Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chuyển đổi số trong thu, chi ngân sách góp phần tăng nguồn thu

Trần Quý

Thứ hai, 09/09/2024 - 14:17

(Thanh tra) - Bộ Tài chính cho biết, lũy kế 8 tháng năm 2024, thu ngân sách Nhà nước (NSNN) ước đạt 1.335,6 nghìn tỷ đồng, bằng 78,5% dự toán, tăng 17,8% so cùng kỳ năm 2023. Đạt được con số trên là nhờ kết quả chuyển đổi số trong thu, chi ngân sách.

Chuyển đổi số trong thu, chi ngân sách góp phần tăng nguồn thu. Ảnh: Trần Quý

Dấu ấn chuyển đổi số

Xác định “đẩy mạnh hiện đại hóa, phát triển nền tảng tài chính số trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin gắn với chuyển đổi số” là một trong các đột phá trong Chiến lược Tài chính đến năm 2030, Bộ Tài chính đã tập trung triển khai có hiệu quả các hệ thống thông tin lớn, cốt lõi bám sát chương trình chuyển đổi số, trong đó đặc biệt chú trọng hỗ trợ trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp nhất là trong lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc…

Trong lĩnh vực thuế, Bộ Tài chính luôn chủ động trong việc rà soát, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật để chống các hình thức chuyển giá, trốn thuế, đảm bảo thu đúng, thu đủ tiền thuế vào NSNN. Trong đó, đã chủ động rà soát quy định, chính sách về tài chính, phí, lệ phí đối với hoạt động cung cấp, kết nối chia sẻ dữ liệu của cơ quan Nhà nước với tổ chức, doanh nghiệp và người dân, ban hành theo thẩm quyền nhiều thông tư quy định về phí liên quan đến cơ sở dữ liệu của Nhà nước theo quy định.

Nhiều giải pháp để đẩy mạnh cải cách, ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa công tác quản lý thuế đã được cơ quan thuế chủ động triển khai nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thuế. Đồng thời, tập trung thực hiện các giải pháp tìm kiếm nguồn thu, bù đắp một số khoản thu, sắc thuế bị ảnh hưởng giảm thu. Trong đó, cơ quan thuế đã xây dựng Cổng Thông tin điện tử (TTĐT) dành cho nhà cung cấp nước ngoài trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký, khai thuế, nộp thuế. Đã có 85 nhà cung cấp nước ngoài đã đăng ký và được cấp MST qua TTĐT. Tổng số thuế trong quý I/2024 các nhà cung cấp nước ngoài đã nộp trực tiếp qua cổng TTĐT là 2.037 tỷ đồng.

Trong nước, Bộ Tài chính đã hoàn thành xây dựng và chính thức triển khai Cổng TTĐT để tiếp nhận dữ liệu của các sàn giao dịch thương mại điện tử phục vụ công tác quản lý thuế. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trong lĩnh vực thương mại điện tử, Bộ Tài chính đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Chỉ thị số 18/XT-TTg.

Bên cạnh đó, ngành Thuế cũng đã xây dựng phần mềm tiếp nhận dữ liệu hóa đơn điện tử và triển khai trên toàn quốc từ ngày 21/4/2022. Đến nay 100% doanh nghiệp, tổ chức và hộ, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai đã chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP. Lũy kế từ khi triển khai đến nay số lượng hóa đơn điện tử cơ quan thuế đã tiếp nhận, xử lý khoảng 7,12 tỷ hóa đơn, trong đó 2 tỷ hóa đơn có mã và hơn 5,12 tỷ hóa đơn không mã.

Đến nay có trên 5.300 cơ sở kinh doanh đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, số lượng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền là hơn 252,8 triệu hóa đơn. Đến nay, toàn quốc đã có 15.931 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thực hiện phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng, đạt 99,97% tổng số cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Đối với lĩnh vực kho bạc, Bộ Tài chính đã hoàn thành triển khai hệ thống chương trình quản lý, kiểm soát chi đầu tư qua kho bạc Nhà nước (ĐTKB-GD) để quản lý, kiểm soát thanh toán các dự án nguồn vốn đầu tư công thực hiện kiểm soát chi qua kho bạc Nhà nước. Số liệu giao dịch được cập nhật trực tuyến theo thời gian thực từ hệ thống giao dịch ĐTKB-GD sang hệ thống tổng hợp báo cáo (THBC-LAN) để lập báo cáo theo chế độ quy định, đảm bảo số liệu báo cáo giải ngân vốn đầu tư công phản ánh đầy đủ, chính xác số liệu báo cáo chi đầu tư của kho bạc Nhà nước và Bộ Tài chính từ hàng tuần xuống hàng ngày; hỗ trợ các kho bạc địa phương trong việc theo dõi, báo cáo chính quyền sở tại đầy đủ số liệu.

Ngành Hải quan đã đạt được nhiều kết quả trong việc chuyển đổi số. Ảnh: TQ

Trong lĩnh vực hải quan, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, công tác chuyển đổi số đã giúp hệ thống pháp luật về hải quan hiện đại, minh bạch, đồng bộ, thống nhất, phù hợp với các cam kết quốc tế, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Tính đến nay cơ chế một cửa quốc gia đã có trên 250 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối với sự tham gia của hơn 69,7 nghìn doanh nghiệp.

Tính đến nay, Bộ Tài chính có 765 dịch vụ công trực tuyến, trong đó 383 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 123 dịch vụ công trực tuyến một phần và 259 dịch vụ công cung cấp thông tin cho tổ chức, cá nhân.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đã hoàn thành việc tích hợp 284 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ Công quốc gia.

Các cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã được hình thành và đưa vào khai thác sử dụng. Nhiều dữ liệu quan trọng của ngành Tài chính liên quan đến các lĩnh vực trọng yếu như thu, chi NSNN, thu theo sắc thuế, địa bàn thu, thu xuất nhập khẩu… đã được kết nối, chia sẻ dữ liệu với hệ thống thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, đã cung cấp các chỉ tiêu quan trọng như thu, chi NSNN, thu theo sắc thuế, địa bàn, thu xuất nhập khẩu, cán cân thương mại,…

Những kết quả tích cực trong chuyển đổi số của ngành Tài chính đã được người dân, doanh nghiệp, tổ chức đánh giá cao. Năm 2024, Bộ Tài chính xếp vị trí thứ 3 với kết quả chỉ số cải cách hành chính - PAR Index đạt 89,76%. Đây là năm thứ 10 liên tiếp (từ 2014 - 2023), Bộ Tài chính nằm trong nhóm 3 bộ, cơ quan ngang bộ dẫn đầu về PAR Index. Điều này cũng thể hiện rõ vai trò tiên phong của Bộ Tài chính trong quản lý và thực hiện các quy định pháp luật về tài chính - ngân sách nhà nước.

Tiếp tục chuyển đổi số trong thu, chi ngân sách

Để tiếp tục thực hiện Chiến lược Chuyển đổi số, ngày 15/4/2024, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 837/QĐ-BTC về việc ban hành kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Tài chính năm 2024.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đã được phê duyệt tại Quyết định số 1484/QĐ-BTC ngày 27/7/2022 về việc phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Tài chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó đảm bảo cung cấp các dịch vụ tài chính số chất lượng phục vụ xã hội; vận hành tối ưu các hoạt động của Bộ Tài chính; huy động rộng rãi sự tham gia của xã hội và các mục tiêu phát sinh do Bộ Chính trị, Chính phủ giao trong các năm tiếp theo.

Tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ chuyển đổi số của Bộ Tài chính đảm bảo phù hợp với năm 2024, năm “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững” theo thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ.

Chuyển đổi số giúp ngành Thuế tăng nguồn thu. Ảnh: TQ

Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị tiếp tục chỉ đạo cơ quan thuế, cơ quan hải quan, triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý thu ngân sách; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong quản lý thuế, kiểm soát chặt chẽ nguồn thu; nâng cao năng lực kiểm tra, kiểm soát hải quan, tăng cường chống thất thu gắn với cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế.

Đồng thời, các cơ quan thu tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, đối thoại, giải đáp, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc cho người nộp thuế; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra thuế, kiểm tra trị giá hải quan; đẩy mạnh công tác kiểm tra sau thông quan, đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại, trong đó tập trung kiểm tra chống gian lận về số lượng, xuất xứ hàng hóa… kiểm soát chặt chẽ công tác miễn, giảm và hoàn thuế đảm bảo đúng đối tượng, đúng chính sách; tăng cường quản lý, hạn chế nợ đọng thuế… nhằm tăng thu NSNN.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm