Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Góp phần phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao

Thứ ba, 05/05/2015 - 13:57

(Thanh tra)- Tại Hà Tĩnh, với thị phần về nguồn vốn, dư nợ chiếm gần 50%, Agribank là thương hiệu uy tín, được các cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương trao gửi niềm tin.

Niềm vui của chị Nguyễn Thị Hương với thành quả thu được từ đàn hươu 60 con, được Agribank (Chi nhánh Hương Sơn) đầu tư nguồn vốn

Ưu tiên số 1: Đầu tư cho “tam nông”

Tính đến ngày 31/3/2015, nguồn vốn huy động của Agribank Hà Tĩnh đạt 12.393 tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt 8.533 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng 91%, với 330.000 khách hàng.

Tại Hà Tĩnh, trong tổng số 5.600 mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao hiện có với doanh thu từ 100 triệu đồng đến hàng chục tỷ đồng/năm thì Agribank đầu tư nguồn vốn cho trên 3.000 mô hình kinh tế này, góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo bền vững.

“Các mô hình kinh tế do Agribank đầu tư vốn đã phát huy hiệu quả đối với phát triển kinh tế địa phương, góp phần giải quyết công ăn việc làm và an sinh xã hội tại địa phương. Agribank đã chiếm được thị phần, điều quan trọng cần làm sao phải giữ được thị phần trong bối cảnh hiện nay áp lực cạnh tranh đang ngày càng gay gắt”. Đó là chia sẻ rất chân thành nhưng cũng đầy trăn trở của Giám đốc Agribank Hà Tĩnh Nguyễn Thị Diên.

Với đội ngũ cán bộ luôn trăn trở, bám sát địa bàn, cùng đồng hành với khách hàng vay vốn, nguồn vốn đầu tư của Agribank phát huy hiệu quả, tạo nên sự thay đổi tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, góp phần hình thành các mô hình sản xuất có quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao tại Hà Tĩnh.

Vay vốn của Agribank (Chi nhánh Hương Sơn) 400 triệu đồng, đến nay, gia đình chị Nguyễn Thị Hương (xóm Lâm Đồng, xã Sơn Lâm, huyện Hương Sơn) có đàn hươu 60 con, là một trong 9 mô hình nuôi hươu có trên 50 con tại Hương Sơn). Nhờ có sự hỗ trợ tích cực của Agribank, gia đình chị có điều kiện duy trì phát huy nghề truyền thống của gia đình, vừa “ăn nên, làm ra” từ công việc này, với thu nhập ổn định 200 - 300 triệu đồng/năm. Sắp tới đây, gia đình chị có ý định tiếp tục vay vốn của Agribank để mở rộng quy mô và lĩnh vực chăn nuôi tổng hợp gồm hươu, lợn, gà…

Ở quy mô lớn hơn, từ nguồn vốn vay của Agribank (Chi nhánh Nghi Xuân), từ năm 1993 đến nay, gia đình anh Lê Văn Bình (xã Xuân Mỹ, huyện Nghi Xuân) xây dựng thành công trang trại tổng hợp trên diện tích 60 ha, trong đó có 50 ha trồng rừng. Gia đình anh Bình tiến hành san lấp diện tích hoang hóa trước đây để nuôi cá, tôm trên diện tích ao hồ rộng khoảng 2 ha và nuôi bò, lợn, gia cầm... đem lại năng suất cao và tạo công ăn việc làm cho vài chục lao động trong xã. Mô hình trang trại của gia đình anh là một trong những trường hợp điển hình của sự hợp tác gắn bó giữa Agribank và khách hàng trong phát triển kinh tế địa phương.

Vào cuộc cùng cấp ủy, chính quyền
Là một trong số địa phương của cả nước dẫn đầu về xây dựng nông thôn mới, Hà Tĩnh đã xây dựng và thực hiện Ðề án Tái cấu trúc ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới. Tỉnh xác định 13 sản phẩm cây, con chủ lực, gắn với điều chỉnh các quy hoạch hợp lý, chú trọng chủ trương kích cầu phát triển sản xuất tại địa phương. Trong 4 năm qua, Hà Tĩnh mạnh dạn trích ngân sách hỗ trợ lãi suất (từ 50 - 70% lãi vay), hỗ trợ trực tiếp hàng trăm tỷ đồng cho hàng chục nghìn lượt khách hàng vay hàng nghìn tỷ đồng để phát triển sản xuất.

Bám sát và quyết liệt cùng vào cuộc với cấp ủy, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh trong thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất đối với khách hàng vay vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, đến nay, doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất của Agribank Hà Tĩnh đạt 1.808 tỷ đồng, dư nợ cho vay được hỗ trợ lãi suất 1.032 tỷ đồng, khách hàng vay được hỗ trợ lãi suất còn dư nợ vay là 12.815 người.

Thông qua đó, Agribank thực sự phát huy vai trò vừa là “kênh” chuyển tải chính sách tín dụng, vừa là “kênh” chuyển tải vốn đến trực tiếp người dân, dẫn dắt người dân sản xuất các sản phẩm hàng hóa chủ lực có hiệu quả kinh tế cao, góp phần đáng kể trong việc nhân rộng các mô hình kinh tế sản xuất kinh doanh hiệu quả. Đến nay, tại Hà Tĩnh đã thành lập được gần 2.000 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và không còn tình trạng "trắng" về mô hình kinh tế...

Anh Nguyễn Ngọc Thạch, Chủ tịch UBND xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà cho biết: Nếu không có chính sách của tỉnh, không có cơ chế hỗ trợ của Agribank thì người dân không thể làm được!

Khi người nông dân dám nghĩ, dám làm, cùng với sự “hậu thuẫn vững chắc” của chính quyền địa phương và Agribank, các mô hình kinh tế như của anh Bình, chị Hương... đang ngày càng nhiều lên tại Hà Tĩnh, đem đến cho người dân nơi đây những cơ hội, điều kiện để làm giàu cho gia đình, cho quê hương.

Viết Chung

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

SeABank đồng hành cùng doanh nghiệp SMEs phát triển bền vững, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn linh hoạt dịp cuối năm

SeABank đồng hành cùng doanh nghiệp SMEs phát triển bền vững, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn linh hoạt dịp cuối năm

(Thanh tra) - Nửa cuối năm 2024, nền kinh tế có nhiều biến động khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) phải đối mặt với nhiều áp lực tài chính. Để hỗ trợ SMEs vượt qua giai đoạn thách thức này, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB) chủ động triển khai những chính sách cụ thể với các giải pháp hỗ trợ như: Gói vay ưu đãi, lãi suất hỗ trợ... cùng quy trình thủ tục được “may đo” riêng biệt giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn thuận lợi và hiệu quả.

PV

11:41 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm