Đồng chủ trì điều hành hội nghị có TS Trần Văn Long, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ; ông Ngô Văn Khương, Phó Cục trưởng Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực 3; ông Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo; PGS.TS Vũ Văn Nghiêm, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật TP HCM; TS Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP HCM.

Hội thảo chia thành 2 phiên với sự tham gia của các nhà khoa học trong và ngoài nhà trường chuyên nghiên cứu về pháp luật thanh tra, giáo dục, những người làm công tác thực tiễn từ Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo, thanh tra các tỉnh, thành và phòng thanh tra - pháp chế của nhiều cơ sở giáo dục đại học (công lập và tư thục) trong cả nước…

20 bài tham luận của các tác giả đến từ các trường đại học công lập, với nhiều chủ đề đa dạng tập trung vào việc làm rõ những vấn đề lý luận và pháp lý về thanh tra nội bộ. Qua đó đánh giá thực trạng thực hiện các quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra nội bộ tại các cơ sở giáo dục đại học trong tiến trình tự chủ đại học ngày một trở nên cấp thiết ở Việt Nam hiện nay.

Hội thảo diễn ra sôi nổi trao đổi kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả trong việc áp dụng, triển khai các văn bản quy phạm pháp luật và các quy định liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra; công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các cơ sở giáo dục đại học công lập.

leftcenterrightdel
Hội thảo diễn ra sôi nổi với 20 tham luận đến từ các diễn giả. Ảnh: Thanh Chương 

Theo ông Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo, tự chủ giáo dục đại học là một xu hướng của thế giới và đang diễn ra một cách sâu rộng tại Việt Nam. Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học số 34/2018/QH14 có hiệu lực từ ngày 1/7/2019 và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã có những quy định nhằm xác lập rõ ràng về điều kiện để thực hiện quyền tự chủ tại các cơ sở giáo dục đại học cũng như các nội dung của quyền tự chủ. Đứng trước những cơ hội của tự chủ đại học, các cơ sở giáo dục đại học cũng đối mặt với không ít những thách thức của mặt trái về việc trao quyền tự chủ.

Vì lẽ đó, đi đôi với việc trao quyền một các mạnh mẽ, phân cấp và phân quyền thì thanh tra nội bộ tại các cơ sở giáo dục đại học đóng vai trò quan trọng và là một khâu thiết yếu phục vụ đắc lực cho công tác quản lý của thủ trưởng, góp phần bảo đảm trách nhiệm giải trình trước xã hội về hoạt động của nhà trường.

Trên cơ sở đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Chỉ thị 1048/CT-BGDĐT ngày 28/4/2020 của về tăng cường công tác thanh tra giáo dục đáp ứng yêu cầu giáo dục phổ thông và tự chủ đại học. Đặc biệt, Luật Thanh tra năm 2022 có hiệu lực từ ngày 1/7/2023 đã chính thức khẳng định sự tồn tại, địa vị pháp lý của thanh tra nội bộ tại các đơn vị sự nghiệp công lập cũng như trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập trong việc tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra nội bộ tại các đơn vị này.

Thanh Chương