Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ năm, 05/03/2015 - 15:19
Theo tờ Wall Street Journal, Việt Nam đã duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô trong mấy năm gần đây, với lạm phát thấp và tăng trưởng dần được đẩy nhanh.
Đại diện thường trực của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam Sanjay Kalra. Ảnh: IMF/WSJ.
Năm 2014, Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP 5,98%, vượt mục tiêu 5,8% do Chính phủ đề ra, cao hơn so với mức tăng 5,42% đạt được trong năm 2013. Trong khi đó, lạm phát giảm xuống mức 1,84%, thấp nhất trong nhiều thập kỷ, chủ yếu nhờ giá dầu thế giới giảm mạnh.
Tuy vậy, nợ công của Việt Nam đã tăng lên mức gây quan ngại, trong khi những nỗ lực nhằm giải quyết khối nợ xấu trong hệ thống ngân hàng vẫn gặp nhiều vướng mắc. Việc cổ phần hóa gần đây các doanh nghiệp cũng đã làm dấy lên những câu hỏi về mức độ cải thiện trong quản lý và hoạt động có thể đạt được một khi sự tham gia của khu vực tư nhân vào quá trình này còn rất hạn chế.
Đại diện thường trực của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam, ông Sanjay Kalra, vừa có cuộc trao đổi với Wall Street Journal về tình hình kinh tế Việt Nam và những việc cần làm để Việt Nam đạt tăng trưởng bền vững trong những năm tới. Dưới đây, là nội dung cuộc trò chuyện này.
Tốc độ cải cách cần đẩy nhanh
Ông đánh giá như thế nào về tình hình kinh tế Việt Nam hiện nay?
Ổn định kinh tế vĩ mô đã được duy trì trong hơn hai năm. Lạm phát đã giảm xuống mức một con số trong thời gian dài, một phần nhờ giá dầu thế giới giảm mạnh vào cuối năm 2014.
Tăng trưởng GDP thực tế đang dần hồi phục và ở mức khoảng 6% vào năm 2014 dựa trên tăng trưởng xuất khẩu và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh.
Nhu cầu trong nước cũng đã hồi phục phần nào, với sự thành vốn lớn hơn và tiêu dùng tăng nhẹ. Ngoài ra, cũng có những dấu hiệu ban đầu cho thấy ngành bất động sản và xây dựng, vốn phục hồi chậm trước đây, đang khởi sắc.
Tỷ giá hối đoái tiếp tục ổn định, cán cân vãng lai thặng dư và dự trữ ngoại hối đã tăng lên từ mức đáy thiết lập vào giữa năm 2011.
Một số tổ chức đánh giá tín nhiệm quốc tế đã công nhận những thành tích này và nâng điểm tín nhiệm cho Việt Nam. Việt Nam cũng đã quay trở lại thị trường vốn quốc tế với đợt phát hành trái phiếu 1 tỷ USD trong năm 2014 với các điều kiện thuận lợi. Tuy vậy, thâm hụt ngân sách tăng và việc bảo lãnh cho nợ của các doanh nghiệp quốc doanh đã dẫn tới tăng nợ công và nợ được nhà nước bảo lãnh, tới mức gây lo ngại.
Việt Nam đã đạt tiến bộ trong cải cách cơ cấu, nhưng tốc độ cải cách cần được đẩy nhanh, và vẫn còn nhiều việc phải làm để cải tổ ngành ngân hàng và các doanh nghiệp quốc doanh. Cụ thể hơn, trong năm 2015, một số vụ sáp nhập ngân hàng đã được lên kế hoạch, và điều này sẽ làm giảm gánh nặng đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Sáp nhập các ngân hàng yếu sẽ giải quyết được các vấn đề trước mắt, nhưng cải cách toàn diện - bao gồm giảm nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, tăng vốn dự phòng, và cải thiện lợi nhuận - cần được cụ thể hóa và đẩy nhanh tốc độ thực hiện.
Về các doanh nghiệp quốc doanh, kế hoạch cổ phần hóa của Chính phủ Việt Nam được hoan nghênh. Nhưng cổ phần hóa cần phải có ý nghĩa. Các vụ cổ phần hóa gần đây, nhất là trong các doanh nghiệp quốc doanh lớn, đã đặt ra những cầu hỏi về mức độ cải thiện về quản lý và hoạt động có thể đạt được khi mà sự tham gia của khu vực tư nhân còn rất hạn chế.
Ngoài ra, việc loại bỏ những ưu đãi mà doanh nghiệp quốc doanh hiện có, nhất là về đất đai và vốn tín dụng, sẽ giúp san bằng sân chơi giữa khu vực này với khu vực tư nhân.
4 điều lợi từ giá dầu giảm cho Việt Nam
Liệu Việt Nam có nên nới lỏng thêm chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng trong năm nay? Nếu có, thì mức nới lỏng là bao nhiêu?
Với lạm phát giảm xuống mức thấp, các ngân hàng thương mại đã có động thái giảm cơ cấu lãi suất trong hệ thống ngân hàng.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã duy trì lập trường chính sách tiền tệ mang tính hỗ trợ, với thanh khoản dồi dào trong hệ thống ngân hàng, theo đó đưa lãi suất liên ngân hàng về thấp hơn lãi suất cơ bản trong cả năm 2013 và 2014.
Lạm phát giảm có thể tạo thêm dư địa cho việc hạ thêm lãi suất, nhưng việc hạ lãi suất chỉ có thể biến thành tăng trưởng tính dụng nếu các vấn đề trong hệ thống ngân hàng được giải quyết.
Giá dầu giảm liệu ảnh hưởng đến Việt Nam như thế nào?
Việt Nam được dự báo là sẽ hưởng lợi từ sự giảm giá dầu thế giới, thông qua một số kênh khác nhau.
Trước hết, giá dầu giảm có thể làm tăng thu nhập thực tế và tiêu dùng. Thứ hai, giá dầu giảm sẽ làm giảm chi phí sản xuất hàng hóa cuối cùng, từ đó tăng đầu tư và lợi nhuận của doanh nghiệp. Thứ ba, giá dầu giảm kéo lạm phát đi xuống. Thứ tư, cán cân thương mại có thể được cải thiện.
Nhưng song song với đó, thu ngân sách từ dầu sẽ giảm. Đối với Việt Nam, một số loại thuế đã được tăng lên để bù đắp ảnh hưởng của giá dầu giảm đối với ngân sách.
Còn nhiều rào cản với xử lý nợ xấu
Việt Nam đang đa dạng hóa thị trường, để tránh phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường... Ông có quan điểm như thế nào về vấn đề này, và ông có thể đưa ra lời khuyên gì?
Việc hoàn tất một số cuộc đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) của Việt Nam trong năm 2014 là một thành tích ấn tượng. Ngoài ra, Việt Nam đã có cam kết mạnh mẽ đối với Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định Hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Những FTA này và các thỏa thuận thương mại khác sẽ mở ra thêm nhiều cơ hội cho Việt Nam dưới dạng dòng chảy tự do hơn của hàng hóa qua biên giới các quốc gia, đem tới một thị trường và nhu cầu lớn hơn. Ngoài ra, các FTA cũng làm gia tăng nguồn cung cho thị trường trong nước, với mức giá có thể rẻ hơn, đem đến lợi ích cho người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, cũng sẽ có những thách thức liên quan tới cạnh tranh thương mại gia tăng. Để vượt qua được những thách thức này, Việt Nam cần cải thiện cơ cấu thể chế và tăng năng suất. Những cải thiện như vậy sẽ giúp giảm chi phí lao động và các chi phí khá trong sản xuất, đồng thời tăng mức hấp dẫn của Việt Nam với tư cách là một điểm đến đầu tư và kinh doanh.
Đặc biệt, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bao gồm giữ lạm phát ở mức thấp, duy trì ổn định tỷ giá và tăng niềm tin vào tiền đồng, sẽ tạo một nền tảng vững chắc cho những lợi ích lớn hơn từ thương mại.
Ông nhìn nhận như thế nào về nợ xấu của Việt Nam?
Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) đã tích cực trong việc mua nợ xấu từ các ngân hàng, nhưng tốc độ cần được đẩy nhanh hơn. Các ngân hàng có một thời hạn dài để trích lập dự phòng đối với các khoản nợ xấu bán cho VAMC, trong khi các rào cản lớn về pháp lý vẫn tồn tại đối với việc thay đổi quyền sở hữu đối với khoản vay và tài sản thế chấp, khiến việc giải quyết nợ xấu gặp trở ngại.
Để đẩy nhanh quá trình này, VAMC cần có thẩm quyền lớn hơn về xử lý tài sản thế chấp, và các trở ngại pháp lý về xử lý tài sản thế chấp trên thị trường nợ xấu cần phải được khắc phục.
VAMC cũng cần có nguồn lực lớn hơn, cả về tài chính và nhân sự, để xử lý các khoản nợ xấu được đưa ra thị trường. Một thị trường như vậy cần phải có người mua và người bán để có thể hoạt động, và có thể cần tới cả sự tham gia
và chuyên môn từ bên ngoài.
Theo Diệp Vũ/VnEconomy.vn
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Nửa cuối năm 2024, nền kinh tế có nhiều biến động khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) phải đối mặt với nhiều áp lực tài chính. Để hỗ trợ SMEs vượt qua giai đoạn thách thức này, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB) chủ động triển khai những chính sách cụ thể với các giải pháp hỗ trợ như: Gói vay ưu đãi, lãi suất hỗ trợ... cùng quy trình thủ tục được “may đo” riêng biệt giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn thuận lợi và hiệu quả.
PV
11:41 12/12/2024(Thanh tra) - Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam vừa vinh dự được xướng tên trong danh sách 50 Doanh nghiệp niêm yết tiên phong và cam kết nâng cao quản trị công ty Việt Nam – VNCG50 tại Diễn đàn thường niên Quản trị công ty (AF7).
Theo VietinBank
21:28 11/12/2024Trần Quý
19:12 11/12/2024Uyên Uyên
12:45 11/12/2024Trần Quý
10:05 11/12/2024Trần Quý
22:15 10/12/2024Bùi Bình
Hải Hà
Phương Anh
Lê Phương
Văn Thanh
Chính Bình
Theo VietinBank
Theo EVNNPC
Theo VietinBank
Thu Hương
Theo EVNNPC
Theo EVNNPC