Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Cầu Long Biên, một “chứng nhân lịch sử” của Thủ đô anh hùng

Thanh Thanh

Thứ tư, 09/10/2024 - 15:00

(Thanh tra) - Cho đến hôm nay, cầu Long Biên vẫn là biểu tượng không thể thay thế của Thủ đô Hà Nội, bởi kiến trúc cổ kính cùng những giá trị lịch sử lưu giữ qua hơn 122 năm. Cây cầu cũng "chứng kiến" hình ảnh những tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội để bộ đội ta vào tiếp quản theo Hiệp định Genève vào tháng 10/1954.

Ảnh sưu tầm

Với người Hà Nội, cầu Long Biên không chỉ là cây cầu nối hai bờ sông Hồng mà còn được ví như một “chứng nhân lịch sử”, nơi cùng Thủ đô Hà Nội trải qua bao biến cố, thăng trầm suốt nhiều thập kỷ qua.

Cầu Long Biên dài 2290 mét qua sông và 896 mét cầu dẫn, bao gồm 19 nhịp dầm thép và 20 trụ cao. Vào thời điểm khánh thành, cầu được ví von là tháp Eiffel nằm ngang khi là cầu dài thứ hai thế giới, chỉ sau cầu Brooklyn ở Mỹ.

Cầu Long Biên rộng 4,75 mét, chia thành 3 làn đường chính, ở giữa là đường sắt đơn, hai bên là làn đường dành cho xe ô tô, xe máy, xe đạp và luồng đi bộ ở phía ngoài cùng. 

Về kiến trúc, cầu ghi dấu ấn đặc biệt khi sở hữu thiết kế hài hòa trên kết cấu xếp tầng chặt chẽ tựa như dáng rồng uốn lượn, vừa mạnh mẽ, hiên ngang lại vô cùng mềm mại. Toàn bộ thân cầu được làm bằng thép chất lượng cao với kỹ thuật thi công hiện đại, đảm bảo được yếu tố thẩm mỹ, lẫn tính an toàn. 

Ảnh: T.T

Đến thời bình, cầu Long Biên là tuyến giao thông quan trọng, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương của người dân hai bờ sông Hồng. 

Cầu Long Biên được chính quyền Pháp khởi công xây dựng vào ngày 12/9/1898 với mục đích kết nối giao thông, dễ dàng khai thác thuộc địa.

3 năm sau vào ngày 3/2/1902, cầu Long Biên đã được xây dựng xong và lễ khánh thành diễn ra vào ngày 28/2/1902 với tên gọi ban đầu là Paul Doumer được đặt theo tên của toàn quyền Đông Dương, nhưng người dân vẫn quen gọi là cầu Sông Cái.

Và cho đến sau này, tên cầu Long Biên được gọi như hiện tại do Thị trưởng Hà Nội Trần Văn Lai đặt lại vào năm 1945.

Ảnh: T.T

Không những vậy, từ lâu, cầu Long Biên cũng đã trở thành một trong những biểu tượng của Hà Nội bởi nét đẹp độc đáo, nhiều bạn trẻ đến đây để check in, nhưng cũng có rất nhiều bạn trẻ muốn cảm nhận rõ dấu ấn của thời gian.

Nếu quan sát thật kỹ, chúng ta sẽ thấy được những nhịp cầu đã bị võng xuống, sự xuống màu của khung thép do chịu tác động của năm tháng thời gian, mới thây thêm tự hào về một kỳ quan có khả năng chống chịu trước mưa bom, đạn lạc của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ ác liệt nhất, dài ngày nhất trong lịch sử.

Vào ngày 2/9/1945, chiếc cầu đã dẫn lối cho đồng bào đến Thủ đô chứng kiến thời khắc Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình. 

Đến thời kháng chiến chống Mỹ, cầu đóng vai trò quan trọng trong đường chi viện cho chiến trường miền Nam. Vì thế, cầu đã trở thành trọng điểm bắn phá của không quân Mỹ với bao lần ném bom, bắn rốc két.

Quân đội Nhân dân Việt Nam đã anh dũng chiến đấu, tử thủ để bảo vệ thành cầu. Chiếc cầu cũng trở thành ụ pháo cao xạ cùng quân dân ta chống trả các đòn không kích của máy bay Mỹ để dần chiếm lĩnh trận địa.

Ảnh: T.T

Cầu Long Biên chính là "nhân chứng" chứng kiến biết bao sự kiện, hòa mình vào dòng chảy phát triển của đất nước. Cây cầu đã từng nằm ở trong top 2 cây cầu dài nhất thế giới, chỉ sau cây cầu Brooklyn bắc qua sông East-River của Mỹ. Cũng chính bởi mang đậm vẻ đẹp hoài cổ, xưa cũ mà cây cầu còn thu hút được nhiều du khách là người nước ngoài ghé thăm.

Ảnh: T.T

Trong những năm qua, cầu Long Biên đã nhiều lần được bảo dưỡng, đại tu. Những vị trí xuống cấp của cây cầu hơn trăm tuổi này luôn được rà soát, phục chế lại sao cho vừa đảm bảo nguyên mẫu, vừa chịu tải như vốn có để đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân.

Ảnh: T.T

Ngày nay, Hà Nội đã có thêm nhiều cây cầu bắc qua sông Hồng như: Cầu Chương Dương, cầu Thăng Long, cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, cầu Nhật Tân. Nhưng cầu Long Biên vẫn là biểu tượng không thể thay thế của Thủ đô, bởi kiến trúc cổ kính cùng những giá trị lịch sử lưu giữ qua hơn 122 năm.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm
//