Xử lý nghiêm các trường hợp thiếu trách nhiệm trong tổ chức THA

Theo báo cáo công tác THADS, năm 2021, Tổng cục THADS đã kịp thời tham mưu các cấp có thẩm quyền ban hành và phối hợp ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản về phòng chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực. Các đơn vị thuộc Tổng cục THADS thường xuyên rà soát các văn bản pháp luật liên quan đến các lĩnh vực quản lý của đơn vị, từ đó kiến nghị cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ các quy định không phù hợp, không chặt chẽ hoặc sơ hở, chồng chéo, có thể dẫn đến hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp thiếu trách nhiệm hoặc có vi phạm, thiếu sót trong tổ chức THA. Các cục THADS phải tổ chức kiểm tra toàn diện ít nhất 1/3 số đơn vị trên địa bàn. 100% các cục, chi cục THADS phải thực hiện công tác tự kiểm tra, trong đó, tập trung kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm những việc THA cho tổ chức tín dụng, thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; công tác quản lý vật chứng, tài sản tạm giữ. Đến nay cơ bản đã hoàn thành việc tự kiểm tra, kiểm tra theo đúng yêu cầu.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo ngành THADS tiến hành rà soát lại kế hoạch kiểm tra để đổi mới, linh hoạt, phù hợp với bối cảnh. Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS đã thành lập 15 đoàn kiểm tra định kỳ, đột xuất, toàn diện và chuyên đề các nội dung liên quan đến việc thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ; công tác xác minh, phân loại điều kiện THA, bán đấu giá tài sản THA, trình tự, thủ tục THA... Bộ Tư pháp đã tiến hành 7 cuộc thanh tra hành chính, thanh tra đột xuất, thanh tra để phục vụ công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến THADS địa phương.

Tại địa phương, ngoài việc yêu cầu cơ quan THADS báo cáo công tác, HĐND đã thực hiện và ban hành kết luận đối với 105 cuộc giám sát công tác THADS. Hoạt động thanh tra, kiểm tra giám sát của các cơ quan có thẩm quyền đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về THADS; kịp thời phát hiện các sai phạm, khắc phục các hậu quả và chấn chỉnh, xử lý nghiêm; quyết tâm thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong các cơ quan THADS. Nhiều cán bộ, không kể là công chức hay lãnh đạo nếu sai phạm đều bị xử lý nghiêm.

Tính riêng 9 tháng đầu năm 2021, kết quả THA cơ bản giữ được nhịp so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, về việc, trong số có điều kiện đã thi hành xong 375.338 việc, đạt 63,93%, tăng 1,16% so với cùng kỳ năm 2020. Về tiền, trong số có điều kiện thi hành đã thi hành xong hơn 35.235 tỷ 965 triệu đồng, đạt 23,31%. “Kết quả này thể hiện sự khẩn trương, nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành, đổi mới phương thức tổ chức công việc phù hợp, chủ động thực hiện các biện pháp để bảo đảm thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo kế hoạch công tác của các cơ quan THADS địa phương”, báo cáo nêu rõ.

Nhiều vụ THA tài sản có giá trị lớn phải tạm dừng

9 tháng qua, mặc dù đã rất nỗ lực, cố gắng nhưng kết quả THADS vẫn chưa được như mong muốn, tỷ lệ thi hành xong về tiền có giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2020 (giảm 0,75%).

Theo Tổng Cục THADS, nguyên nhân chủ yếu là do đại dịch Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp trong toàn quốc. Trong bối cảnh đó, hoạt động THADS bị gián đoạn, có nhiều vụ việc THA tài sản có giá trị lớn đang trong quá trình xử lý hoặc chuẩn bị giao tài sản thì phải tạm dừng.

Đặc biệt, kể từ tháng 6/2021, do dịch bùng phát phức tạp nên nhiều địa phương phải thực hiện cách ly, phong tỏa, đặc biệt là các địa phương có lượng việc, tiền lớn là TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Đồng Nai và các tỉnh phía Nam... Tổng số phải thi hành của 23 tỉnh/thành phố đang phong tỏa do dịch là 490.942 việc (chiếm 61,67% so với toàn quốc), tương ứng với hơn 224.985 tỷ đồng (chiếm 79,29% so với toàn quốc).

Với cơ chế ủy thác THA, hiện nay trong nhiều vụ việc, mặc dù tài sản đã được bản án tuyên kê biên, có thể xử lý ngay nhưng do nằm ở nhiều địa phương khác nhau nên theo quy định, các cơ quan THADS phải xử lý xong tài sản ở nơi đang tổ chức thi hành rồi mới có thể ủy thác đến nơi có tài sản khác. Điều này đã làm thời gian THA kéo dài. Đồng thời, việc chưa có cơ chế xử lý đối với các tài sản là quyền sử dụng đất nông nghiệp đã hết thời hạn sử dụng hoặc người phải THA chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... cũng là nguyên nhân dẫn đến việc THA chưa hiệu quả.

Ngoài ra, Tổng cục và các cơ quan THADS đã quyết liệt thực hiện các giải pháp PCTN theo chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhưng nhận thức của lãnh đạo một số địa phương về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của công tác PCTN, tiêu cực còn hạn chế, dẫn đến việc triển khai thực hiện còn hình thức, hiệu quả công tác kiểm tra, phát hiện tham nhũng, tiêu cực chưa cao. Việc thực hiện chế độ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong PCTN có lúc, có nơi còn chưa nghiêm. Tính chất vi phạm trong các vụ việc liên quan đến tiêu cực, tham nhũng ngày càng phức tạp, tập trung vào lĩnh vực quản lý tiền, tài sản, tang vật, nghiệp vụ thi hành án như thẩm định giá, bán đấu giá tài sản…

THA ngay khi hết thời gian giãn cách

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, những tháng cuối năm 2021 và 2022, toàn hệ thống THADS cần tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm, đúng tiến độ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được đưa ra tại chương trình hành động của hệ thống THADS triển khai thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/BCSĐ ngày 3/4/2020 của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp về lãnh đạo thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong ngành Tư pháp, giai đoạn 2020-2025; chương trình hành động đẩy mạnh phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, sai phạm trong THADS giai đoạn 2021-2025…

Chỉ đạo tập trung rà soát hồ sơ, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức THA ngay sau khi hết thời gian giãn cách chống dịch Covid-19. Trong đó, tập trung vào những địa bàn trọng điểm, những vụ việc có giá trị lớn, đặc biệt là một số vụ việc THA kinh tế, tham nhũng có tài sản đảm bảo giá trị lớn.

Tăng cường kỷ cương, kỷ luật, phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động THADS; phối hợp với các cơ quan chức năng để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm, thiếu sót phát sinh trong quá trình tổ chức THA.

Đồng thời, các đơn vị thuộc Tổng cục và các cơ quan THADS địa phương khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch PCTN, tiêu cực năm 2022.

Tiếp tục tăng cường tự kiểm tra, kiểm tra chuyên đề hoặc kiểm tra đột xuất đối với các lĩnh vực có nguy cơ cao xảy ra tiêu cực, tham nhũng. Tổng cục THADS sẽ thành lập tổ thẩm tra do lãnh đạo Tổng cục làm tổ trưởng và tiến hành hậu kiểm đối với các cơ quan, đơn vị kiểm tra còn hình thức, có nhiều vi phạm, có dấu hiệu không thực hiện kết luận kiểm tra hoặc có thực hiện nhưng không đúng nội dung kết luận, kiến nghị, kịp thời phát hiện tham nhũng, tiêu cực và xử lý hoặc kiến nghị xử lý theo thẩm quyền đối với tập thể, cá nhân có vi phạm.

Thái Hải