Thực hiện kế hoạch của Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP Trung ương, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu công tác hậu kiểm về ATTP phải được thực hiện thường xuyên, liên tục; phối, kết hợp công tác hậu kiểm và công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành đồng bộ từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, xã. Đồng thời, tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác kiểm soát thực phẩm giả, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và xâm phạm sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, kiểm tra trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cơ quan quản lý ATTP tại địa phương.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai hoạt động hậu kiểm có trọng tâm, trọng điểm, trong đó tập trung hậu kiểm bảo đảm chất lượng thực phẩm, tăng cường kiểm soát chất lượng thực phẩm các khâu nguồn gốc nguyên liệu, vận chuyển, bảo quản, quá trình sản xuất, chế biến, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường.

Trong đó, tập trung hậu kiểm nhóm sản phẩm/sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm, sản phẩm nhập khẩu thuộc diện miễn kiểm tra hoặc kiểm tra giảm và kiểm soát ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống đặc biệt là các bếp ăn tập thể khu công nghiệp, trường học, lễ hội và các cơ sở thuộc diện không phải cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. 

Hậu kiểm hồ sơ tự công bố sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm, đánh giá nội dung ghi nhãn và chỉ tiêu an toàn cơ sở tự công bố sản phẩm/đăng ký bản công bố sản phẩm (hoặc các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định pháp luật cơ sở công bố áp dụng).

UBND tỉnh yêu cầu thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP theo phân công, phân cấp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và xử lý nghiêm, kể cả về hình sự đối với tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng các quy định về ATTP ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng theo đúng quy định pháp luật; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân lơ là, thiếu trách nhiệm trong quản lý ATTP…

Đức Anh