Dự thảo kết luận thanh tra của TTCP, thanh tra tỉnh, bộ bắt buộc phải thẩm định

Trả lời câu hỏi của Thanh tra Bộ Công Thương về hồ sơ đoàn thanh tra, TTCP cho biết, theo quy định của Luật Thanh tra, đoàn thanh tra sẽ tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ và bàn giao hồ sơ thanh tra, đây là cả chuỗi quy trình. Trước hết, khi kết luận thanh tra được công khai, phải gửi kết luận đến thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp và trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được, thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp phải ra văn bản tổ chức thực hiện kết luận thanh tra.

TTCP giải thích, ở thời điểm kết thúc hồ sơ thanh tra theo quy định tại Điều 57 của Luật Thanh tra và ở thời điểm sau khi bàn giao hồ sơ kết thúc, trưởng đoàn thanh tra bàn giao hồ sơ thì đoàn thanh tra mới giải thể và kết thúc nhiệm vụ.

TTCP cũng đang xây dựng và ban hành thông tư quy định về việc lập, quản lý hồ sơ thanh tra, hồ sơ giải quyết khiếu nại, hồ sơ giải quyết tố cáo. Trong thông tư này cũng có những quy phạm hướng dẫn, cụ thể đầy đủ hơn nội dung này.

Về nội dung thẩm định dự thảo kết luận thanh tra, luật quy định là đối với dự thảo kết luận thanh tra của TTCP, dự thảo kết luận thanh tra hành chính của thanh tra tỉnh, thanh tra bộ thì bắt buộc phải thẩm định. Còn trường hợp khác thì tùy.

“Luật chỉ quy định như vậy, còn phạm vi, nội dung, trình tự thủ tục thẩm định như thế nào thì TTCP đang hướng dẫn cụ thể trong thông tư quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra, trong đó có một mục quy định, hướng dẫn cụ thể về thẩm định dự thảo kết luận thanh tra, về nội dung, phạm vi, trình tự thủ tục”, đại diện TTCP cho biết.

Cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành chỉ thực hiện thanh tra thuộc phạm vi quản lý

Liên quan đến câu hỏi về thanh tra chuyên ngành, cơ quan được giao lĩnh vực chuyên ngành, TTCP cho rằng, bản thân thanh tra tổng cục, cục hoặc cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành chỉ thực hiện thanh tra chuyên ngành đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật.

Ví dụ, lĩnh vực quản lý Nhà nước về đất đai thì Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ được thanh tra trong phạm vi mà Cục được phân cấp quản lý Nhà nước; có một số nội dung trong lĩnh vực đất đai nhưng không giao cho Cục thì cũng không được tiến hành thanh tra.

Đối với việc cấp thẻ, trang phục thanh tra và thời hạn phân công cho người thực hiện thanh tra chuyên ngành, trong luật và trong Nghị định 03/2024/NĐ-CP quy định là: Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện thanh tra chuyên ngành quyết định phân công người thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành khi người đó đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn quy định trong Luật Thanh tra và Nghị định 43/2023/NĐ-CP.

Do đó, thời hạn, số lượng phân công người thực hiện thanh tra chuyên ngành hoàn toàn là do nhu cầu quản lý của cơ quan đó và do thủ trưởng cơ quan đó quyết định, có thể giao cho 10 hay 15 người tùy nhu cầu.

Đối với việc tạm dừng các cuộc thanh tra, đại diện TTCP giải thích, để tạm dừng các cuộc thanh tra xảy ra hai trường hợp: Một là, có sự kiện bất khả kháng ảnh hưởng đến tiến độ cuộc thanh tra; hai là, khi đối tượng thanh tra đề nghị và được người ra quyết định thanh tra đồng ý.

Sự kiện bất khả kháng phải đảm bảo: Không thể lường trước được và không ngăn chặn được, mọi thứ hoàn toàn là khách quan. Quay trở lại việc trưng cầu giám định được luật và Nghị định 43/2023/NĐ-CP quy định rõ: Trưng cầu giám định có thời gian, có nội dung, có đối tượng và cơ quan tổ chức được yêu cầu trưng cầu giám định và có quyền từ chối trong trường hợp nếu thời gian không cho phép, không đáp ứng.

Vì vậy, chúng ta cũng không thể lấy lý do trưng cầu giám định để kéo dài thời hạn tiến hành một cuộc thanh tra, cho nên cần cân nhắc.

Luật Thanh tra cũng không xác định cụ thể thời gian giám định là trường hợp để gia hạn đoàn thanh tra. Vấn đề này cần phải tính toán, phải đáp ứng xem có phải thực sự là trở ngại khách quan mà không thể không thể xử lý được để dẫn đến tạm dừng cuộc thanh tra.

Trong trường hợp yêu cầu giám định là chỉ có 15 ngày, nhưng kéo dài đến 30, 40 ngày, tức là vượt quá thời gian kéo dài cuộc thanh tra, thì phải xem xét kỹ để có thể coi đó là trường hợp để gia hạn thời hạn cuộc thanh tra hay không? Tức là một sự kiện khách quan mà ta không thể ngăn ngừa được.

Trong trường hợp chứng minh được rằng nó hoàn toàn sự kiện khách quan mà không thể lường trước được và rất quan trọng trong việc tham khảo ra kết luận thanh tra thì cũng có thể xem xét trường hợp đó.

Trưởng đoàn thanh tra, phó trưởng đoàn thanh tra (nếu có) phải là người giữ ngạch thanh tra viên

Nội dung này không chỉ là băn khoăn của Thanh tra tỉnh Hòa Bình mà còn là mối quan tâm của nhiều đại biểu các bộ, ngành, tỉnh, thành.

Tại khoản 2, Điều 60 quy định: Trưởng đoàn thanh tra và phó trưởng đoàn thanh tra (nếu có) phải là người giữ ngạch thanh tra viên, TTCP cho biết, quy định này thống nhất với quy định tại khoản 1 Điều 59 Luật Thanh tra nhằm chuyên nghiệp hóa hoạt động thanh tra, hoạt động thanh tra chỉ do cơ quan thanh tra và người giữ ngạch thanh tra viên tiến hành.

Do đó, việc lựa chọn người làm trưởng đoàn thanh tra phải tuân thủ nguyên tắc này và đảm bảo các tiêu chuẩn trưởng đoàn thanh tra được quy định tại Điều 28 Nghị định số 43/2023/NĐ-CP mà không phụ thuộc vào chức danh hành chính của người đó.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay có những địa phương chưa đủ điều kiện thực tế để thực hiện đúng quy định, do đó, TTCP ghi nhận để có biện pháp tháo gỡ vướng mắc trong hướng dẫn thi hành luật.

Xử lý chồng chéo được thực hiện ngay từ giai đoạn làm kế hoạch

Về xử lý chồng chéo, được quy định ở Điều 45 về xây dựng, bành hành kế hoạch thanh tra, Điều 55 là xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và Điều 108 quy định về trách nhiệm trong phối hợp xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra giữa với hoạt động kiểm toán Nhà nước.

Theo luật, việc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra được thực hiện ngay từ giai đoạn làm kế hoạch thanh tra, đó là cơ quan thanh tra tỉnh, cơ quan thanh tra bộ sẽ lọc những chồng chéo ngay từ giai đoạn đầu mà thanh tra sở, thanh tra huyện, thanh tra tổng cục, cục trình kế hoạch. Sau đó, thống nhất tích hợp vào một kế hoạch thanh tra. Trong quá trình tiến hành thanh tra nếu có chồng chéo, trùng lặp thì sẽ xử lý theo Điều 55.

Điều 108 liên quan đến chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra, kiểm toán Nhà nước, 2 cơ quan sẽ bàn bạc, Tổng Kiểm toán Nhà nước và Tổng Thanh tra Chính phủ sẽ thống nhất và quyết định để một việc do một cơ quan tiến hành.

Ngoài ra, Điều 110 quy định việc tham khảo kết quả của nhau trong hoạt động thanh tra, kiểm toán Nhà nước, trong đó, cơ quan có chức năng thanh tra có quyền sử dụng thông tin, số liệu, kết luận trong báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước để phục vụ cho kết luận thanh tra nhằm tránh chồng chéo giữa các cơ quan, giảm thời gian tiến hành thanh tra và hiệu quả hơn.

Về nội dung xử phạt vi phạm hành chính của chánh thanh tra, khoản 5 Điều 24 Luật Thanh tra quy định thẩm quyền xử phạt của chánh thanh tra tỉnh, giải thích về quy định mới này, TTCP cho rằng, lường trước tình huống quy định ở khoản 2 Điều 26 về Thanh tra sở, trong một số trường hợp, ở một số địa phương nếu không thành lập thanh tra sở thì nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đó sẽ do Thanh tra tỉnh tiến hành, thì Thanh tra tỉnh phải có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

Thẩm quyền của chánh thanh tra tỉnh đã được quy định ở Điều 116, sửa đổi, bổ sung quy định Điều 46 Luật Xử lý vi phạm hành chính là chánh thanh tra tỉnh có thêm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

"Đây là quy định mới, ban đầu có thể bỡ ngỡ, nhưng chúng tôi tin rằng chánh thanh tra tỉnh sẽ thực hiện tốt quy định này", TTCP cho biết.

Cần đảm bảo đúng quy định về thời hạn thanh tra

Liên quan đến thời hạn thanh tra, nhiều địa phương cho rằng, tại những vùng sâu vùng xa, phức tạp, khó khăn thì thời hạn thanh tra theo luật không đủ thời gian để thực hiện.

Vấn đề này, TTCP cho biết, khi xây dựng Luật Thanh tra, TTCP đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổng kết thực tiễn rất kỹ lưỡng, trong đó theo thống kê các cuộc thanh tra quá hạn thời gian thanh tra trực tiếp cho thấy, về cơ bản không cần thiết phải nới thời hạn thanh tra trực tiếp, thời hạn tiến hành cuộc thanh tra được giữ nguyên như tinh thần của Luật Thanh tra trước.

Chính vì vậy, các địa phương cần đảm bảo đúng quy định về thời hạn đã được quy định trong Luật, những trường hợp phức thì gia hạn theo đúng quy định của luật.

Đối với đề nghị của Thanh tra thành phố Hà Nội hướng dẫn, làm rõ thủ trưởng cơ quan thanh tra là người ra quyết định thanh tra có được làm trưởng đoàn thanh tra hay không. TTCP cho biết, trong Luật Thanh tra quy định rất rõ về địa vị pháp lý của người ra quyết định thanh tra và trưởng đoàn thanh tra.

“Đây là 2 chức danh, 2 vị trí, công việc khác nhau, có thẩm quyền khác nhau do vậy mà không được phép là thủ trưởng cơ quan thanh tra đồng thời lại ký quyết định cho mình làm trưởng đoàn thanh tra”, TTCP cho hay.

Theo quy định của pháp luật thanh tra thì người ra quyết định thanh tra phê duyệt kế hoạch tiến hành thanh tra và ban hành kết luận thanh tra do trưởng đoàn thanh tra lập, báo cáo, do đó, để bảo đảm tính khách quan thì thủ trưởng cơ quan thanh tra không được làm trưởng đoàn thanh tra.

Về việc sử dụng kinh phí trích cho cơ quan thanh tra, thành phố Hà Nội đang vướng mắc trong thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị quyết 37 về việc cơ quan thanh tra được sử dụng kinh phí trích để sử dụng vào công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, kể cả tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cần có hướng dẫn cụ thể.

Đại diện TTCP cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để nghiên cứu và có hướng dẫn cụ thể hơn.

Tuy nhiên, thực tế thì việc sử dụng kinh phí trích này lâu nay vẫn áp dụng, chỉ khác giữa Nghị quyết 37 so với Thông tư 327 là quy định về sử dụng kinh phí trích rõ ràng hơn, đầy đủ hơn và rộng hơn, tức là cơ quan thanh tra không chỉ sử dụng khoản trích này cho công tác thanh tra mà còn được sử dụng vào các công tác khác mà cơ quan thanh tra phải đảm nhiệm như công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của cơ quan thanh tra...

 

Thái Hải - Thanh Lương