Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bài toán tín dụng cho Đồng bằng sông Cửu Long

Chủ nhật, 22/12/2013 - 09:52

(Thanh tra) - Hai năm trở lại đây, kinh tế quốc tế, trong nước phục hồi chậm và tiếp tục khó khăn, nhưng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn đạt tốc độ tăng trưởng 10,13% (năm 2012) cao hơn tốc độ tăng trưởng của cả nước. Tuy nhiên, tốc độ phát triển này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của vùng…

Ngân hàng cần phát triển các sản phẩm tín dụng phù hợp với đặc thù địa phương vùng tại ĐBSCL.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có vai trò quan trọng trong chiến lược an ninh lương thực và xuất khẩu gạo của quốc gia, là nơi cung cấp trái cây, thủy sản lớn nhất của cả nước. Trong hai năm gần đây, kinh tế quốc tế, trong nước phục hồi chậm và tiếp tục khó khăn, nhưng ĐBSCL vẫn đạt tốc độ tăng trưởng 10,13% (năm 2012) cao hơn tốc độ tăng trưởng của cả nước. 

Mặc dù vậy, tốc độ phát triển của khu vực ĐBSCL vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của vùng, việc thu hút đầu tư còn gặp nhiều khó khăn, kết cấu hạ tầng còn nhiều bất cập,... Quy hoạch sản xuất, đầu tư phát triển và các chính sách, cơ chế cho việc khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng còn khá ngổn ngang; vốn đầu tư phát triển chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, những năm qua, ngành Ngân hàng đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp tín dụng, nhất là phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn cho vùng ĐBSCL. Nhờ đó, nguồn vốn tín dụng đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ nông dân mở rộng, phát triển sản xuất, chăn nuôi, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; thúc đẩy hình thành phát triển các vùng sản xuất hàng hóa… 

Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng cũng tích cực triển khai nhiều chương trình cho vay các đối tượng chính sách, xóa đói giảm nghèo; tài trợ an sinh xã hội tại khu vực, góp phần tích cực vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nghèo.

Tuy nhiên, hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) còn gặp một số khó khăn, hạn chế như: Nguồn vốn tín dụng chỉ mới đáp ứng được khoảng 78% nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế - xã hội của khu vực; hiệu quả đầu tư vốn tín dụng chưa cao, các sản phẩm tín dụng chưa phong phú… 

Thống kê cho biết, tính đến 31/8/2013, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn các tỉnh ĐBSCL đạt 228 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với cuối năm 2012; tổng dư nợ tín dụng đạt trên 300 nghìn tỷ, tăng 9,1% so với cuối năm 2012. Nhìn chung, tỷ lệ nguồn vốn huy động tại chỗ của khu vực mới chỉ đạt gần 77% nhu cầu vốn đầu tư cho vay trên địa bàn.

Liên quan đến những khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để phát triển sản xuất kinh doanh, nhiều chuyên gia đã chỉ ra những nguyên nhân thuộc về đặc thù tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội như thiên tai, dịch bệnh, điều kiện địa lý, khí hậu, trình độ dân trí thấp, sự nghèo khó và chậm phát triển kinh tế của vùng làm hạn chế khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng. 

Bên cạnh đó, nguyên nhân thuộc về phía khách hàng vay cũng tác động đến việc tiếp cận nguồn vốn sản xuất kinh doanh, như quản lý, sử dụng vốn, năng lực tài chính, điều hành còn yếu; không có phương án vay vốn khả thi; doanh nghiệp chưa chủ động trong việc tự tìm kiếm các giải pháp; hàng tồn kho đang ở mức cao, sức tiêu thụ hàng hóa chậm;...

Ý kiến khác cho rằng, các TCTD cần bám sát chủ trương quy hoạch và phát triển kinh tế - xã hội của khu vực để có chiến lược và định hướng tín dụng vào những khu vực, những ngành nghề trọng điểm nhằm khai thác được tiềm năng của vùng, đảm bảo chất lượng các khoản vay. 

Các ngân hàng cũng cần phát triển các sản phẩm tín dụng phù hợp với đặc thù địa phương, áp dụng các điều kiện cho vay linh hoạt; đồng thời tăng cường các nguồn vốn khác, đặc biệt là những nguồn vốn ưu đãi, các nguồn tín dụng ưu đãi nước ngoài FDI, ODA... Việc phát triển mạng lưới TCTD trong vùng, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa cũng sẽ góp phần tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận vốn ngân hàng...

Cùng với đó, các doanh nghiệp trên địa bàn cũng cần tích cực nâng cao năng lực quản lý điều hành; nâng cao năng suất, chất lượng lao động; chú trọng công tác xúc tiến thương mại chào bán sản phẩm tồn kho và mở rộng thị trường mới; điều chỉnh lại hoạt động, xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất, kinh doanh đảm bảo tính khả thi cao.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nói, hoạt động tín dụng có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của ĐBSCL. Tiếp thu các ý kiến của các chuyên gia, Ngân hàng Nhà nước sẽ kịp thời giải quyết các vấn đề tồn tại, vướng mắc về cơ chế, chính sách có liên quan để các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay, và tiếp cận được các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi về vốn, lãi suất cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực, mở rộng và thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách và an sinh xã hội. 

Tuy nhiên, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, để phát triển kinh tế các địa phương ĐBSCL cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện các chính sách, giải pháp. Việc xây dựng quy hoạch tổng thể một cách rõ ràng, chi tiết cho vùng, cho từng tỉnh, cũng như quy hoạch ngành nghề là rất cần thiết để trên cơ sở đó, ngành Ngân hàng có thể thực hiện việc cơ cấu nguồn vốn tín dụng hợp lý cho đầu tư phát triển.

Nhã Anh Cát

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

SeABank đồng hành cùng doanh nghiệp SMEs phát triển bền vững, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn linh hoạt dịp cuối năm

SeABank đồng hành cùng doanh nghiệp SMEs phát triển bền vững, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn linh hoạt dịp cuối năm

(Thanh tra) - Nửa cuối năm 2024, nền kinh tế có nhiều biến động khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) phải đối mặt với nhiều áp lực tài chính. Để hỗ trợ SMEs vượt qua giai đoạn thách thức này, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB) chủ động triển khai những chính sách cụ thể với các giải pháp hỗ trợ như: Gói vay ưu đãi, lãi suất hỗ trợ... cùng quy trình thủ tục được “may đo” riêng biệt giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn thuận lợi và hiệu quả.

PV

11:41 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm