Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đề nghị biển số xe ô tô “rất đẹp” bắt buộc đấu giá, khởi điểm 200 triệu đồng

Hương Giang

Thứ hai, 07/11/2022 - 18:30

(Thanh tra) - Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho biết, trong thực tế, nhóm số được đa số người dân yêu thích khi gắn vào ô tô đã giúp giá trị của xe tăng lên rất nhiều, có xe 800 triệu khi có được biển số 99999 đã bán lại 1,7 tỷ.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) đề xuất giải pháp xác định biển số rất đẹp để “giúp tăng thêm khoản thu từ đấu giá biển số, có tính khả thi cao”. Ảnh: P.Thắng

Ngày 7/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.

Xe ôtô 800 triệu, bấm được biển 99999 bán được 1,7 tỷ

Dự thảo nghị quyết đề xuất, mức giá khởi điểm 40 triệu đồng được áp dụng ở Hà Nội và TP HCM. Ở các địa phương còn lại, mức giá khởi điểm là 20 triệu đồng.

Nêu ý kiến, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) đề xuất giải pháp xác định biển số rất đẹp để “giúp tăng thêm khoản thu từ đấu giá biển số, có tính khả thi cao”.

Qua quan sát, đại biểu đoàn Bình Định thấy người dân chia số đẹp thành 2 nhóm: Theo quan niệm dân gian với các số như 39, 79, 86... và các chữ số sắp xếp theo quy tắc khoa học như 12121, 34567, 88899...

“Thực tế, nhóm số được đa số người dân yêu thích khi gắn vào ô tô đã giúp giá trị của xe tăng lên rất nhiều, có xe 800 triệu khi có được biển 99999 đã bán lại 1,7 tỷ”, ông Cảnh cho hay.

Từ đó, ông Cảnh đề nghị bổ sung vào nghị quyết nhóm số có các chữ số sắp xếp theo quy tắc khoa học, có số lượng hạn chế trong tổng kho số, như số có 5 chữ số giống nhau; 4 chữ số đầu hoặc 4 chữ số cuối giống nhau; 5 chữ số tiến đều… là những số bắt buộc đấu giá và mức giá khởi điểm là 200 triệu đồng.

“Nhóm số này chiếm 2,42% tổng kho số”, ông Cảnh tính toán và nhấn mạnh mức giá khởi điểm có “tính khả thi cao”, bởi theo cơ quan soạn thảo thì giá khởi điểm bình quân khoảng 5% giá trị xe.

“Hiện nay, Việt Nam có nhiều dòng xe sang có giá từ 3 tỷ đến 40 tỷ đồng như Rolls-Royce, Bentley, Maybach Mercedes… Nếu tính mức khởi điểm 5% giá trị các dòng xe thì sẽ khoảng từ 150 triệu đến 2 tỷ, nên mức giá khởi điểm 200 triệu là hợp lý”, ông Cảnh phân tích.

Vẫn theo đại biểu đoàn Bình Định, số lượng dòng xe sang này chiếm khoảng 2,5% tổng số xe dưới 9 chỗ đã bán ra trong những năm qua, còn kho số bắt buộc đấu giá chiếm khoảng 2,4% tổng kho số, hai bên chênh lệch 0,1%.

“Như vậy, xác suất người có xe sang, người muốn có biển số đẹp đấu giá hết kho biển số rất đẹp là rất cao, vì trong thực tế biển số rất đẹp gắn vào xe sang đã giúp giá trị xe tăng từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng”, ông Cảnh nhấn mạnh.

Ông Cảnh còn nêu thực tế ở một số quốc gia, có những biển số được đấu giá hàng triệu USD, đem làm từ thiện hoặc tái đầu tư giao thông.

“Nhiều tỉnh có đầu số gắn với các số bắt buộc đấu giá tạo ra những con số rất đặc biệt như Bắc Ninh có biển 7 số 9 (Bắc Ninh có đầu số biển là 99), Hải Dương có biển 34 567.89 (Hải Dương có đầu số biển là 34), Kiên Giang 68 688.88... (Kiên Giang có đầu số biển là 68), nếu được đấu giá trực tiếp tại những sự kiện đặc biệt như Ngày Thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông... thì từng biển số có thể đấu giá đến vài tỷ đồng”, đại biểu đoàn Bình Định nói thêm.

Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu (đoàn Hà Tĩnh) thì cho rằng giá khởi điểm chỉ 1 mức, áp dụng chung trong cả nước là 40 triệu đồng. “Đấu giá trực tuyến, tất cả mọi người đều được tham gia đấu giá, vì vậy, đưa ra một mức giá khởi điểm không phân biệt vùng 1, vùng 2 là hoàn toàn phù hợp”, bà Thu nêu.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang). Ảnh: P.Thắng

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) đề nghị giá khởi điểm thấp hơn dự thảo đề xuất để tạo cơ hội cho người dân ở các vùng, miền khác nhau tham gia đấu giá, lựa chọn biển số xe theo nhu cầu, sở thích.

“Khái niệm đẹp còn tùy thuộc vào từng người và khác nhau ở từng miền”, đại biểu nói, giá khởi điểm là mức ban đầu, những người cùng sở thích có thể đấu giá để tiếp tục trả mức giá cao hơn, phù hợp với khả năng của họ.

Băn khoăn quyền của người chuyển nhượng, người trúng đấu giá

Liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người nhận chuyển nhượng, người được cho, tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá khiến đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (đoàn Vĩnh Phúc) băn khoăn.

Theo ông Mạnh, dự thảo quy định người nhận chuyển nhượng chỉ được chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe mà không được giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác của mình, không được chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá cho người khác “là không phù hợp”.

Ông phân tích, sau khi thực hiện thí điểm 3 năm, xe gắn biển đấu giá sau 2-3 lần chuyển nhượng biển số trúng đấu giá theo xe, sẽ hết khấu hao, không được phép sử dụng và lưu hành.

Trong khi người nhận chuyển nhượng biển số theo xe không được chuyển nhượng riêng biển số xe cho người khác, cũng không được dùng để đăng ký cho xe của mình. Khi muốn mua xe mới, chủ sở hữu phải đi đấu giá hoặc đăng ký một biển số xe khác.

“Vậy số xe trúng đấu giá đã nhận chuyển nhượng sẽ được dùng vào việc gì và cơ quan chức năng sẽ quản lý biển số xe này như thế nào?”, ông Mạnh nêu và đề nghị nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh theo hướng người nhận chuyển nhượng được phép giữ lại biển số xe để đăng ký cho xe khác của mình.

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (đoàn Vĩnh Phúc). Ảnh: P.Thắng

Ở góc độ khác, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (TP Hà Nội) cho hay, theo quy định hiện hành, xe ô tô phải thực hiện đăng ký và được cấp biển kiểm soát có số đăng ký theo tỉnh, TP mà chủ xe có trụ sở hoặc cư trú. Khi sang tên, chuyển địa chỉ sang tỉnh, TP khác phải thực hiện việc đăng ký sang tên, cấp đổi đăng ký và nộp lại biển số đã được cấp để xin cấp lại biển số ở tỉnh, thành phố nơi chuyển đến.

Trong khi đó, theo dự thảo nghị quyết, việc cấp biển số xe sẽ không còn phụ thuộc vào nơi chủ xe có trụ sở hoặc cư trú nữa. “Liệu có khi nào các biển số xe với các đầu số từ 29 đến 33 của TP Hà Nội sẽ chủ yếu được gắn trên xe của các địa phương khác, bởi nếu tôi sinh sống ở các tỉnh trong khu vực miền Bắc, tôi sẵn sàng bỏ thêm tiền để có thêm biển số Hà Nội”, bà Thuỷ nói.

Cho rằng đây là thay đổi rất lớn trong quản lý phương tiện, nhưng báo cáo đánh giá tác động chưa đề cập, bà Thủy cho hay, khi thảo luận tại đoàn lãnh đạo TP Hà Nội cũng chưa có biện pháp để thay thế, thích ứng, đặc biệt là khi đang tìm kiếm các giải pháp hạn chế phương tiện giao thông cá nhân để giảm ùn tắc tại các TP lớn.

Theo đại biểu đoàn Hà Nội, nội dung thí điểm thực hiện 3 năm, nhưng hệ quả của chính sách ảnh hưởng rất lâu dài vì nghị quyết đang quy định biển số trúng đấu giá có thể đi theo người trúng đấu giá từ phương tiện này sang phương tiện khác, có thể kéo dài đến 50, 60 năm sau khi nghị quyết chấm dứt hiệu lực.

Do đó, bà Thủy đề nghị cần có quy định giới hạn thời gian được sử dụng quyền của người trúng đấu giá có thể tối đa 20 năm, hoặc tương ứng với niên hạn sử dụng của phương tiện được gắn biển số.

Theo chương trình kỳ họp 4, Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn, sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá vào ngày 15/11.

Vì sao Bộ Công an không đưa ra khái niệm “biển số đẹp”

Thay mặt cơ quan soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long đã ký báo cáo giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ.

Tại báo cáo này, ông Long cho biết, quá trình thực hiện, Bộ Công an dự kiến sẽ đưa tất cả biển số cấp cho xe ô tô của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân (nền màu trắng) chuẩn bị cấp mới ra công khai trước 30 ngày để người dân lựa chọn, đăng ký tham gia đấu giá.

Biển số không được người dân lựa chọn đấu giá, biển số qua các cuộc đấu giá không thành sẽ chuyển vào hệ thống đăng ký, quản lý xe để đăng ký theo quy trình thông thường.

Lý giải việc Bộ Công an không đưa ra khái niệm “biển số đẹp”, danh mục biển số “độc lạ”, ông Long nói, quan niệm, sở thích của mỗi người về “biển số đẹp” là khác nhau. Bộ Công an sẽ thông báo công khai tất cả những biển số dự kiến cấp trong tháng (hoặc quý) để người dân lựa chọn theo nhu cầu, sở thích và đăng ký tham gia đấu giá.

Liên quan đến giá khởi điểm, theo ông Long, tiếp thu các ý kiến, Bộ Công an dự kiến đề xuất một mức giá khởi điểm thống nhất trong phạm vi toàn quốc là 40 triệu đồng. “Mức giá khởi điểm này tương đương 5% giá trị một chiếc xe ô tô phổ biến ở Việt Nam”, ông Long thông tin. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

VietinBank giành cú đúp giải thưởng về Báo cáo thường niên tại VLCA 2024

VietinBank giành cú đúp giải thưởng về Báo cáo thường niên tại VLCA 2024

(Thanh tra) - Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank – mã CK: CTG) vừa được vinh danh tại 2 giải thưởng “Top 10 doanh nghiệp có Báo cáo thường niên tốt nhất nhóm ngành Tài chính” và “Tiến bộ vượt trội dành cho Báo cáo thường niên” tại Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết năm (VLCA) 2024 do Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) tổ chức.

Bài và ảnh: Nguyễn Nhị

14:29 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm