Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước gắn với trách nhiệm người đứng đầu

Thứ ba, 09/02/2021 - 06:00

(Thanh tra)- Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (TCDN) - Bộ Tài chính chia sẻ như vậy khi nói về những giải pháp đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa (CPH), thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trong bối cảnh hiện nay.

Tổng Công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam cũng chưa thể CPH. Ảnh: Trần Quý

1 năm CPH được 9 DN

Ông Tiến cho biết, trong năm 2020, Cục TCDN nhận được báo cáo phê duyệt phương án CPH của 9 DN. Trong đó có 3 DN thuộc kế hoạch CPH theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là Công ty TNHH MTV Giống gia súc Hải Dương; Công ty TNHH MTV In báo Nghệ An và Tổng Công ty Phát điện 2.

Lũy kế giai đoạn 2016 - 2020, đã có 180 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị DN 489.690 tỷ đồng, trong đó, giá trị vốn Nhà nước là 233.792 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 180 DN đã CPH chỉ có 39/128 DN CPH thuộc danh mục CPH theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 30% kế hoạch). Số DN còn phải thực hiện CPH theo kế hoạch là 89 DN.

“Kết quả trên cho thấy, tiến độ CPH các DN còn rất chậm” - ông Tiến nhận định.

Kết quả thoái vốn, trong năm 2020, cả nước đã thoái được 2.506 tỷ đồng, thu về ngân sách Nhà nước (NSNN) 5.967 tỷ đồng, trong đó thoái vốn tại 14 DN theo kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ ban hành với giá trị 1.789 tỷ đồng, thu về 4.619 tỷ đồng.

Lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 - 2020, thoái 27.312 tỷ đồng, thu về 177.397 tỷ đồng. Trong đó, thoái vốn Nhà nước tại 106 đơn vị thuộc Quyết định số 1232/QĐ-TTg và Quyết định số 908/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với giá trị 6.493 tỷ đồng, thu về 13.583 tỷ đồng (đạt 30% về số lượng và 11% về giá trị so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).

Thoái vốn Nhà nước tại các DN ngoài danh mục theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg, đã thoái 3.785 tỷ đồng vốn Nhà nước, thu về 110.392 tỷ đồng (bao gồm khoản thoái 3.436 tỷ đồng, thu về 109.965 tỷ đồng tại Sabeco).

Các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước thực hiện thoái 17.032 tỷ đồng, thu về 53.420 tỷ đồng.

Tình hình sử dụng nguồn thu từ CPH, thoái vốn Nhà nước, theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10/11/2016 của Quốc hội thì trong giai đoạn 2016 - 2020, nguồn thu từ CPH nộp về NSNN để phục vụ đầu tư trung và dài hạn là 250.000 tỷ đồng. Trong năm 2020 đã chuyển 16.700 tỷ đồng; lũy kế từ năm 2016 đến năm 2020, đã chuyển 221.700 tỷ đồng từ quỹ vào NSNN (đạt 90% kế hoạch) cả giai đoạn.

Tổng Công ty Viễn thông MobiFone là 1 trong 92 DN phải CPH trong năm 2020, nhưng đến nay vẫn chưa thể CPH. Ảnh: Trần Quý

 Nguyên nhân dẫn đến việc CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN chậm, theo ông Đặng Quyết Tiến, đầu tiên phải kể đến các nguyên nhân khách quan do bất ổn kinh tế - chính trị toàn cầu và sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 đến nay vẫn chưa có biện pháp đẩy lùi đã ảnh hưởng nặng nề đến thị trường tài chính, thị trường chứng khoán trong nước và thế giới. Hệ thống cơ chế chính sách về CPH thời gian qua đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng chặt chẽ hơn, tăng cường công khai minh bạch trong quá trình CPH, tính đúng, tính đủ giá trị DN khi CPH.

Bên cạnh đó cũng tồn tại một số nguyên nhân chủ quan như việc lập kế hoạch CPH chưa sát với thực tế triển khai; nhiều DN không chủ động triển khai các chính sách của Nhà nước, đến khi phải thực hiện CPH mới bắt đầu thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ CPH.

Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu DN, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của DN, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong CPH; việc phối hợp giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu với các UBND tỉnh, thành phố, bộ, ngành liên quan trong việc thực hiện lập, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định về sắp xếp lại, xử lý tài sản công còn chưa tốt...

Để đẩy nhanh tiến độ CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN trong thời gian tới, theo ông Tiến, về cơ chế chính sách, Bộ Tài chính đã  trình Chính phủ ban hành Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ngày 30/11/2020 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, Nghị định số 32/2018/NĐ-CP, Nghị định số 91/2015/NĐ-CP, theo đó đã tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các DN phát sinh trong thời gian qua;

Về chỉ đạo điều hành, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 161/NQ-CP ngày 29/10/2020 về đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, tập đoàn kinh tế, tổng công ty thực hiện. Đồng thời, Bộ Tài chính đang xây dựng Đề án Cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2021 - 2025 để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, làm cơ sở tiếp tục triển khai cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN để DNNN là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo độc lập, tự chủ và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản việt Nam, một trong những “ông lớn” chưa thể CPH. Ảnh: Trần Quý

Gắn trách nhiệm người đứng đầu

Quyết định số 707/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ giao bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chủ tịch hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc hoàn thành kế hoạch sắp xếp, cơ cấu lại, CPH, thoái vốn và xử lý dứt điểm tồn tại để nâng cao hiệu quả hoạt động, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng cần tập trung chỉ đạo hoàn thành.

Xử lý nghiêm lãnh đạo DNNN, người đại diện phần vốn Nhà nước tại DN không nghiêm túc thực hiện, không hoàn thành kế hoạch sắp xếp, cơ cấu lại, CPH, thoái vốn và nhiệm vụ được giao trong việc quản lý điều hành DN, không thực hiện báo cáo tiến độ triển khai cơ cấu lại theo quy định tại Quyết định này.

Cũng theo ông Tiến, Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã giao cụ thể trách nhiệm cho bộ trưởng bộ quản lý ngành, chủ tịch UBND cấp tỉnh, hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế, tổng công ty về triển khai CPH, thoái vốn theo đúng kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, chịu trách nhiệm về việc không hoàn thành CPH theo đúng tiến độ.

Định kỳ hàng quý, hàng năm Bộ Tài chính đã tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN, trong đó nêu cụ thể tiến độ triển khai, thực hiện của các cơ quan, đơn vị theo kế hoạch được duyệt.

Mặc dù, đã được quy định trách nhiệm cụ thể đối với người đứng đầu, thế nhưng, tiến trình CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN trong những năm qua vẫn còn chậm, mà người đứng đầu “vẫn bình yên vô sự”? Phải chăng là còn thiếu chế tài cụ thể?

Trần Quý

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm