Ông Florin Citu là Thủ tướng Romania từ tháng 12/2020 đến tháng 10/2021. Ông bị bãi nhiệm khi không vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội ngày 5/10/2021.

Hiện, ông là Thượng nghị sĩ của Đảng Tự do Dân tộc (PNL).

Các công tố viên đã đề nghị điều tra cựu Thủ tướng Citu cùng cựu Bộ trưởng Y tế Romania Vlad Voiculescu (12/2020 - 4/2021) và Ioana Mihaila (4/2021 - 9/2021) vì cáo buộc mua số lượng vắc xin Pfizer và Moderna nhiều hơn đáng kể so với mức cần thiết trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2021 mà không có tài liệu hoặc đánh giá để giải trình cho việc mua hàng.

Theo cơ quan công tố, mặc dù Romania đã mua 37,6 triệu liều vắc xin trước tháng 1/2021 - đủ để tiêm chủng cho tất cả người dân Romania - nhưng 3 thành viên Nội các nêu trên lại đồng ý mua thêm 52,8 triệu liều, khiến ngân sách nhà nước tiêu tốn hơn 1 tỷ euro (1,09 tỷ USD) trước thuế giá trị gia tăng (VAT).

Trước cáo buộc, cựu Thủ tướng Citu và các cựu bộ trưởng y tế phủ nhận mọi hành vi sai trái.

“Tôi hoàn toàn tin tưởng vào luật pháp, công lý và tin rằng các thủ tục đang diễn ra sẽ làm sáng tỏ sự thật”, ông Citu nói trong một bài đăng trên Facebook và cho biết thêm rằng, ông luôn tôn trọng pháp luật.

Trong một bài viết trên Facebook cá nhân, cựu Bộ trưởng Y tế Vlad Voiculescu cho biết, các quyết định mua hàng chỉ do Thủ tướng khi đó đưa ra; đồng thời nói thêm rằng, số lượng liều vắc xin “là một quyết định được đưa ra trong điều kiện không chắc chắn về nguồn cung sẵn có, về sự biến đổi của chủng virus và nhu cầu về thuốc tăng cường".

leftcenterrightdel
Ông Florin Citu tham dự cuộc họp báo ở Bucharest, Romania, ngày 26/2/2020. Ảnh: George Calin/REUTERS 

Theo luật pháp Romania, các công tố viên cần có sự chấp thuận của Quốc hội và Tổng thống để điều tra và giam giữ nghị sĩ đương nhiệm cũng như các cựu bộ trưởng nội các về tội tham nhũng được cho là đã thực hiện khi họ còn đương chức.

Romania được xếp hạng là một trong những quốc gia nghèo nhất Liên minh châu Âu (EU).

Vào thời điểm ông Florin Citu bị bãi nhiệm, Romania đang rơi vào bế tắc chính trị, khiến cho nền kinh tế nước này thêm lao đao sau những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.

Romania cũng là quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp thứ hai trong EU sau Bulgaria. Nguyên nhân là bởi sự mất lòng tin vào các thể chế nhà nước, tâm lý hoài nghi vắc xin, cộng thêm hệ thống chăm sóc sức khoẻ yếu và tin giả về tiêm phòng COVID-19.

Dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy, cho đến nay, virus này đã khiến 68.590 người thiệt mạng tại đất nước 20 triệu dân.

Cả trước, trong và sau đại dịch COVID-19, hệ thống y tế Romania vốn đã phải đối mặt với nạn tham nhũng và thiếu đầu tư.

Ngay giữa tâm dịch, Giám đốc Điều hành Unifarm - công ty nhà nước chuyên mua thiết bị, thuốc cho các bệnh viện và cơ sở y tế công, bị cáo buộc tội lạm dụng chức vụ, nhận hối lộ.

Tháng 6/2020, Cơ quan Chống tham nhũng Romania cho biết, ông Adrian Ionel, Giám đốc Điều hành Unifarm, đã yêu cầu một công ty tư nhân đưa hối lộ 760.000 euro (gần 20 tỷ đồng) để đổi lấy một hợp đồng cung cấp 3 triệu khẩu trang y tế và 250.000 bộ đồ bảo hộ.

Được xem là thuộc nhóm những quốc gia tham nhũng nhất EU, báo cáo đánh giá gần đây của Nhóm Các quốc gia chống tham nhũng (GRECO) lưu ý rằng, Romania cần tiếp tục nâng cao hiệu quả của cả hệ thống để thúc đẩy tính liêm chính và ngăn ngừa tham nhũng trong chính quyền trung ương cũng như trong các cơ quan thực thi pháp luật.

Báo cáo xác định một số lĩnh vực cần cải thiện và bao gồm 26 khuyến nghị.

Chính quyền Romania dự kiến sẽ báo cáo lại cho GRECO về việc thực hiện các khuyến nghị của mình trước ngày 31/12/2024.
Ngọc Anh