Để khắc phục, cải thiện, nâng cao chỉ số đánh giá công tác PCTN trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong những năm tiếp theo, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện.

I. Mục đích, yêu cầu

1. Mục đích

- Nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các quy định của hoạt động quản lý Nhà nước về công tác PCTN, tiêu cực; khắc phục những điểm còn tồn tại trong đánh giá công tác PCTN, tiêu cực hàng năm của Thanh tra Chính phủ trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong những năm tiếp theo.

- Tạo sự chuyển biến về công tác PCTN, tiêu cực trong thời gian tới; củng cố, tăng cường nhận thức, hành động, niềm tin của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước trong công tác PCTN, tiêu cực; thực hiện công tác PCTN, tiêu cực có hiệu quả, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.

- Là cơ sở để các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại và đề ra các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác PCTN, tiêu cực, nâng cao chất lượng đánh giá công tác PCTN theo “Bộ chỉ số đánh giá công tác PCTN hàng năm của Thanh tra Chính phủ”.

2. Yêu cầu

- Cụ thể hóa các quy định của pháp luật về PCTN, tiêu cực phù hợp với điều kiện thực tế của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các quy định về PCTN, tiêu cực; thường xuyên kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN nhằm phát hiện, kịp thời xử lý, ngăn chặn các hành vi tham nhũng, tiêu cực.

- Nâng cao ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị và đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong việc quán triệt, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về công tác PCTN, tiêu cực. Lấy kết quả công tác PCTN, tiêu cực là thước đo đánh giá phẩm chất, năng lực, trách nhiệm và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

- Công tác PCTN, tiêu cực của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương phải được triển khai cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện thực tế, tránh hình thức. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để tiếp tục lãnh đạo thực hiện các giải pháp thiết thực, hiệu quả trong công tác PCTN, tiêu cực trên địa bàn toàn tỉnh.

II. Nhiệm vụ, giải pháp thực hiện

1. Công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, tiêu cực

1.1. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về công tác PCTN, tiêu cực; triển khai đồng bộ các quy định của pháp luật về phòng ngừa tham nhũng theo quy định, trong đó tập trung vào một số nội dung cụ thể sau:

- Ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác PCTN, tiêu cực đảm bảo yêu cầu về mặt nội dung và tính kịp thời.

- Việc xây dựng chương trình, kế hoạch PCTN, tiêu cực hàng năm phải đảm bảo về mặt hình thức văn bản và nội dung cụ thể, phù hợp với việc tổ chức triển khai thực hiện của cấp, ngành, cơ quan, đơn vị mình; xác định mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể rõ ràng, phân công bố trí nguồn lực thực hiện; tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện và đề xuất, kiến nghị việc xây dựng và hoàn thiện thể chế về công tác quản lý kinh tế - xã hội để phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng theo quy định.

1.2. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, tiêu cực

- Tập trung chỉ đạo, xây dựng kế hoạch triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các quy định của Trung ương, của tỉnh, ngành, địa phương về PCTN, tiêu cực đảm bảo hiệu quả với nhiều phương pháp, hình thức sáng tạo khác nhau; gắn công tác tuyên truyền phát huy dân chủ ở cơ sở với các cuộc vận động lớn trên địa bàn tỉnh và việc tiếp tục đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trong tỉnh.

- Các văn bản tập trung triển khai như: Luật PCTN năm 2018; Chỉ thị số 04-CT/TW, ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế”; Kết luận số 05-KL/TW, ngày 03/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị trong công tác phát hiện xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 28/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN; Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; Kế hoạch số 72-KH/TU, ngày 16/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 05-KL/TW, ngày 03/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản liên quan đến lĩnh vực PCTN, tiêu cực đúng thời gian, đảm bảo nội dung nhằm tăng cường các biện pháp phòng ngừa tham nhũng.

2. Thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng

Tăng cường chỉ đạo, triển khai đồng bộ các quy định của pháp luật về phòng ngừa tham nhũng, trong đó tập trung vào một số nội dung cụ thể sau:

2.1. Việc thực hiện công khai, minh bạch:

- Thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị theo Điều 10 Luật PCTN năm 2018; kiểm soát xung đột lợi ích; tiếp tục triển khai thực hiện các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn đối với các cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp theo quy định; xây dựng kế hoạch, triển khai việc tự kiểm tra nội bộ về thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn theo quy định của Luật PCTN năm 2018, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm.

- Tiếp tục chỉ đạo, thực hiện các quy định về quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức; Chỉ thị 28/CT-UBND ngày 12/12/2016 của UBND tỉnh về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

2.2. Công tác cải cách hành chính:

Các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về cải cách hành chính của cơ quan, đơn vị, địa phương mình bằng các hình thức phù hợp; thực hiện nghiêm việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Nghị định số 59/2019/NĐ-CP .

2.3. Thực hiện minh bạch tài sản, thu nhập:

- Thực hiện tốt việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thông qua việc kê khai, minh bạch tài sản hàng năm.

- Qua công tác thanh tra, kiểm tra PCTN, Thanh tra tỉnh trong phạm vi thẩm quyền của mình chủ động xây dựng kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hàng năm của cán bộ, công chức, viên chức; xác minh khi có dấu hiệu biến động bất thường về tài sản, thu nhập; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra, xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật, nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN.