Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cần chính sách bắt buộc trong sử dụng dịch vụ công điện tử

Chủ nhật, 03/01/2016 - 10:02

(Thanh tra)- Đó là chia sẻ của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam với PV Báo Thanh tra xung quanh những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai nộp thuế điện tử (NTĐT).

Ngành Thuế là đơn vị tiên phong trong việc cung cấp các dịch vụ công điện tử cấp 4 đầu tiên cho các DN trên cả nước. Ảnh: NDO

+ Việc áp dụng công nghệ thông tin và thu thuế điện tử thời gian qua đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người nộp thuế, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, không ít DN vẫn e dè, chưa mặn mà với hình thức này. Theo ông, nguyên nhân là do đâu?

- Có thể nói ngành Thuế là đơn vị tiên phong trong các cơ quan hành chính Nhà nước chính thức cung cấp các dịch vụ công điện tử cấp 4 đầu tiên cho các DN trên cả nước. Do đó, những khó khăn cả về điều kiện pháp lý, hạ tầng kỹ thuật, thay đổi tâm lý và thói quen của DN và xã hội là những thách thức vô cùng lớn đối với ngành Thuế.

Một số nguyên nhân dẫn đến các DN đã đăng ký NTĐT nhưng còn e dè, chưa mặn mà với việc thực hiện NTĐT như DN không có số thuế phải nộp. Hiện nay có rất nhiều DN có số thuế phải nộp hàng tháng, hàng quý bằng 0. Do vậy, nhiều DN đã đăng ký NTĐT nhưng chưa có số thuế phát sinh để nộp. Nhiều DN không có tiền trong tài khoản của ngân hàng để NTĐT vì các giao dịch của DN vẫn sử dụng tiền mặt.

DN, đặc biệt là các Giám đốc/chủ DN chưa quen với hình thức nộp thuế, chưa tin tưởng vào việc bảo mật của chữ ký số và hệ thống thanh toán của các ngân hàng nên còn e ngại tiền nộp thuế có thể thất thoát.

Chúng ta cũng chưa có văn bản pháp lý bắt buộc phải NTĐT và không nhận nộp thuế qua các hình thức khác. Ngoài ra, còn do một số DN nợ ngân hàng nên không để tiền trong tài khoản ngân hàng để thực hiện NTĐT.

Mặc dù hiện nay ngành Thuế đã triển khai được 35 ngân hàng, tuy nhiên vẫn còn 1 số ngân hàng chưa kết nối với Tổng cục Thuế nên DN có tiền trong tài khoản ngân hàng này không NTĐT được.

Đối với việc thanh toán qua hệ thống của ngân hàng còn có nhiều vấn đề vướng mắc như: Phí dịch vụ chuyển tiền liên ngân còn cao, kho bạc Nhà nước chưa mở tài khoản đầy đủ ở các ngân hàng nên dẫn tới việc luân chuyển điện thanh toán còn phức tạp và phát sinh phí cho DN.

- Một bộ phận lớn người dân và DN vẫn sử dụng tiền mặt để giao dịch khá nhiều, trong đó có việc nộp thuế bởi hình thức này đã là thói quen ăn sâu… Vậy chúng ta phải có chính sách, cách thức gì để thay đổi thói quen đó?

+ Để thay đổi thói quen này cần phải có một quá trình tuyên truyền, vận động và đặc biệt là cần có thời gian để DN có thể thay đổi chính phương thức giao dịch trong nội bộ các DN để phù hợp với các hình thức dịch vụ công hiện đại, tiên tiến mà các đơn vị Nhà nước đã nỗ lực cung cấp.

Cụ thể ngành Thuế đã và đang thực hiện các biện pháp như sau: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền; phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thuế với ngân hàng để tổ chức các điểm hỗ trợ DN tìm hiểu NTĐT cũng như hỗ trợ DN đăng ký, NTĐT. Trong năm 2015, hàng tháng, các Cục Thuế/Chi cục Thuế thường đồng loạt tổ chức tuần lễ NTĐT trên cả nước.

Chỉ đạo sát sao công tác tổ chức triển khai của các Cục Thuế. Cục Thuế có công văn tới từng DN đã được ngành Thuế khen thưởng yêu cầu gương mẫu thực hiện NTĐT; có công văn yêu cầu các DN thường xuyên hoàn thuế phải thực hiện NTĐT để chuẩn bị cho triển khai hoàn thuế điện tử. Yêu cầu các đoàn thanh tra, kiểm tra, cán bộ đôn đốc nợ đưa vào biên bản nội dung nhắc nhở NTĐT. Đặc biệt với DN mới đăng ký kinh doanh phải đăng ký khai, NTĐT và nộp ngay thuế môn bài qua điện tử.

Tăng cường phối hợp triển khai NTĐT với các ngân hàng thương mại. Phối hợp với ngân hàng, kho bạc, cơ quan thuế địa phương để giải quyết các vấn đề vướng mắc phát sinh, khắc phục tình trạng giao dịch bị hoàn trả. Tranh thủ sự hỗ trợ của các đơn vị, tổ chức khác như UBND các tỉnh, TP, quận, huyện, Hội tư vấn thuế, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân tham gia trong quá trình NTĐT (ngân hàng, Cục Thuế, Chi cục Thuế, cán bộ thuế, DN).

Tiếp tục mở rộng kết nối với các ngân hàng thương mại trong nước và ngân hàng nước ngoài. Khuyến khích các ngân hàng mở rộng hoạt động các kênh NTĐT khác. Phối hợp, hỗ trợ các TVAN đẩy mạnh triển khai dịch NTĐT cho các DN trên cả nước.

Cả nước đã có trên 510 nghìn DN kê khai qua mạng, đạt gần 99% trên tổng số DN đang hoạt động. Ảnh: www.etax.net.vn

+ Để hoàn thành chỉ tiêu 90% DN NTĐT, Việt Nam cần có những giải pháp nào liên quan đến hệ thống pháp luật nói chung và ngành Thuế phải có những giải pháp ?

- Để hoàn thành chỉ tiêu 90% DN NTĐT, ngành Thuế cũng đã có báo cáo Bộ Tài chính, Chính phủ một số giải pháp tháo gỡ các khó khăn hiện tại.

Cụ thể như sau: Đối với Chính phủ và các Bộ, ngành: Cần có chính sách bắt buộc về việc sử dụng các dịch vụ công điện tử để các DN mới thành lập sẽ thực hiện ngay các dịch vụ này từ đầu; đối với các DN cũ, cần có thời gian để DN sẽ vận động và thay đổi trong quy trình quản lý của DN để phù hợp với các thay đổi mới. Đối với việc khai thuế qua mạng ngành Thuế đã phải mất 6 năm (từ 2009 - 2014) mới đạt được tỷ lệ trên 95%, dịch vụ NTĐT mới triển khai trong vòng 2 năm và hơn nữa lại liên quan đến tiền của DN nên với kết quả như hiện tại cũng đã cho thấy nỗ lực của không chỉ từ phía ngành Thuế mà còn là sự nỗ lực rất lớn từ phía DN để ủng hộ các yêu cầu cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ.

Đối với Bộ Thông tin Truyền thông và Ngân hàng Nhà nước: Cần có các chính sách hỗ trợ về giá dịch vụ chữ ký số và dịch vụ thanh toán qua Ngân hàng cho các giao dịch NTĐT nói riêng và các giao dịch thực hiện nghĩa vụ với NSNN của người dân (ví dụ như nộp bảo hiểm, nộp các loại phí khác...) để người dân yên tâm thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước.

Đối với các cơ quan hành chính Nhà nước: Cần có các quy định bắt buộc cho việc sử dụng, khai thác các dữ liệu điện tử của người dân, giảm thiểu tối đa việc yêu cầu người dân và DN khi đã sử dụng các dịch vụ công điện tử nhưng vẫn phải in phục hồi bằng giấy để làm việc với các cơ quan hành chính nhà nước là đơn vị thứ 3. Có như vậy người dân và DN mới thực sự cảm thấy thuận lợi và yên tâm hoàn toàn khi sử dụng các dịch vụ công điện tử.

Đối với DN: Ngoài hình thức tuyên truyền, vận động, khen thưởng như hiện tại, Chính phủ cần có cơ chế hoặc những ưu đãi cụ thể cho các DN được đánh giá thực hiện tốt các dịch vụ điện tử để DN thực sự quan tâm và chủ động thực hiện việc cải cách thủ tục hành chính theo yêu cầu của Chính phủ.

Ban Mai

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

SeABank đồng hành cùng doanh nghiệp SMEs phát triển bền vững, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn linh hoạt dịp cuối năm

SeABank đồng hành cùng doanh nghiệp SMEs phát triển bền vững, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn linh hoạt dịp cuối năm

(Thanh tra) - Nửa cuối năm 2024, nền kinh tế có nhiều biến động khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) phải đối mặt với nhiều áp lực tài chính. Để hỗ trợ SMEs vượt qua giai đoạn thách thức này, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB) chủ động triển khai những chính sách cụ thể với các giải pháp hỗ trợ như: Gói vay ưu đãi, lãi suất hỗ trợ... cùng quy trình thủ tục được “may đo” riêng biệt giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn thuận lợi và hiệu quả.

PV

11:41 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm