Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ hai, 13/11/2017 - 20:40
(Thanh tra)- Cùng với chuyển động tích cực của nền kinh tế, thị trường ngân hàng gần đây đón nhận nhiều tin vui, trong đó có kết quả thăng hạn tín nhiệm của một số ngân hàng thương mại tại Việt Nam theo đánh giá của các tổ chức quốc tế uy tín như S&P, Moody’s…
Từ góc nhìn quốc tế
Tại Việt Nam, việc đánh giá các ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện. Cụ thể, các ngân hàng thương mại có nghĩa vụ bắt buộc tự đánh giá về mình theo chuẩn Camel. Đây là hệ thống đánh giá tình trạng vững mạnh của các tổ chức tài chính dựa trên 5 yếu tố bao gồm vốn, chất lượng tài sản, quản lý, doanh thu và thanh khoản. Sau khi nhận được báo cáo “tự chấm điểm” của các ngân hàng, cơ quan thanh tra của NHNN sẽ kiểm tra và xác nhận độ chính xác của những đánh giá này. Đây là một trong những cơ sở để NHNN xếp hạng các ngân hàng, đồng thời là một phương thức giám sát từ xa.
Ngoài đánh giá xếp hạng chính thức từ NHNN, thị trường, giới đầu tư rất quan tâm tới chỉ số xếp hạng từ các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế như Moody’s, S&P, Fitch Rating. Thông thường, mức xếp hạng ngân hàng thương mại theo đánh giá của các tổ chức quốc tế thường chặt chẽ và khắt khe hơn mức tự đánh giá, cũng như mức xếp hạng của NHNN, cả về quản trị hoạt động và quản trị rủi ro. Việc thực hiện đánh giá không chỉ dựa trên báo cáo tài chính mà còn dựa trên rât nhiều công cụ khác như: Chiến lược kinh doanh, cách thức thực hiện chiến lược, phân tích chuỗi báo cáo tài chính nhiều năm liên tục, vị thế cạnh tranh, dòng tiền, chính sách tài chính, mức thanh khoản…
Các yếu tố trên được đưa vào đánh giá xếp hạng tín dụng giúp xác định khả năng của ngân hàng có thể đứng vững, vượt qua các thời điểm khó khăn, chẳng hạn như khủng hoảng tài chính…. để tiếp tục hoạt động. Từ đó, rút ra kết luận về sức khỏe của ngân hàng, đánh giá thực trạng và dự báo tương lai ngân hàng một cách tương đối chính xác. Xếp hạng tín dụng, nhìn từ một góc độ khác, còn là câu chuyện của niềm tin. Vượt qua quy trình đánh giá khắt khe, kết quả xếp hạng tín nhiệm tốt giúp nâng cao uy tín của ngân hàng, đồng thời củng cố niềm tin của khách hàng với ngân hàng và là một trong những lý do tác động đến việc khách hàng lựa chọn nơi cung cấp dịch vụ.
Trên nhiều khía cạnh, xếp hạng tín dụng từ các tổ chức quốc tế uy tín rất quan trọng đối với ngân hàng cũng như với các khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp của họ. Khách hàng có thể sử dụng xếp hạng tín nhiệm như một yếu tố để đánh giá mức độ tin cậy của họ với ngân hàng, đặc biệt đối với các khoản tiền gửi. Kết quả xếp hạng tín nhiệm cao cũng giúp ngân hàng giảm chi phí vốn, từ đó có cơ hội đưa ra lãi suất cho vay tối ưu giúp tiết kiệm chi phí cho khách hàng và nâng cao chất lượng dịch vụ chung của ngân hàng.
Đến chuyển động tích cực
Trong công bố mới đây, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody's đã nâng mức đánh giá triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”. Hai điểm nổi bật được Moody’s nhấn mạnh là: chất lượng tài sản và mức sinh lời của các ngân hàng Việt Nam đã, đang và dự báo sẽ tiếp tục được cải thiện trong 12-18 tháng tới. Tỷ lệ nợ có vấn đề theo đánh giá của Moody’s đã giảm từ 9,4% năm 2012 xuống còn 7,1% năm 2016 và dự kiến sẽ tiếp tục giảm xuống chỉ còn 5,8% trong năm 2018.
Trước đó, hồi tháng 4, S&P cũng đã thực hiện việc rà soát và công bố định hạng tín nhiệm định kỳ năm 2017, trong đó Techcombank và Vietcombank là 2 ngân hàng duy nhất có cùng triển vọng và mức xếp hạng bằng với mức xếp hạng Quốc gia của Việt Nam (mức xếp hạng tín nhiệm dài hạn là ‘BB-’/ngắn hạn là ‘B’ và triển vọng Ổn định).
Điều này thường được gọi là “trần xếp hạng tín nhiệm quốc gia”, theo đó rất hiếm khi các ngân hàng và các doanh nghiệp khác được xếp hạng cao hơn mức xếp hạng của quốc gia. Đây cũng là mức xếp hạng cao nhất mà một ngân hàng ở Việt Nam có thể đạt được (cho đến khi S&P nâng hạng tín nhiệm cho Việt Nam).
Báo cáo của S&P cho thấy rõ nét hiện trạng và xu hướng tương lai của Techcombank khi ngân hàng “lựa chọn cân bằng giữa gia tăng lợi nhuận và kiểm soát rủi ro”. Trong năm 2017, Techcombank đã hoàn tất mua hết nợ xấu từ VAMC, và bắt đầu ứng dụng khung quản trị rủi ro theo chuẩn quốc tế Base II.
Nhìn nhận về những chuyển động tích cực này, tiến sỹ Phạm Thế Anh, Trường Đại học kinh tế quốc dân, cho rằng, có 2 điểm đáng chú ý. Trước hết là sức mạnh tài chính của các ngân hàng như Techcombank đang gia tăng mạnh mẽ cho phép họ có nguồn lực dồi dào để mua lại nợ xấu. Bên cạnh đó, chất lượng các tài sản của các khoản nợ đã tốt lên rất nhiều (có thể đến từ chuyển biến trong hoạt động của DN, trong chính sách đồng hành của ngân hàng và cả chuyển động tích cực của nền kinh tế).
Nhận xét về sự chủ động của các ngân hàng Việt khi hợp tác với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế, Tiến sỹ Phạm Thế Anh cho rằng, những kết quả được công bố bởi các tổ chức quốc tế uy tín rất quan trọng không chỉ với bản thân các ngân hàng để “tự bắt bệnh” và thay đổi thích ứng mà còn giúp cho các khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp có thêm yếu tố định lượng, cơ sở đánh giá khi lựa chọn ngân hàng, đặc biệt đối với các khoản tiền gửi. Kết quả xếp hạng tín nhiệm cao còn giúp ngân hàng giảm chi phí vốn, từ đó có cơ hội đưa ra lãi suất cho vay tối ưu giúp tiết kiệm chi phí cho khách hàng và nâng cao chất lượng dịch vụ chung của ngân hàng.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực nói:“Tôi tin rằng những ngân hàng thực sự hoạt động bài bản và đạt chỉ số tín nhiệm cao từ các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới sẽ duy trì được sự phát triển bền vững và đạt kết quả kinh doanh tốt, tận dụng được các cơ hội khi nền kinh tế hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới”.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Mã cổ phiếu TTL của Tổng công ty Thăng Long liên tục tăng kịch trần trong 5 phiên giao dịch liên tiếp, khiến công ty phải giải trình với Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.
Đông Hà
09:13 13/12/2024(Thanh tra) - Nửa cuối năm 2024, nền kinh tế có nhiều biến động khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) phải đối mặt với nhiều áp lực tài chính. Để hỗ trợ SMEs vượt qua giai đoạn thách thức này, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB) chủ động triển khai những chính sách cụ thể với các giải pháp hỗ trợ như: Gói vay ưu đãi, lãi suất hỗ trợ... cùng quy trình thủ tục được “may đo” riêng biệt giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn thuận lợi và hiệu quả.
PV
11:41 12/12/2024Theo VietinBank
21:28 11/12/2024Trần Quý
19:12 11/12/2024Uyên Uyên
12:45 11/12/2024Trần Quý
10:05 11/12/2024Chính Bình
Nam Dũng
Trung Hà
T.Thanh
Thái Hải
PV
Lâm Ánh
Thanh Giang
P. B
Thu Huyền
Nguyễn Điểm
Nam Dũng