Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bộ Tài chính bác con số nợ công 66,4% GDP

Thứ bảy, 03/10/2015 - 08:38

Chiều 2/10, tại buổi họp báo thường kỳ quý III/2015 của Bộ Tài chính PV Tiền Phong chất vấn lãnh đạo ngành cùng các đơn vị liên quan nhiều vấn đề “nóng” trong phạm vi quản lý như số thực nợ công bao nhiêu, thông tin “quên” tái xuất hơn 2 triệu tấn xăng dầu, tình hình thu nợ thuế của các doanh nghiệp bị bêu tên…

Theo Bộ Tài chính, nợ công năm 2014 là 59,6% (số liệu báo cáo QH ngày 18/5). Ảnh: Đức Huy.

Thực hư nợ công 66,4% GDP

Liên quan vấn đề nợ công, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, con số nợ công năm 2014 lên mức 66,4% GDP như thông tin mấy ngày qua từ một đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Học viện Chính sách và Phát triển) là do cách tính không đúng quy định của Luật Quản lý nợ công.

Cụ thể, Thứ trưởng Mai cho biết, học viện này tính thêm chi phí dự phòng nợ bất khả kháng 5% vào nợ công. “Tính thêm chi phí này không đúng về tính toán nợ công theo quy định hiện hành tại Luật Quản lý nợ công. Các khoản được tính vào nợ công gồm có: nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ địa phương”, lãnh đạo Bộ Tài chính giải thích.

Nói thêm về thẩm quyền công bố số liệu nợ công, Thứ trưởng Mai khẳng định, Bộ Tài chính là cơ quan có trách nhiệm báo cáo các thông tin này với Quốc hội, Chính phủ và công khai thông tin với các cấp, các ngành cũng như tới người dân. Bà Mai dẫn báo cáo Quốc hội gần đây nhất vào ngày 18/5, chỉ số nợ công năm 2014 được tính toán là 59,6% GDP, trong đó nợ Chính phủ chiếm 47,4%, nợ Chính phủ bảo lãnh 11,3% và nợ địa phương là 0,8%. “Bộ Tài chính tiếp tục đối chiếu với các cơ quan chức năng và các nhà tài trợ về con số nợ công. Khả năng thực tế có thể giảm chút ít do các khoản bảo lãnh Chính phủ giảm so với ước tính”, Thứ trưởng Mai cho biết.

Hơn 2 triệu tấn xăng dầu đi đâu?

Trả lời PV Tiền Phong thông tin tạm nhập và “quên” tái xuất 2 triệu tấn xăng dầu mà một đại biểu Quốc hội từng nói, lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết: Số lượng xăng dầu này đã được tiêu thụ trong thị trường và đã hoàn thành các nghĩa vụ thuế liên quan.

Cụ thể, Phó Tổng cục trưởng Hải quan Nguyễn Công Bình nói: Sau khiTiền Phong đưa tin ngày 22/9, lãnh đạo ngành đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tìm hiểu. Kết quả cho thấy từ năm 2008  đến 2012 như đại biểu Quốc hội nêu, thống kê của ngành hải quan cho thấy các đầu mối kinh doanh xăng dầu đã tạm nhập khoảng 11,9 triệu tấn, trong khi tái xuất chỉ hơn 9,1 triệu tấn.

“Tính ra chênh hơn 2 triệu tấn. Số lượng này đã được các đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu hoàn thành thủ tục chuyển qua tiêu thụ nội địa và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế”, ông Bình nói và cho biết thêm, sắp tới, Tổng cục Hải quan sẽ công bố con số tạm nhập, tái xuất xăng dầu trong 2 năm gần đây (2013 và 2014).

Bội chi 9 tháng hơn 140 ngàn tỷ đồng

Một vấn đề nóng khác của ngành Tài chính đáng được quan tâm đó là công tác thu nợ đối với danh sách 600 doanh nghiệp nợ thuế lớn mà Bộ Tài chính từng bêu tên cuối tháng 7/2015. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Đại Trí cho biết, kể từ đó đến nay, ngành thuế mới thu nợ được khoảng 2.200 tỷ đồng (chiếm khoảng 19,6% tổng số nợ). “Đây là con số chưa được như mong muốn”, ông Trí thừa nhận. Cách đây khoảng 2 tuần, Tổng Cục trưởng Bùi Văn Nam đưa ra yêu cầu, đến ngày 30/9, toàn ngành thuế phải thu được ít nhất 50% tổng số nợ thuế của các doanh nghiệp bị bêu tên.

Báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính cho thấy, sau 9 tháng kể từ đầu năm 2014, cơ quan chức năng đã thanh tra, kiểm tra gần 52.000 doanh nghiệp (tăng khoảng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái), qua đó giảm khấu trừ và giảm lỗ hơn 16.000 tỷ đồng. Ngoài ra, ngành tài chính đã xử lý tăng thu khoảng 8.400 tỷ đồng và nộp ngân sách Nhà nước khoảng hơn 6.000 tỷ đồng.

Về số thu ngân sách sau 9 tháng, báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, con số này ước đạt 683.000 tỷ đồng, bằng 75% dự toán cả năm. Trong số này, thu nội địa được tính toán trên 504.000 tỷ đồng (bằng khoảng 79% dự toán và tăng khoảng 17,1% so với cùng kỳ năm ngoái).  Thu từ cân đối hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt trên 187.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, về thu từ dầu thô 9 tháng chỉ đạt 51.780 tỷ đồng, giảm 34,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Về chi ngân sách, con số được tính toán sau 9 tháng khoảng 823.970 tỷ đồng, bằng 71,8% so với dự toán. Tính ra, bội chi ngân sách đạt 140.970 tỷ đồng, xấp xỉ 62,4% dự toán cả năm.

Theo TPO

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

SeABank đồng hành cùng doanh nghiệp SMEs phát triển bền vững, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn linh hoạt dịp cuối năm

SeABank đồng hành cùng doanh nghiệp SMEs phát triển bền vững, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn linh hoạt dịp cuối năm

(Thanh tra) - Nửa cuối năm 2024, nền kinh tế có nhiều biến động khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) phải đối mặt với nhiều áp lực tài chính. Để hỗ trợ SMEs vượt qua giai đoạn thách thức này, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB) chủ động triển khai những chính sách cụ thể với các giải pháp hỗ trợ như: Gói vay ưu đãi, lãi suất hỗ trợ... cùng quy trình thủ tục được “may đo” riêng biệt giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn thuận lợi và hiệu quả.

PV

11:41 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm