Dự án Luật phải kế thừa, phát huy được thành tựu đã đạt được; hiện thực hoá các quan điểm chỉ đạo Đảng tại Nghị quyết 55, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; Phù hợp với các cam kết quốc tế; Ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, các nguồn năng lượng mới, sạch; Phát triển lưu trữ điện và lưới điện thông minh…
Cuộc họp với sự tham gia của các thành viên Ban soạn thảo đại diện cho các cơ quan, đơn vị: Ban Tuyên giáo Trung ương, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), một số bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ: Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; một số hiệp hội, doanh nghiệp; một số Sở Công Thương, doanh nghiệp và các đơn vị thuộc Bộ Công Thương.
Mục tiêu hoàn thiện Luật Điện lực nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, khả thi cho hoạt động điện lực và sử dụng điện. Tạo điều kiện cho phát triển nguồn và lưới điện nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao của nền kinh tế - xã hội và Nhân dân; bảo đảm và nâng cao chất lượng điện năng, chất lượng cung cấp dịch vụ điện; khuyến khích sử dụng điện an toàn, tiết kiệm hiệu quả, bảo vệ môi trường và phát triển năng lượng bền vững; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và an ninh năng lượng quốc gia;
Đảm bảo sự phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong việc quy định cụ thể và chi tiết thẩm quyền của Chính phủ, Bộ Công Thương trong việc quy định và hướng dẫn thực hiện các điều, khoản trong Luật, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực điện lực, phù hợp với đặc điểm của Luật Điện lực là ngành Luật chuyên ngành, mang tính kỹ thuật cao, cần sửa đổi, bổ sung thường xuyên để phù hợp với sự thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ.
Thực hiện đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền về quản lý Nhà nước cho Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND cấp tỉnh và các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Công Thương; tăng cường phân cấp cho các đơn vị điện lực trong quá trình thực hiện các hoạt động điện lực để đảm bảo quyền tự do hoạt động sản xuất kinh doanh, nhà nước không can thiệp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Đảm bảo sự phù hợp và đồng bộ giữa chính sách phát triển điện lực với các chính sách có liên quan khác, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đồng thời, khắc phục các bất cập trong quá trình thực thi Luật Điện lực hiện hành;
Đổi mới các nội dung và các điều luật nhằm nâng cao tính khả thi và tính hiệu quả thực thi luật, đáp ứng yêu cầu của phát triển ngành Điện nói chung và thị trường điện lực cạnh tranh nói riêng;
Bảo đảm phát huy quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh của các đơn vị điện lực, không phân biệt đối xử trong hoạt động điện lực, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của các hoạt động điện lực; đảm bảo kết hợp hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng sử dụng điện, đơn vị điện lực và Nhà nước.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: “Triển khai Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, Chính phủ đã ký ban hành Quy hoạch điện VIII, trong đó mục tiêu đặt ra đến năm 2030, tổng công suất đặt hệ thống điện gấp 2 lần hiện nay (hiện nay khoảng 80.000 MW), đến năm 2050, tổng công suất đặt gấp khoảng 4 lần hiện nay.
Từ nay đến năm 2030 chỉ còn chưa đầy 7 năm là một thách thức lớn, một mặt vừa phát triển nguồn điện nhằm đảm bảo phát triển kinh tế, xã hội; một mặt vừa thực hiện chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ để thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, như vậy ngành năng lượng Việt Nam cần nỗ lực cao nhất mới đạt được mục tiêu này.
Trong thời gian tới, chúng ta phải giảm tối đa nhiệt điện than, ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo và các nguồn điện mới thân thiện với môi trường (khí, amoniac xanh, hydrogen) và khi điều kiện kinh tế cho phép có thể phát triển điện hạt nhân”.
Nêu ý kiến tại cuộc họp, đại diện thành viên Ban soạn thảo như Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Hội Điện lực Việt Nam... đã đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của Bộ Công Thương trong việc gấp rút triển khai dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Đồng thời, thống nhất kết cấu đề cương, sơ khảo dự thảo; quy chế và tiến độ hoàn thiện dự thảo…
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã giao Tổ biên tập tiếp nhận, tổng hợp ý kiến thành viên Ban soạn thảo và giao Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân chỉ đạo Cục Điều tiết điện lực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp phối hợp với các đơn vị, các chuyên gia thực hiện tiếp thu, giải trình ý kiến thành viên Ban soạn thảo để hoàn thiện Dự thảo 1. Đồng thời, xây dựng Dự thảo Tờ trình trên cơ sở nội dung Dự thảo 1 đã được hoàn thiện.
Sau khi hoàn thiện Dự thảo 1 giao đầu mối Tổ biên tập gửi lại Ban soạn thảo Dự thảo 1, Dự thảo Tờ trình và Bản tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến thành viên Ban soạn thảo là trong tuần từ 25-29/3/2024.
Về vấn đề thông qua dự thảo lần 1 để tiến hành đăng tải Dự thảo luật, do thời hạn soạn thảo gấp, để đáp ứng tiến độ, Ban soạn thảo đã thống nhất đề xuất được sử dụng Dự thảo 1 đã hoàn thiện để đăng web và gửi lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức (Dự thảo 2) để kịp thời hạn Chính phủ giao. Theo đó, Bộ Công Thương thực hiện thủ tục đăng website trong tuần từ 20 - 29/3/2024 đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đề ra. Sau khi đăng website, Ban soạn thảo tiếp tục thảo luận để hoàn thiện Dự thảo 2 trong quá trình đăng website và gửi lấy ý kiến. Trong thời gian này, Ban soạn thảo sẽ tổ chức hội nghị, hội thảo để lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học.