chất vấn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về kịch bản phản ứng nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump thực hiện các chính sách khi tranh cử và thấy Thủ tướng rất chủ động. Với những giải pháp đồng bộ, chúng ta có quyền hi vọng, Chính phủ sẽ lèo lái được nền kinh tế ổn định và phát triển.
+ Nợ công tăng nhanh, nguồn ODA ưu đãi ngày càng giảm, các chuyên gia lại có luồng tranh luận với nhiều ý kiến trái chiều là có nên vay vốn Trung Quốc không?
- Chúng ta cần vốn nhưng không phải bất chấp mọi giá. Cá nhân tôi cho rằng, vay vốn của Trung Quốc phải thận trọng, cân nhắc hết sức kỹ lưỡng vì khi cho vay với lãi suất thấp thì đi liền với đó là các điều kiện.
Khi Trung Quốc cho vay đầu tư các công trình giao thông, bao giờ điều kiện là nhà thầu. Dự toán ban đầu thường thấp để đủ sức cạnh tranh nhưng khi họ “thò” được một chân vào thì bắt đầu thay đổi định mức đầu tư cho hạng mục công trình với rất nhiều lý do để tăng giá. Chúng ta đã có bài học nhãn tiền về vay vốn của Trung Quốc là dự án đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh.
+ Thủ tướng từng nhấn mạnh trong quá trình hội nhập, cố gắng giữ độc lập, tự chủ về kinh tế. Ông nghĩ gì về điều này?
- Đương nhiên! Chúng ta không giữ được độc lập về kinh tế, nói cách khác là không giữ được chủ quyền về kinh tế thì không làm chủ được độc lập, chủ quyền quốc gia. Đây là hai mặt gắn liền với nhau.
Cho nên, các mục tiêu phát triển kinh tế là phải bảo đảm tính độc lập, tự chủ. Chúng ta không phải vì gặp khó khăn về kinh tế mà chấp nhận mọi dòng tiền đổ vào Việt Nam mà không tính đến hậu quả của nó, không vì phát triển kinh tế mà thu hút đầu tư bằng mọi giá, phá hủy môi trường, đe dọa đến an ninh quốc gia.
Ông Lê Thanh Vân
Con người ý chí, thông minh sẽ chuyển hung thành cát
+ Đâu là những điểm sáng nội tại để nền kinh tế Việt Nam có thể tự chủ, tự lực cánh sinh phát triển, thưa ông?
- Con người là yếu tố quan trọng nhất! Trong mọi hoàn cảnh nếu con người có ý chí quyết tâm, thông minh, nhạy bén với tình hình thì có thể chuyển hung thành cát, chuyển yếu tố bất lợi thành thuận lợi.
Đây là điều tôi đang kỳ vọng nhất khi Chính phủ đưa ra thông điệp xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động vì lợi ích chung.
Trung ương 4 (khóa XII) vừa rồi đã xây dựng Nghị quyết về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đồng thời đề cập đến các giải pháp về cơ cấu lại nền kinh tế. Quốc hội cũng thông qua một loạt nghị quyết có tác động rất mạnh. Đây chính là những điểm sáng để sửa chính sách pháp luật.
Tiếp đó là sự phục hồi của một số ngành sản xuất, kinh doanh, đặt biệt là phong trào doanh nghiệp khởi nghiệp. Tôi thấy đây là động lực mới, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.
+ Hiện nay, một bộ phận người dân coi vào cơ quan Nhà nước để đạt được một chức vụ nào đấy là một sự đầu tư vì có thể “gặt hái”, ông nghĩ gì về điều này?
- Sở dĩ có tâm lý đó là do họ nhìn vào hiện trạng xã hội. Làm nông nghiệp thì thiên tai đe dọa, làm tư nhân thì phá sản đe dọa. Trong khi đó, công chức, viên chức hưởng lương ngân sách một cách đều đặn, nên có những người “đầu tư” vào khu vực Nhà nước.
Muốn thay đổi nhận thức đó thì phải thay đổi tính chất phục vụ của Nhà nước. Từ Nhà nước nặng về quản lý lãnh đạo sang Nhà nước phục vụ, lấy tinh thần phục vụ làm thước đo phẩm chất của công chức, viên. Coi quan hệ Nhà nước với công dân là quan hệ hợp đồng, dân bỏ tiền ra để chi trả cho bộ máy Nhà nước thì ngược lại bộ máy Nhà nước phải phục vụ tốt hơn cho nhân dân.
+ Để thay đổi nhận thức mọi cá nhân không phải trong ngày một, ngày hai. Trước mắt, cần làm gì để loại bỏ cán bộ tiêu cực, nhũng nhiễu khỏi bộ máy công quyền, nhất là vừa qua, có những người từng nắm chức vụ rất caođến lúc nghỉ hưu mới phát hiện hàng loạt sai phạm?
- Điều này cần sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV đã ra nghị quyết thành lập đoàn giám sát tối cao về cải cách bộ máy hành chính từ Trung ương đến địa phương.
Dự kiến, trong năm 2017, đoàn giám sát phải báo cáo với Quốc hội về tình hình sắp xếp lại chức năng nhiệm vụ, tinh giản bộ máy. Khi có sự vào cuộc của Quốc hội giám sát để chỉnh đốn lại bộ máy thì tình trạng nhũng nhiễu, hách dịch, vòi vĩnh của bộ máy công quyền đối với người dân, doanh nghiệp, tôi tin sẽ bị hạn chế và bị kiểm soát.
Hơn nữa, Nghị quyết Trung ương 4(khóa XII) đã đề cập đến việc, đối với những cán bộ tha hóa, biến chất, không có năng lực, không thể đảm đương được chức vụ hoàn thành nhiệm vụ thì có thể cho thôi chức hoặc bãi chức, không chờ đến hết nhiệm kỳ. Đó là cơ sở chính trị hết sức quan trọng.
+ Có ý kiến cho rằng, cần thay đổi về mặt cơ chế để Thủ tướng có thể thay đổi cán bộ dưới quyền. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Về mặt cơ chế, tôi thấy không cần thay đổi. Với Nghị quyết Trung ương 4, quy định trong Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, nếu thấy các thành viên trong Chính phủ do mình lựa chọn không còn xứng đáng, Thủ tướng có quyền trình Quốc hội phê chuẩn việc bãi nhiệm, cho thôi chức, thậm chí kỷ luật để thay thế người khác.
Khi tôi hỏi Thủ tướng đánh giá gì về phẩm chất, trí tuệ, năng lực, khả năng hoàn thành thành nhiệm vụ của các thành viên Chính phủ, Thủ tướng đã nói rằng, bàn tay 5 ngón có ngón ngắn, ngón dài nhưng đều nằm trên một bàn tay. Ý muốn nói rằng, có người xuất sắc, cũng có người mới tiếp cận vấn đề nhưng Thủ tướng tin rằng, Chính phủ là một thể thống nhất, đoàn kết đủ sức để xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo. Chúng ta hãy cứ tin tưởng như vậy!
+ Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hương Giang (Thực hiện)
Box:
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên:
Không hành động quyết liệt, sẽ thua ngay trên “sân nhà”
Năm 2017, 2018 sẽ là năm đỉnh trả nợ của Việt Nam khi các khoản vay ODA đều bắt đầu yêu cầu Việt Nam trả cả gốc và lãi. Trong khi đó, Việt Nam vẫn chưa tái cơ cấu nền kinh tế xong, vẫn chưa chuyển đổi mô hình xong.
Vì thế, giai đoạn 2016-2020, đặc biệt là từ năm 2017, nếu Việt Nam không hành động quyết liệt thì đến năm 2021, bước vào giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế toàn diện, chúng ta sẽ thua ngay trên “sân nhà”.Bởi vì tất cả những thứ chúng ta coi là lợi thế cạnh tranh thì không còn là lợi thế nữa.
Ví dụ, mặt hàng dệt may, tháng 2/2016, chúng ta có rất nhiều lợi thế. Đến nay, đã bị Myanmar, Campuchia, Bangladesh, Trung Quốc xóa được lợi thế chênh lệch ấy rồi.
Như Trung Quốc đã xóa toàn bộ chi phí thuế giá trị gia tăng của điện, nước, tiền thuê đất của đường giao thông trong khu công nghiệp dệt may, đưa thuế suất về 0%. Chúng ta nói nhân công của chúng ta rẻ dẫn tới giá thành rẻ, nhưng chỉ rẻ khi họ chưa được bỏ các khoản chi phí ấy. Chỉ một ví dụ ấy đã cho thấy, nếu chúng ta làm chậm là chúng ta mất thời cơ!
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Nửa cuối năm 2024, nền kinh tế có nhiều biến động khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) phải đối mặt với nhiều áp lực tài chính. Để hỗ trợ SMEs vượt qua giai đoạn thách thức này, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB) chủ động triển khai những chính sách cụ thể với các giải pháp hỗ trợ như: Gói vay ưu đãi, lãi suất hỗ trợ... cùng quy trình thủ tục được “may đo” riêng biệt giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn thuận lợi và hiệu quả.
PV
11:41 12/12/2024(Thanh tra) - Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam vừa vinh dự được xướng tên trong danh sách 50 Doanh nghiệp niêm yết tiên phong và cam kết nâng cao quản trị công ty Việt Nam – VNCG50 tại Diễn đàn thường niên Quản trị công ty (AF7).
Theo VietinBank
21:28 11/12/2024Trần Quý
19:12 11/12/2024Uyên Uyên
12:45 11/12/2024Trần Quý
10:05 11/12/2024Trần Quý
22:15 10/12/2024Kim Thành
PV
Nam Dũng
Chu Tuấn
Trần Quý
Trần Quý
Kim Thành
Thái Hải
Ngọc Phó
Nam Dũng
Đông Hà
TC