Thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quy định của pháp luật về PCTN, các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhằm chủ động phòng ngừa hành vi tham nhũng trên địa bàn tỉnh. Xác định công tác PCTN là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa lâu dài; là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, trước hết là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương.

Chuyển đổi vị trí công tác đối với 216 cán bộ

Thực hiện Luật PCTN 2018; Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 1/7/2019 của Chính phủ; Nghị định số 134/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ, trong thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND tỉnh về chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức, qua đó góp phần phòng ngừa tham nhũng, tăng cường công tác cải cách hành chính (CCHC), nâng cao chất lượng hoạt động công vụ của công chức, viên chức, tạo môi trường thuận lợi cho công chức, viên chức rèn luyện, phát huy và nâng cao năng lực công tác.

Trong 9 tháng qua, Quảng Bình có 35/37 cơ quan, đơn vị, địa phương đã ban hành kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức năm 2024. Tổng số công chức, viên chức cần chuyển đổi trong năm 2024 theo kế hoạch của các cơ quan, đơn vị, địa phương là 186 vị trí. Toàn tỉnh đã chuyển đổi vị trí công tác đối với 216 người. Cụ thể: Chuyển nội bộ 69 người; chuyển đổi giữa các đơn vị thuộc, trực thuộc 147 người (trong đó công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý 19 người).

Năm 2024, CCHC tiếp tục được UBND tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm thúc đẩy thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Kế hoạch CCHC năm 2024 với chủ đề là “Sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” được triển khai trên 7 lĩnh vực và đặt ra 36 nhiệm vụ cụ thể; trong đó, xác định “CCHC phải gắn với nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy hành động, sáng tạo; đổi mới lề lối làm việc, phương thức quản trị hiện đại, trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, thực hiện chuyển đổi số trong các hoạt động của cơ quan Nhà nước”.

UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh nhằm hiện đại hóa hành chính. Đến nay, 100% sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện và UBND cấp xã đã kết nối Internet. Mạng diện rộng (WAN) của tỉnh được triển khai trên nền tảng mạng truyền số liệu chuyên dùng đã kết nối đến 100% sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, xã. Ngành Ngân hàng cùng với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai chương trình thu học phí và các khoản phải thu không dùng tiền mặt. Mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành chương trình thu học phí và các khoản phải thu không dùng tiền mặt đến 100% các trường trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Riêng ngành Y tế, 100% các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã triển khai thực hiện thu viện phí và các khoản phải thu không dùng tiền mặt.

Thu hồi nhiều khoản tiền sai phạm về ngân sách

Công tác thanh tra, kiểm toán và việc phát hiện, xử lý các vụ việc tham nhũng đã thu được một số kết quả đáng ghi nhận. Trong 9 tháng, toàn ngành Thanh tra đã triển khai thực hiện 216 cuộc thanh tra, kiểm tra, gồm: 45 cuộc thanh tra hành chính, 171 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.

Cụ thể, qua thanh tra hành chính, phát hiện sai phạm 8.515,1 triệu đồng; thu hồi về ngân sách Nhà nước 8.471,8 triệu đồng. Trong thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, phát hiện số tiền vi phạm 904,8 triệu đồng; kiến nghị thu hồi 870,1 triệu đồng; kiến nghị xử lý khác 34,7 triệu đồng.

Trong xem xét phản ánh, báo cáo về hành vi tham nhũng; việc phát hiện, xử lý tham nhũng qua xem xét phản ánh, báo cáo về hành vi tham nhũng và qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong 9 tháng năm 2024, toàn ngành Thanh tra tỉnh đã tiếp nhận 1.221 đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị thuộc thẩm quyền, trong đó đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết 82 đơn, tố cáo 12 đơn, kiến nghị, phản ánh 1.127 vụ việc thuộc thẩm quyền.

Về điều tra, truy tố, xét xử các vụ tham nhũng trong phạm vi theo dõi, quản lý của bộ, ngành, địa phương, phát hiện tài sản thiệt hại hơn 1,8 tỷ đồng, đã thu hồi hơn 840 triệu đồng.

leftcenterrightdel
Xét xử vụ án tham nhũng đối với một chủ tịch xã. Ảnh: BQB 

Nhìn chung, việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN đã được các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh tổ chức thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, có hiệu quả, phát huy ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, tổ chức, đơn vị trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đấu tranh phòng ngừa tham nhũng; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát về thanh tra; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Các cơ quan báo chí đã chủ động phối hợp, tiếp cận với các cơ quan, đơn vị để thu thập và đưa tin về công tác PCTN, lãng phí, kịp thời phát hiện và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các vụ việc tham nhũng; nêu gương những điển hình tốt, tích cực trong đấu tranh chống tham nhũng, tạo dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ.

Tình hình tham nhũng hiện vẫn đang được kiềm chế, công tác PCTN có chuyển biến tích cực. So với cùng kỳ năm trước, công tác PCTN và phát hiện tham nhũng hiệu quả hơn: Số vụ án, số bị can được phát hiện, khởi tố mới tăng (kỳ trước 6 vụ/7 bị can, kỳ này 8 vụ/8 bị can); số vụ án, số bị cáo đã được đưa ra xét xử tăng (kỳ này 10 vụ/11 bị cáo); giá trị tài sản tham nhũng thu hồi cao hơn kỳ trước.

Tuy nhiên, công tác PCTN vẫn còn một số tồn tại. Việc tuyên truyền và nội dung tuyên truyền, giáo dục về PCTN chưa thật sự hấp dẫn; số báo, đài có chuyên trang, chuyên mục về PCTN còn ít và chưa duy trì thường xuyên. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, quần chúng về công tác PCTN còn hạn chế, dẫn tới hiệu quả việc phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về PCTN chưa cao.

Công tác phát hiện các vụ việc, vụ án tham nhũng còn ít; việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ vẫn là khâu yếu; các vụ việc tham nhũng được phát hiện chủ yếu thông qua tin báo tội phạm, báo chí, phản ánh của Nhân dân.

Lê Hữu Chính