Trong tuần này, Vương quốc Anh đã chủ trì và đồng tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Lương thực Toàn cầu tại Thủ đô London, cùng với Somali, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Tổ chức Quỹ đầu tư Trẻ em (CIFF) và Quỹ Bill & Melinda Gates.

Tại hội nghị, Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã công bố Sách Trắng Phát triển Quốc tế mới về tình trạng mất an ninh lương thực, đưa ra cách Anh sẽ hợp tác với các quốc gia để giải quyết tình trạng nghèo đói cùng cực và biến đổi khí hậu.

Bình luận về việc công bố Sách Trắng, ông Daniel Bruce, Giám đốc Điều hành Tổ chức Minh bạch Quốc tế Vương quốc Anh cho biết: “Việc Chính phủ Anh thừa nhận giải quyết vấn đề tài chính bất hợp pháp là rất quan trọng đối với các mục tiêu phát triển quốc tế là điều đáng hoan nghênh và giờ đây sẽ là cơ sở cho hành động".

Cũng theo ông Daniel Bruce, để đạt được mục tiêu đó, Chính phủ nên ưu tiên giải quyết vai trò của các nhà hỗ trợ chuyên nghiệp tại Vương quốc Anh và hợp tác với các lãnh thổ hải ngoại của Anh để thực hiện các cam kết mà họ đã đưa ra trong việc giới thiệu sổ đăng ký quyền sở hữu công ty đại chúng.

Giám đốc Điều hành Tổ chức Minh bạch Quốc tế Vương quốc Anh cho rằng, tham nhũng là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Anh, đối với sức khỏe toàn cầu cũng như hòa bình và an ninh. Cách tiếp cận toàn diện mà chiến lược này thực hiện nhằm giải quyết các vấn đề và mang lại tiến bộ trong những năm tới là một phương pháp tích cực.

“Nước Anh có tiềm năng đóng vai trò dẫn đầu trong việc trấn áp tham nhũng và chế độ kleptocracy [chế độ chính trị tham nhũng, nơi mà chính phủ tồn tại để làm giàu cá nhân và gia tăng thế lực chính trị của các thành viên chính phủ], nhưng chỉ khi duy trì cam kết kiên định với mục tiêu này. Chúng tôi mong muốn được làm việc với Chính phủ về những vấn đề này trong tương lai”, ông Daniel Bruce nói.

leftcenterrightdel
 Ông Daniel Bruce, Giám đốc Điều hành Tổ chức Minh bạch Quốc tế Vương quốc Anh. Ảnh: linkedin

Trong khi đó, ông Jonathan Cushing, Giám đốc Chương trình Y tế Toàn cầu, Tổ chức Minh bạch Quốc tế, bổ sung thêm: “Chúng tôi rất vui khi thấy Sách Trắng thừa nhận rằng tham nhũng và các dòng tài chính bất hợp pháp cản trở tiến trình hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững (SDG), cũng như tiếp tục tập trung vào việc hỗ trợ các quốc gia đạt được SDG 3 - Chăm sóc sức khỏe an toàn và dễ tiếp cận cho tất cả mọi người".

Tuy nhiên, theo ông Jonathan Cushing, điều quan trọng, nếu muốn đạt được tiến bộ thực sự về SDG 3 "thì chúng ta phải làm nhiều hơn nữa để giải quyết tham nhũng trong ngành y tế và khuyến khích Chính phủ hành động nhiều hơn để giải quyết tham nhũng trong ngành Y tế.”

Đồng quan điểm, bà Josie Stewart, Giám đốc Chương trình Quốc phòng và An ninh, Tổ chức Minh bạch Quốc tế cho rằng, việc thừa nhận tham nhũng là nguyên nhân gây ra xung đột là tích cực, nhưng Chính phủ nên đảm bảo rằng bản thân tham nhũng được coi là mối đe dọa đối với an ninh và ưu tiên giải quyết vấn đề đó một cách phù hợp.

"Chống tham nhũng không thể xếp sau các ưu tiên phòng ngừa xung đột rộng hơn. Tham nhũng không được kiểm soát, không được giải quyết vì hòa bình và ổn định trước mắt, có thể trở thành nơi sinh sản cho xung đột trong tương lai”, bà Josie Stewart nhấn mạnh.

Đức Anh