Nợ từ ngân hàng trong nước đến ngoài nước

Công ty Cổ phần Cao su Đắk Lắk (trụ sở phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột), là doanh nghiệp được chuyển đổi cổ phần hóa theo quyết định của UBND tỉnh Đắk Lắk vào năm 2016. Công ty này có vốn thuộc sở hữu Nhà nước chiếm 99%. Công ty này kinh doanh nhiều lĩnh vực khác nhau như: Trồng, khai thác, chế biến cao su; kinh doanh nhà hàng, khách sạn…

Theo tài liệu của PV, thời gian qua, bức tranh kinh doanh của doanh nghiệp này không được “sáng” bởi nhiều nguyên do như: Nhu cầu thị trường mặt hàng chỉ thun giảm, dẫn đến sản lượng tiêu thụ đầu ra giảm đáng kể trong quý I năm 2024, giảm khoảng 121 tỷ đồng; Giá mủ cao su trên toàn thế giới giảm làm cho doanh thu bán mủ cao su giảm. Doanh thu năm nay sụt giảm tương ứng giảm 19% doanh thu so với năm trước, làm cho lợi nhuận gộp toàn công ty năm nay giảm 32,72% so với năm trước.

Việc kinh doanh không được thuận lợi, Công ty Cổ phần Cao su Đắk Lắk đang “cõng” nhiều món nợ “khủng” cho nhiều gói vay ngắn hạn và dài hạn. Cụ thể, Công ty này vay ngắn hạn Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh Đắk Lắk năm 2022. Mục đích vay nhằm bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Lãi suất vay tùy từng thời điểm nhận nợ, thời hạn vay dưới 12 tháng.

leftcenterrightdel
Nông trường Cư Kpô đang cho nhiều đơn vị liên kết để sản xuất. Ảnh: Anh Minh

Hợp đồng cho vay có hạn mức tín dụng: 10.000.000.000 đồng vào năm 2023; thời hạn vay 9 tháng; lãi suất vay theo từng khế ước vay; mục đích sử dụng bổ sung vốn lưu động phục vụ cho hoạt động trồng, sản xuất, kinh doanh chuối…

Vay ngắn hạn Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Đắk Lắk vào 2023. Mục đích vay là bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Lãi suất vay tùy từng thời điểm nhận nợ, thời hạn vay dưới 12 tháng…

Vay Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam – Chi nhánh Lào vào năm 2021 để bổ sung vốn lưu động với lãi suất ban đầu 9%/năm đối với khoản nợ bằng LAK và 6%/năm đối với khoản nợ bằng USD (lãi suất sẽ điều chỉnh định kỳ theo thông báo của Ngân hàng). Thời hạn vay 7 tháng, hạn mức vay 40 tỷ LAK…

Vay ngắn hạn Ngân hàng TMCP Phát triển thành phố Hồ Chí Minh – Chi nhánh Đắk Lắk năm 2023. Mục đích vay là bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Lãi suất vay tùy từng thời điểm nhận nợ, thời hạn vay dưới 12 tháng…

Vay ngắn hạn Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Đắk Lắk năm 2023. Mục đích vay là bổ sung lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Hạn mức vay của hợp đồng là 10.000.000.000 đồng, lãi suất được xác định tùy từng thời điểm nhận nợ, thời hạn của mỗi khoản vay tối đa là 7 tháng kể từ ngày tiếp theo của ngày giải ngân…

Vay ngắn hạn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam – Chi nhánh Bắc Đắk Lắk năm 2023. Mục đích vay là để bổ sung vốn lưu động phục vụ cho hoạt động sản xuất chỉ thun tại Chi nhánh Nhà máy chế biến chỉ thun, giai đoạn 2023-2024. Hạn mức cấp tín dụng là 5.000.000.000 đồng, thời gian duy trì hạn mức tín dụng là 12 tháng, lãi suất và thời hạn cho vay được xác định theo từng giấy nhận nợ…

Vay ngân hàng Việt Lào năm 2022, hạn mức tín dụng 50.000.000.000 LAK để bổ sung vốn lưu động. Thời hạn vay 12 tháng, lãi suất theo mức lãi suất áp dụng của LaoVietBank trong từng thời kỳ, thể hiện trong bản cam kết rút vốn từng lần cụ thể. Tài sản thế chấp là Quyền sử dụng đất theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 291 và 293 do Phòng quản lý đất đai Champasak cấp ngày 31/3/2009 cùng với tài sản gắn liền trên đất, Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất theo Giấy phép cấp quyền sử dụng đất Nhà nước số 03/2009 do Cơ quan quản lý đất đai tỉnh Champasak cấp ngày 24/08/2009 và một số tài sản là máy móc thiết bị chế biến mủ…

leftcenterrightdel
Nông trường Cư Kpô (Công ty cổ phần cau su Đắk Lắk) đang vướng vào một số tranh chấp pháp lý khi cho một số đơn vị  "liên kết" để sản xuất. Ảnh: Anh Minh

Vay cả tiền của cán bộ, công nhân viên

Bên cạnh các khoản vay ngắn hạn, Công ty Cổ phần Cao su Đắk Lắk còn vay dài hạn từ năm 2014 với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam - Chi nhánh Lào với tổng giá trị 160.000.000.000 LAK, lãi suất 6,5%/năm (vay USD) và 11%/năm (vay LAK) để “trả nợ Công ty Cổ phần Đầu tư Cao su Đắk Lắk đã đầu tư vào dự án phát triển cao su, cà phê, điều của Công ty TNHH cao su Đắk Lắk tại các tỉnh Nam Lào”, thời hạn vay 11 năm.

Vay dài hạn cán bộ công nhân viên theo quyết định số 126/QĐ-CT ngày 29/03/2013 không quy định thời hạn vay cụ thể. Mục đích vay là để cho Công ty CP Chỉ thun Cao su Đăk Lăk (nay là Công ty CP Cao su Đăk Lăk) phục hoạt động sản xuất kinh doanh, lãi suất vay tính theo lãi suất ngân hàng tại từng thời điểm.

Vay Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Cgi nhánh Đắk Lắk năm 2022. Hạn mức cho vay 30.808.000.000 đồng, mục đích vay vốn dùng để thanh toán các chi phí đầu tư hợp pháp của Dự án tái canh vườn cao su 389,45ha tại huyện Đăk Mil và Đăk Song tỉnh Đắk Nông, thời gian cho vay 144 tháng tính từ lần giải ngân đầu tiên, lãi suất cho vay cụ thể theo từng giấy nhận nợ, lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất trong hạn…

Dù đang là “con nợ” của nhiều nơi, song Công ty cổ phần Cao su Đắk Lắk "rất bạo tay" khi chi mức lương khủng cho dàn lãnh đạo. Đơn cử, mức lương quý I/2024 của Hội đồng Quản trị gồm: Ông Nguyễn Viết Tượng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị được trả 76.632.000 đồng; ông Bùi Quang Minh 74.190.000 đồng; ông Nguyễn Độ 57.324.000 đồng; ông Nguyễn Minh 55.708.000 đồng; ông Nguyễn Trần Giang 57.024.000 đồng.

Với mức lương trên, nhiều thành viên của Hội đồng Quản trị được hưởng lương cao hơn Chủ tịch UBND tỉnh. Cụ thể, lương của Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định chỉ hơn 13.000.000 đồng/tháng, còn vị Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty đang nợ như “chúa chổm” này được nhận mức lương hơn 25.000.000 đồng/tháng, cao gần gấp đôi lương Chủ tịch UBND tỉnh.

Không chỉ gây chú ý bằng việc chi lương “khủng” cho “các sếp”, thời gian qua, Công ty Cổ phần Cao su Đắk Lắk còn được dư luận quan tâm khi Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố nhiều đối tượng để điều tra vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí tại doanh nghiệp này.

Cụ thể, vào năm 2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố Võ Tiến Hùng - nguyên Phó phòng Kỹ thuật Kế hoạch đầu tư và Văn Đức Lư - nguyên Tổng Giám đốc Công ty.

Mới đây, hồi tháng 4/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố bị can đối với Bùi Quang Ninh - thành viên Hội đồng Quản trị - Tổng Giám đốc DAKRUCO để điều tra về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra năm 2002-2012 tại công ty.

Anh Minh