Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cạn tiền, nhiều doanh nghiệp xin lùi đáo hạn trái phiếu

Quang Đông

Thứ năm, 23/02/2023 - 06:35

(Thanh tra)- Tính theo lượng đáo hạn các tháng trong năm 2023, giai đoạn giữa năm sẽ là căng thẳng đối với thị trường khi áp lực trái phiếu đến hạn lớn. Ngay từ thời điểm này, thị trường đã ghi nhận nhiều doanh nghiệp phải "khất nợ" trái phiếu đến hạn thanh toán.

Khó khăn trong việc thu xếp dòng tiền khiến nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải thông báo lùi lịch. Ảnh: QĐ

Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), năm 2023, sẽ có khoảng 309.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Tính riêng trong tháng 1/2023, có gần 17,5 nghìn tỷ đồng tổng giá trị trái phiếu đến hạn, trong đó 60% tập trung ở nhóm bất động sản với 10,5 nghìn tỷ đồng và 34% ở nhóm xây dựng với 5,9 nghìn tỷ đồng.

Ngay đầu năm 2023, nhiều doanh nghiệp đã phải gia hạn thanh toán trái phiếu đến thời điểm đáo hạn. Đơn cử, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) đã xin lùi thời gian trả nợ trái phiếu hơn 181 tỷ đồng. Đây là lô trái phiếu mã 30122017-01, phát hành ngày 30/12/2017 và đáo hạn vào ngày 30/12/2022 (kỳ hạn 5 năm). Công ty cho biết đang đàm phán và thỏa thuận với trái chủ để gia hạn, kéo dài thời gian trả nợ gốc và lãi theo quy định của pháp luật. Về nguyên nhân chậm thanh toán, DLG cho biết, do ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh kéo dài, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, đồng thời lãi suất tăng cao, tín dụng siết chặt… dẫn đến dòng tiền còn hạn chế, chưa đáp ứng theo kế hoạch thanh toán nợ.

Hay như Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang - Angimex (AGM) phải tổ chức hội nghị chủ sở hữu trái phiếu để xin ý kiến trái chủ về kế hoạch xử lý hai lô trái phiếu với mã AGMH2123001 và AGMH2223001. Trong đó, lô trái phiếu AGMH2123001 được phát hành vào ngày 9/11/2021 với tổng giá trị là 350 tỷ đồng và lô trái phiếu AGMH2223001 được phát hành vào ngày 14/3/2022 với tổng giá trị 300 tỷ đồng. Hồi cuối năm 2022, Angimex cũng tuyên bố mất khả năng thanh toán khi đến kỳ trả lãi (3 tháng/lần) đối với hai lô trái phiếu trên.

Ngoài ra, còn có nhiều doanh nghiệp khác đề nghị được giãn nợ, như Công ty Cổ phần Lâu đài trắng (Vũng Tàu) với kế hoạch thanh toán là ngày 5/1/2023 nhưng công ty này lại lùi sang ngày 28/2/2023; Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Vina2 (VC2) cũng công bố nghị quyết về kế hoạch thanh toán gốc, lãi của lô trái phiếu VC2H2122001 (150 tỷ đồng) thêm một năm.

Trước đó, thị trường cũng ghi nhận có nhiều doanh nghiệp thông báo chậm trả lãi trái phiếu như Công ty Hoàng Anh Gia Lai (302,8 tỷ đồng); Công ty Cổ phần Trung Nam (128,9 tỷ đồng); Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (5,6 tỷ đồng); Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bình Định (10,1 tỷ đồng); Công ty TNHH Đức Việt (24,1 tỷ đồng)...

Theo nhận định của các chuyên gia tài chính, khó khăn thanh khoản trái phiếu sẽ tiếp diễn trong năm nay. Áp lực đáo hạn sẽ tăng mạnh trở lại trong quý 2 và quý 3/2023 với giá trị lần lượt đạt 93.139 tỷ đồng và 89.488 tỷ đồng. Trong khi áp lực đáo hạn trái phiếu là rất lớn, các kênh huy động vốn đều đang tắc khiến doanh nghiệp khó tìm nguồn vốn đáo hạn. Thị trường lúc này dường như chỉ trông chờ vào “phép màu” nếu như Nghị định 65/2022 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế được sửa đổi, bổ sung một số điều.

Trong đó, có hướng đề xuất quy định cho phép các trái phiếu đã phát hành trước đây còn dư nợ thì được gia hạn với thời gian tối đa 2 năm. Nếu thành hiện thực, thì đây cũng chỉ được coi là giải pháp gỡ khó tạm thời cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu có thêm thời gian xoay xở dòng tiền để vượt qua giai đoạn đỉnh nợ năm 2023 - 2024. Nhưng về lâu dài, thì các doanh nghiệp cần đẩy mạnh tái cấu trúc phương án tài chính, sắp xếp tài sản đảm bảo, khơi thông dòng tiền, trong đó có cả việc xây dựng lại niềm tin cho các nhà đầu tư.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm