Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 11/07/2017 - 21:18
(Thanh tra) - Tại cuộc họp sơ kết công việc 6 tháng đầu năm của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp (DN) sáng 11/7, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước (NN) chậm, không đạt yêu cầu là do Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty chưa quyết liệt thực hiện. Đâu đó còn tâm lý thận trọng, chờ đợi, e ngại không muốn làm, sợ sai nên “có chuyện đùn đẩy, hỏi ý kiến lên tận Chính phủ” …
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi sơ kết. Ảnh: TN
TP Hồ Chí Minh chưa có DNNN nào cổ phần hóa
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo, 6 tháng đầu năm, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn NN tại DN diễn ra chậm, đạt tỷ lệ thấp. Việc bàn giao các DN sau cổ phần hóa về Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn NN (SCIC) cũng chậm, đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán chưa thực hiện nghiêm túc.
Đáng chú ý, TP Hồ Chí Minh chưa có DN nào được cổ phần hóa trong danh sách 39 DNNN phải cổ phần hóa của địa phương này tới năm 2020.
Phó Chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm lý giải, trong số 39 DNNN phải cổ phần hóa thì đa phần là các công ty công ích (26 công ty, còn lại là 13 công ty mẹ). Các DN này đều hoàn thành kiểm kê tài sản, tiêu chí nhà đầu tư chiến lược. Sau khi được Ban Thường vụ Thành ủy phê duyệt phương án cổ phần hóa, TP sẽ thực hiện xong trong năm 2018.
Theo ông Liêm, cần thận trọng trong cổ phần hóa, thoái vốn NN bởi nếu “tung” ra ồ ạt thì thị trường cũng không thể “tiêu hóa” nổi một lượng lớn tài sản của NN.
Với Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản cho hay, Thủ đô sẽ hoàn thành cổ phần hóa Tổng Công ty Thương mại Hà Nội Hapro có giá trị vốn NN là 2.200 tỷ đồng vào cuối năm nay. Còn một số công ty như Vườn thú Hà Nội, Công ty Cây xanh Hà Nội… có thể phải sang năm 2018 mới cổ phần hóa được vì phải chờ hướng dẫn của các Bộ định giá vườn cây, con thú…
Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN, giai đoạn 2017 - 2020, cả nước sẽ cổ phần hóa 137 DNNN.
6 tháng đầu năm 2017, cả nước đã hoàn thành cổ phần hóa 6/137 DNNN; công bố giá trị DN và đang xây dựng phương án cổ phần hóa để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt 14 DN; xác định giá trị DN của 20 DN. Dự kiến sẽ hoàn thành cổ phần hóa 40/45 DNNN của kế hoạch năm 2017.
Hết quý II/2017, đã bán phần vốn NN không cần nắm giữ tại 22 DN với tổng giá trị theo sổ sách là 666,8 tỷ đồng (bằng 76,5% so với cùng kỳ năm 2016), thu về 11.589,3 tỷ đồng (bằng 314,11% so với cùng kỳ năm 2016); trong đó, có 6 DN thoái vốn dưới mệnh giá.
Thủ tướng cũng đã phê duyệt đề án tái cơ cấu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Văn phòng Chính phủ thì đang thẩm tra để trình Thủ tướng Đề án của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Còn lại 5 đề án của 5 tập đoàn kinh tế chưa trình là Cao su, Than - Khoáng sản, VNPT, Viettel, Hóa chất…
“Hiện đang có tư tưởng chờ sửa đổi Nghị định số 59/2011/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển DN 100% vốn NN thành công ty cổ phần để các đơn vị thực hiện cho đỡ rắc rối nên tiến độ chậm”, ông Toản nói.
Cổ phần hóa mới tránh được “dự án nó, dự án kia”
Còn với các DNNN lớn của Bộ Công Thương, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, đang tích cực thực hiện việc chuẩn bị cho cổ phần hóa để sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án.
Riêng Tổng Công ty Giấy, Thủ tướng chưa phê duyệt phương án cổ phần hóa vì chưa hoàn tất thủ tục chào bán Nhà máy bột giấy Phương Nam - dự án thua lỗ, “đắp chiếu” nhiều năm qua.
“Cần khuyến khích người lao động có tay nghề cao được mua cổ phần ưu đãi để tiếp tục gắn bó với DN, tránh tình trạng nhiều DNNN cổ phần hóa xong coi như bị biến mất, thợ giỏi không phát triển được”, Thứ trưởng Hải đề nghị.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Hiếu nêu, tư tưởng của nhiều Bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty hiện nay đang chờ thành lập cơ quan đại diện chủ sở hữu. Tình trạng chậm có do văn bản nhưng không phải nguyên nhân chính. Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo kiên quyết thực hiện.
Theo ông Hiếu, việc sắp xếp lại các DN không phải nhiệm vụ do Bộ Tài chính trình mà là nhiệm vụ của Bộ Chính trị, Quốc hội giao. Dù có thành lập cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn NN thì tốt nhất vẫn là cổ phần hóa bởi không ai trăm tay nghìn mắt để quản lý. Cho nên cần phải nhanh chóng cổ phần hóa, thoái vốn, trừ những DN 100% vốn NN như các DN của quân đội.
“Chỉ có CPH mới nâng cao được năng lực, tránh dự án nó, dự án kia”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Xem xét trách nhiệm chậm cổ phần hóa, thóa vốn
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, “làm chậm mà chắc, làm đến đâu tốt đến đó, đảm bảo lợi ích cao nhất của đất nước. Làm nhanh mà làm ẩu, sai phạm là rất đáng phê phán”.
Tuy nhiên, theo ông Huệ, tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn không đạt yêu cầu, mục tiêu, kế hoạch đặt ra. Nhất là, 578 DN chưa đăng ký niêm yết giao dịch trên sàn chứng khoán theo quy định. Một số tập đoàn, tổng công ty, DN, dự án hoạt động kém, thua lỗ, cơ chế quản trị chưa đáp ứng được tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế….
Nguyên nhân chính là chỉ đạo, điều hành của một số Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty chưa thật quyết liệt.
“Đâu đó còn tâm ý thận trọng, chờ đợi, e ngại một số vụ việc trước đây bị thanh tra, kiểm tra, nên có chuyện đùn đẩy, hỏi ý kiến lên tận Chính phủ. Thẩm quyền của Bộ, địa phương nhưng không dám quyết, đưa lên Chính phủ hỏi ý kiến cho an toàn, nhưng Chính phủ quyết lại không đúng luật. Có nơi ngại không muốn làm, sợ sai phạm; công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc chưa thường xuyên, kịp thời. Kinh nghiệm là bộ nào quyết liệt thì chuyển biến tốt, chỗ nào lãnh đạo không quyết liệt công việc trì trệ, kết quả rất hạn chế”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng nêu rõ, dứt khoát phải hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn của năm 2017. Chính phủ sẽ xem xét trách nhiệm của lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty chậm trễ, không hoàn thành nhiệm vụ đổi mới, sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn DN.
Còn một số bất cập trong thể chế, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu, Bộ Tài chính trong tháng 7 trình Thủ tướng ký ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 59 về chuyển DN có 100% vốn NN thành công ty cổ phần; trong tháng 8 hoàn thành sửa đổi bổ sung Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn NN tại DN và quản lý tài sản vốn NN tại DN.
Trong tháng 8/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải trình Thủ tướng ký Quyết định danh mục DN có vốn NN thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017- 2020; phối hợp với Bộ Tài chính, Tư pháp trình Thủ tướng tình hình chuyển giao tài sản không bồi hoàn của các nhà đầu tư trong liên doanh với các DNNN Việt Nam…
Thảo Nguyên
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Nửa cuối năm 2024, nền kinh tế có nhiều biến động khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) phải đối mặt với nhiều áp lực tài chính. Để hỗ trợ SMEs vượt qua giai đoạn thách thức này, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB) chủ động triển khai những chính sách cụ thể với các giải pháp hỗ trợ như: Gói vay ưu đãi, lãi suất hỗ trợ... cùng quy trình thủ tục được “may đo” riêng biệt giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn thuận lợi và hiệu quả.
PV
11:41 12/12/2024(Thanh tra) - Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam vừa vinh dự được xướng tên trong danh sách 50 Doanh nghiệp niêm yết tiên phong và cam kết nâng cao quản trị công ty Việt Nam – VNCG50 tại Diễn đàn thường niên Quản trị công ty (AF7).
Theo VietinBank
21:28 11/12/2024Trần Quý
19:12 11/12/2024Uyên Uyên
12:45 11/12/2024Trần Quý
10:05 11/12/2024Trần Quý
22:15 10/12/2024N. Phó
Thu Huyền
Hương Giang
Trần Quý
Ngọc Phó
Hải Hà
TK
T.Thanh
Phương Anh
Cảnh Nhật
Văn Thanh