Sau cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối ngày 2/12, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an tiếp tục trao đổi với báo chí liên quan đến vụ cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung.

Theo Thiếu tướng Tô Ân Xô, ông Nguyễn Đức Chung liên quan đến 3 vụ án.

Ngày 11/12, tới đây, TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án "chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước” liên quan đến vụ án Công ty Nhật Cường. Trong vụ án này, ông Nguyễn Đức Chung là một trong 4 bị cáo.

Cũng liên quan đến vụ án “chiếm đoạt tài sản bí mật Nhà nước”, kết luận điều tra, các trạng xác định, một số điện thoại di động được ông Chung sử dụng để liên lạc với bị can Dũng là thuê bao di động của nước Nga do người quen (đã mất) tặng cho cựu Chủ tịch Hà Nội cùng Iphone. Sau khi bị can Trung và Ngọc bị bắt, bị can Chung đã vứt bỏ vào tối ngày 14/7.

Thiếu tướng Tô Ân Xô cho rằng, việc sử dụng sim điện thoại của Nga là quyền cá nhân của ông Chung. “Người bình thường cũng có thể sử dụng nhiều sim khác nhau. Có sim rác, có sim đăng ký, cũng có khi sim bạn cho”, Chánh Văn phòng Bộ Công an nói.

leftcenterrightdel
 Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an. Ảnh: CTV

Về tình hình sức khỏe của ông Chung trong trại giam, theo ông Xô, hiện nay vẫn bình thường.

“Theo thông tin mới nhất từ lãnh đạo Cơ quan An ninh điều tra cho biết trong lần kiểm tra sức khỏe mới đây nhất tại 1 bệnh viện của Hà Nội, sức khỏe của ông Chung là bình thường, không có gì đặc biệt hay có bệnh gì nghiêm trọng”, Thiếu tướng cho hay.

Còn về bệnh ung thư, ông Xô cho rằng là tiền sử, sau khi đi điều trị thì đến nay “bệnh không phát triển nữa”.

Cũng theo ông Xô, hiện ông Chung vẫn phải dùng thuốc do bác sỹ kê đơn và do gia đình chuyển vào.

Ngoài vụ án trên, ông Chung còn liên quan đến 2 vụ án khác.

Thứ nhất, vụ án buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; rửa tiền; vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường.

Vụ án thứ hai là vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại UBND Hà Nội và các đơn vị liên quan.

Chánh Văn phòng Bộ Công an thông tin, hai vụ này, các cơ quan đang tiếp tục điều tra, thu thập chứng cứ để biết ông Chung liên quan đến mức nào.

“Trách nhiệm của người đứng đầu cũng là liên quan, hay đưa ra quyết định nào không phù hợp cũng là liên quan”, Thiếu tướng Tô Ân Xô nói.

4 bị cáo trong vụ án "chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước” gồm: ông Nguyễn Đức Chung (sinh năm 1967, cựu Phó Bí thư Thành ủy, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội); Phạm Quang Dũng (sinh năm 1983, cựu cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; Bộ Công an); Nguyễn Hoàng Trung (sinh năm 1983, cựu cán bộ Công an TP Hà Nội, biệt phái công tác tại Phòng Thư ký Biên tập, Văn phòng UBND TP Hà Nội); Nguyễn Anh Ngọc (sinh năm 1974, cựu Phó Trưởng Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội, biệt phái công tác và giữ chức vụ Phó trưởng Phòng Thư ký Biên tập, Văn phòng UBND TP Hà Nội).

Theo cáo trạng, bị cáo Nguyễn Đức Chung và vợ là Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa là những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án Công ty Nhật Cường, thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.

Để nắm được thông tin, tài liệu điều tra của vụ án Nhật Cường, bị cáo Nguyễn Đức Chung liên hệ và đề nghị Phạm Quang Dũng (cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu) cung cấp thông tin, tài liệu về vụ án.

Trong thời gian từ 7/2019- 6/2020, thực hiện đề nghị của bị cáo Nguyễn Đức Chung, bị cáo Phạm Quang Dũng đã 5 lần chiếm đoạt 9 tài liệu thuộc danh mục bí mật Nhà nước độ “mật”, liên quan đến vụ án Công ty Nhật Cường. Trong đó, bị cáo Dũng đã chuyển cho bị cáo Chung 2 lần, gồm 6 tài liệu thuộc danh mục bí mật Nhà nước độ “mật”.

Đối với 2 bị cáo: Nguyễn Hoàng Trung và Nguyễn Anh Ngọc, cáo trạng xác định đã một lần tham gia in, chỉnh sửa ba tài liệu “mật” cho bị cáo Nguyễn Đức Chung.