Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Từ chiều nay, chính thức chuyển giao bắt buộc ngân hàng OceanBank và CBBank

Nguyễn Điểm

Thứ năm, 17/10/2024 - 18:00

(Thanh tra) - Lễ chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng CBBank và OceanBank về với Vietcombank và MB sẽ được diễn ra chiều nay, theo Ngân hàng Nhà nước.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại buổi họp. Ảnh NĐ

Tại họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2024, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết chiều nay (17/10) sẽ diễn ra lễ chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng yếu kém. 

"Hôm nay sẽ thực hiện chuyển giao 2 ngân hàng, một ngân hàng nữa sẽ được chuyển giao trong thời gian tới, một ngân hàng được kiểm soát đặc biệt khác là DongA Bank đang triển khai lộ trình, còn SCB thì duy trì ổn định", ông Tú cho biết.

Chia sẻ chi tiết hơn về thông tin hai ngân hàng được chuyển giao bắt buộc, ông Nguyễn Đức Long, Phó Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra Giám sát (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, 2 ngân hàng được dự kiến chuyển giao là Ngân hàng TNHH MTV Xây dựng (CBBank) và Ngân hàng TNHH MTV Đại dương (OceanBank).

“Trong đó, CBBank sẽ về với Vietcombank, còn OceanBank về với MB”, ông nêu. Ngoài ra, còn 2 ngân hàng khác là Ngân hàng TNHH MTV Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) dự kiến sẽ tiếp tục được chuyển giao lần lượt trong tương lai.

Trả lời câu hỏi về quyền lợi của người gửi tiền khi các ngân hàng này được chuyển giao bắt buộc, ông Nguyễn Đức Long cho biết, mục tiêu chuyển giao bắt buộc là để các ngân hàng quay về hoạt động bình thường, khắc phục lỗ lũy kế, đảm bảo các quy định về an toàn. “Quyền lợi người gửi tiền đảm bảo trước trong và sau quá trình chuyển giao", ông Long nhấn mạnh tại họp báo.

Đối với DongA Bank và ngân hàng còn lại, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng nhận chuyển giao thực hiện và rà soát phương án để trình các cơ quan có thẩm quyền để thực hiện.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, tính đến thời điểm này, tăng trưởng tín dụng toàn ngành kinh tế đạt ở mức 9% so với cuối năm 2023, đạt 14,7 triệu tỷ đồng.

Phó Thống đốc nói: “Không có chuyện ngân hàng chỉ huy động mà không đẩy vốn ra nền kinh tế. Số dư nợ cao hơn số huy động cho thấy, các ngân hàng huy động bao nhiêu, cho vay bấy nhiêu, thậm chí còn sử dụng bằng chính nguồn tiền từ vốn chủ sở hữu của ngân hàng”.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, thời gian qua, chính sách tiền tệ của nhiều nước có sự thay đổi, đơn cử như Mỹ cắt giảm lãi suất kéo theo một số quốc gia giảm lãi suất nhằm tạo điều kiện cho nền kinh tế tăng trưởng. Yếu tố này cũng ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta.

"Tôi cho rằng, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, mục tiêu tăng trưởng GDP, kiểm soát lạm phát là hoàn toàn có thể làm được.

Tôi đi công tác và khảo sát tại nhiều địa phương, thấy rằng các doanh nghiệp đã giải quyết được căn cơ những khó khăn mà đại dịch COVID-19 gây ra, các đơn hàng quay trở lại, các chỉ số nhìn chung khá tích cực. Dù vẫn còn khó khăn như giải ngân đầu tư công, một số dự án trọng điểm vẫn còn khó khăn nhưng Chính phủ đang tập trung tháo gỡ", Phó Thống đốc cho biết.

Đáng chú ý, trong quý III, cơn bão số 3 đã gây ra ảnh hưởng rất lớn, khiến nền kinh tế chững lại. Riêng ngành ngân hàng có 160 nghìn tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng.

"Nếu như không có cơn bão số 3, kinh tế của chúng ta có đà phát triển tốt. Chính phủ đã có chỉ đạo rất quyết liệt để đạt, vượt kế hoạch của năm nay" - ông Tú nói.

Từ bối cảnh đó, Phó Thống đốc cho biết, ngành ngân hàng tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt.

Thứ nhất, điều hành chính sách tiền tệ đã góp phần ổn định được kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, giữ ổn định được thị trường tiền tệ, ngoại hối.

Thứ hai, tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho ngân hàng tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp góp phần hỗ trợ nền kinh tế.

Thứ ba, điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, góp phần hấp thu các cú sốc bên ngoài; đồng thời, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ.

Thứ tư, nhiều giải pháp, chính sách, chương trình tín dụng đã được triển khai đồng bộ, quyết liệt, đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.


Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm