Vùng biển Quảng Ninh được đánh giá là đa dạng sinh học, giàu nguồn lợi thuỷ sản; trong đó, có những loại thuỷ sản đặc hữu nổi tiếng và có số lượng lớn. Tuy nhiên, trước thời điểm năm 2017, tính đa dạng của vùng biển Quảng Ninh ngày càng giảm sút, có những loại thuỷ sản quý hiếm giảm số lượng nghiêm trọng, thậm chí có nguy cơ tuyệt chủng.

Trước nguy cơ nguồn lợi thủy sản bị đe dọa, ngày 1/9/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 18 “về tăng cường công tác quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”. Trong đó, xác định chuyển dịch cơ cấu khai thác theo hướng giảm phương thức đánh bắt tận thu, hủy diệt nguồn lợi; tăng các loại nghề có tính chọn lọc và thân thiện với môi trường.

Triển khai Chỉ thị số 18, thời gian qua, các cơ quan chức năng, các địa phương của tỉnh Quảng Ninh đã tích cực vào cuộc với quyết tâm cao.

Điển hình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã biên soạn hàng loạt mẫu tờ rơi tuyên truyền quy định xử phạt vi phạm hành chính trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tổ chức cho ngư dân ký cam kết không xâm phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái phép và vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Cùng với đó, công bố và hướng dẫn việc tiếp nhận, xử lý thông tin về vi phạm khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại đường dây nóng; chỉ đạo lực lượng thanh tra chuyên ngành thủy sản tuần tra kiểm soát 24/24h để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong kinh doanh, vận chuyển chất nổ, xung điện, ngư cụ cấm sử dụng trong khai thác thủy sản; đôn đốc các địa phương rà soát tàu cá sử dụng nghề cấm, ngư cụ cấm khai thác thủy sản để có biện pháp xử lý phù hợp...

Từ năm 2017 đến hết năm 2022, toàn tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức 17.778 đợt tuyên truyền phổ biến các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho 336.964 lượt người; phát hiện, xử lý trên 8.250 vụ vi phạm, thu phạt, nộp ngân sách Nhà nước gần 48,5 tỷ đồng.

Chỉ tính riêng trong năm 2022, toàn tỉnh đã phát hiện và xử lý 842 trường hợp vi phạm pháp luật trong hoạt động quản lý tàu cá, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 7,5 tỷ đồng.

leftcenterrightdel
 Lực lượng chức năng lập biên bản các chủ tàu cá có hành vi khai thác trái phép tại khu vực đảo Hòn Miều, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: TTTT

Riêng trong tháng 1/2023, các ngành chức năng và các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và xử lý 50 trường hợp vi phạm pháp luật trong hoạt động quản lý tàu cá, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bằng 48,5% so với kỳ trước; thu phạt nộp ngân sách Nhà nước hơn 555 triệu đồng; tịch thu tiêu huỷ 120 lồng bát quái, 1 cào đáy.

Thông qua hoạt động kiểm tra, kiểm soát, các lực lượng chức năng đã tuyên truyền trực tiếp cho gần 730 lượt chủ tàu cá và gần 2.900 lượt lao động các quy định về quản lý tàu cá, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản; về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); về phòng chống dịch bệnh Covid-19, an toàn giao thông đường thuỷ, tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo… cấp phát 896 tờ rơi, sổ tay tuyên truyền các loại, sổ nhật ký, báo cáo khai thác thủy sản…

Sở NN&PTNT Quảng Ninh đánh giá, thời gian qua, với sự thay đổi nhận thức, các cấp uỷ, chính quyền đã lãnh đạo, chỉ đạo, xử lý kịp thời những điểm nóng trong công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn.

Hoạt động tuần tra, kiểm tra xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng và các huyện, thị xã, TP được tăng cường, tăng số chuyến/lượt tuần tra; các trường hợp vi phạm pháp luật trong hoạt động quản lý tàu cá, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã được kiểm tra, xử lý đa số có hành vi vi phạm không nghiêm trọng và không có vi phạm về IUU liên quan đến tàu cá xa bờ bị xử lý.

Hiện nay, hoạt động khai thác thuỷ sản bằng nghề cấm, phương pháp cấm, khai thác tại vùng cấm vẫn lén lút diễn ra với mức độ ngày càng tinh vi, trong khi hoạt động của cơ quan chức năng phải công khai và chủ yếu trong giờ hành chính nên đối tượng vi phạm dễ dàng theo dõi, thông báo cho nhau qua hệ thống thông tin bộ đàm để né tránh và lẩn trốn… rất khó khăn trong phát hiện và bắt giữ vi phạm.

Mặt khác, tàu cá hoạt động vùng khơi tuy 100% đã lắp thiết bị giám sát hành trình nhưng một số thiết bị thường xuyên trục trặc, một số chủ tàu cố tình không bật thiết bị, không thông báo vị trí đúng quy định hoặc không nộp tiền thuê bao dịch vụ dẫn đến đơn vị cung cấp dịch vụ ngắt kết nối làm ảnh hưởng đến hoạt động giám sát, ngăn chặn tàu cá (vô ý hoặc cố ý) vi phạm vùng biển khai thác.

Trước thực trạng đó, thời gian tới, các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý vi phạm; tăng cường hoạt động phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong tuần tra, kiểm tra, kiểm soát (cả trên bờ và mặt nước).

Đồng thời, duy trì sự hiện diện thường xuyên của các lực lượng chức năng tại các khu vực tập trung hoạt động khai thác thủy sản, khu vực cấm khai thác thủy sản; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tàu cá vi phạm pháp luật, chống khai thác IUU.

Trọng Tài