Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 của Quốc hội cùng các nghị định, thông tư hướng dẫn đi kèm là khung pháp lý đồng bộ, thống nhất về mặt chính sách nhằm đảm bảo nguyên tắc công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu.
Thế nhưng, việc thực thi pháp luật chưa nghiêm tại một số địa phương, đơn vị đã tạo đà cho nhiều sở, ban, ngành “thông đồng” với doanh nghiệp để lách luật “thổi giá” nhằm trục lợi ngân sách của Nhà nước.
Đặc biệt, thời gian gần đây một số cán bộ, nhân viên của Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp, Sở Tài chính tỉnh Đồng Tháp đã dính vào vòng lao lý vì liên quan đến vi phạm nghiêm trọng trong công tác đấu thầu.
Trước thực trạng đó, chúng tôi đã tìm hiểu công tác đấu thầu tại Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Tháp nhằm đóng góp những thông tin hữu ích, giúp ngành Giáo dục nói chung và tỉnh Đồng Tháp nói riêng nâng cao hiệu quả trong công tác sử dụng vốn đầu tư công, hạn chế những mất mát, rủi ro không đáng có xảy ra.
Theo thông tin từ cổng đấu thầu quốc gia, thời gian qua bà Nguyễn Thúy Hà - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Tháp đã ký 8 gói thầu mua sắm đầu tư công, có tổng trị giá khoảng gần 127 tỉ đồng. Điều đáng nói là, nhiều hạng mục trong các gói thầu này có dấu hiệu cao hơn so với thị trường.
|
|
Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Tháp |
Cụ thể, ở Gói thầu Mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2, theo Quyết định 115/QĐ-SGDĐT ký ngày 16/12/2022, giá trúng thầu là 27.288.347.800 đồng, nguồn vốn của xổ số kiến thiết, thời gian thực hiện hợp đồng là 120 ngày, nhà thầu là Công ty TNHH Tuyết Nga.
Đơn cử, ở danh mục 50, Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Tháp mua 253 mô hình hệ cơ, mã ký hiệu là M192, xuất xứ Trung Quốc với giá 6.300.000 đồng/bộ. Tuy nhiên, cùng sản phẩm trên, cùng thời điểm tương đương nhưng Công ty TNHH Kỹ thuật AKITECH chỉ bán với giá 4.300.000 đồng/bộ.
Tương tự, ở danh mục 49, mua mô hình bộ xương và danh mục 51, mua mô hình giải phẫu cơ quan nội tạng (bán thân) có xuất xứ, thời điểm, mã ký hiệu tương đương, nhưng Công ty TNHH Kỹ thuật AKITECH bán thấp hơn so với Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Tháp mua, khoảng 258.140.000 đồng.
Hoặc ở danh mục 18, mua dây kéo co dạng sợi quấn, chất liệu bằng các sợi đay hoặc sợi nilon, có đường kính khoảng 21-25mm, chiều dài tối thiểu 20m, mã ký hiệu là DKC030 VIETNAMTVC, xuất xứ Việt Nam, mua 489 cuộn với giá 800.000 đồng/cuộn. Cùng sản phẩm trên, Công ty TNHH Thể Thao Minh Phú bán với giá 600.000 đồng/cuộn.
Tiếp tục đi sâu tìm hiểu gói thầu “khủng” khác thì hiện tượng giá cao hơn hàng trăm triệu đồng vẫn tiếp tục xảy ra. Đó là Gói thầu Mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu lớp 6, giá trị 36.104.144.000 đồng, do bà Nguyễn Thúy Hà - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp, ký Quyết định 103/QĐ-SGDĐT phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu vào ngày 30/11/2022. Đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH TMDV Sao Việt.
Tại danh mục 7, mua kính hiển vi có xuất xứ từ Trung Quốc, với mã hiệu DMK483, Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Tháp mua 2.875.000 đồng/cái. Thế nhưng, khi phóng viên tìm hiểu trên thị trường thì sản phẩm này được Công ty CP Xuất nhập khẩu Thiết bị khoa học và Vật tư quốc tế - STC bán với giá 2.000.000 đồng/cái.
Tiếp đó, tại danh mục 163, mua đàn phím điện tử (key board), ký hiệu Casio CT-X700, xuất xứ Trung Quốc, chủ đầu tư mua 91 bộ với giá là 6.500.000 đồng/bộ. Thế nhưng, sản phẩm có cấu hình tương tự, xuất xứ, thời điểm tương đương thì Công ty TNHH Thiết bị Văn phòng - Trường học Trung Nguyên bán sản phẩm đàn Organ Casio CT-X700 phụ kiện nhạc chính hãng, vận chuyển giao hàng miễn phí… với giá 4.409.000 đồng.
Tuy mới khảo sát một số hạng mục của vài trong số các gói thầu có trị giá lên đến hàng chục tỉ đồng, thế nhưng con số chênh lệch về giá đã khá lớn khiến dư luận hoài nghi về tính hiệu quả trong công tác đấu thầu tại Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Tháp.
Nhiều chuyên gia về lĩnh vực đấu thầu cho rằng, với địa hình hình khác nhau, thời điểm bán khác nhau, chương trình khuyến mãi, hậu mãi khác nhau dẫn đến việc chênh lệch giá là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, trong một gói thầu mới khảo sát vài sản phẩm mà số tiền chênh lệch đã lên đến hàng trăm triệu đồng, thì cần xem xét lại qui trình đấu thầu.
Trao đổi với phóng viên, luật sư Tạ Anh Tuấn, Trưởng Văn phòng Luật sư Bách Gia Luật và Liên danh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng: “Để sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách Nhà nước trong việc mua sắm thiết bị, đầu tư công đúng mục đích tránh việc gây thất thoát lãng phí tài sản Nhà nước, các đơn vị/tổ chức công lập có sử dụng nguồn vốn Nhà nước nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Luật Đấu thầu và Luật Giá. Tuy nhiên, qua các vụ án tham nhũng về kinh tế vừa qua được đưa ra xét xử công khai cho thấy những bất cập của Luật Đấu thầu tạo ra kẽ hở tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản Nhà nước, gây thất thoát lãng phí.
Theo luật sư Tạ Anh Tuấn, "thời gian tới, Nhà nước cần phải nhanh chóng bịt các lỗ hổng pháp luật đang tạo điều kiện cho các đối tượng khai thác thực hiện hành vi vi phạm, trục lợi. Đặc biệt là sớm sửa đổi các quy định Luật Đấu thầu, Luật Giá theo hướng công khai, minh bạch trong hoạt động đấu thầu, mua sắm đầu tư công. Cụ thể là tăng cường hình thức đấu thầu rộng rãi, công khai kết quả lựa chọn nhà thầu và hợp đồng, kết hợp với sử dụng tối đa và tối ưu công nghệ thông tin (hệ thống mạng mua sắm công, đấu thầu qua mạng e-procurement) trong các hoạt động tổ chức, quản lý đấu thầu. Bên cạnh đó, cần tăng cường giám sát đấu thầu mua sắm, đầu tư công thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với các đơn vị mời thầu, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước về đấu thầu. Vấn đề công bố thông tin mời thầu phải bảo đảm kịp thời và chính xác để doanh nhiệp dễ dàng tiếp cận một cách nhanh chóng. Cuối cùng là cần phải xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật hạn chế sự lạm quyền của các đơn vị mời thầu, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước về đấu thầu. Đặc biệt, xử lý thật nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những tổ chức, cá nhân có hành vi thông đồng, nâng khống giá, trục lợi, làm thất thoát tài sản Nhà nước”.