Thông tin này được nêu trong báo cáo kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023 của Chính phủ.
Báo cáo này do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng thừa ủy quyền của Thủ tướng ký, gửi đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tại báo cáo, Chính phủ nêu rõ việc xử lý vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ; xử lý “điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông” đường bộ.
Hàng triệu người bị tước giấy phép lái xe
Theo Chính phủ, trong 15 năm thi hành Luật Giao thông đường bộ, Cục Đường bộ Việt Nam, thanh tra các sở giao thông vận tải thực hiện trên 1 triệu cuộc thanh tra, kiểm tra; quyết định xử phạt hơn 1,5 triệu vụ vi phạm với số tiền trên 3.426 tỷ đồng; tạm giữ 7.505 ô tô.
Lực lượng cảnh sát giao thông đã lập biên bản xử lý hơn 65,2 triệu trường hợp vi phạm, nộp kho bạc Nhà nước 33.235 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe hơn 3.8 triệu trường hợp, tạm giữ hơn 16 triệu phương tiện vào giai đoạn từ 2009 đến hết tháng 12/2021.
Đáng chú ý, qua hoạt động tuần tra, kiểm soát đã khám phá 15.466 vụ, bắt 6.556 đối tượng có dấu hiệu phạm tội trên các tuyến giao thông, lập hồ sơ chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định.
Cảnh sát giao thông các địa phương đã phối hợp tổ chức điều tra, giải quyết 204.961 vụ tai nạn giao thông và chuyển cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố 23.667 vụ, với 22.352 bị can (truy tố 21.536 vụ, với 16.906 bị cáo). Các vụ còn lại đang điều tra và cảnh sát giao thông đã xử lý hành chính, theo đúng quy định của pháp luật.
Về “điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông” đường bộ, Chính phủ cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam và các khu quản lý đường bộ, các sở giao thông vận tải khẩn trương xử lý.
Các “điểm đen” tai nạn giao thông được xử lý, kịp thời đầu tư. Các vị trí có nguy cơ mất an toàn giao thông được ưu tiên đưa vào kế hoạch bảo trì.
Kết quả, giai đoạn 2015-2023 đã xử lý 1.043 “điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông”, với tổng kinh phí 4.788 tỷ đồng.
Nguồn vốn chi thường xuyên được bố trí cho công tác quản lý bảo trì đường bộ hàng năm khoảng 10.00 - 12.000 tỷ đồng.
Số tiền này, theo đánh giá của Chính phủ, chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu đối với hệ thống quốc lộ nói chung, dẫn đến khó khăn, hạn chế với kinh phí dành cho công tác xử lý "điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông".
Tiếp tục tăng cường thanh tra, xử lý nghiêm vi phạm
Đánh giá chung, Chính phủ cho rằng, tình hình trật tự an toàn giao thông đường bộ trong 15 năm qua có những chuyển biến tích cực.
|
|
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng |
Nhờ thế, số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông tiếp tục giảm sâu, đặc biệt là số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng được kiềm chế.
Dù vậy, các hành vi vi phạm hành chính như: Điều khiển xe không có giấy phép lái xe, đi không đúng làn đường, phần đường, đi vào đường cao tốc, chở quá khổ quá tải, xâm phạm công trình giao thông, chiếm dụng lòng đường, vỉa hè còn diễn ra phức tạp.
Công tác xử lý vi phạm chưa đạt được mục tiêu “mọi vi phạm đều phải được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh” quy định trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cũng như Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Trong khi, hệ thống điều khiển, giám sát giao thông còn thiếu. Toàn hệ thống quốc lộ (trong đó có hệ thống đường cao tốc) còn thiếu các trung tâm điều khiển, điều hành giao thông, chưa có hệ thống quản lý giao thông thông minh (ITS), chưa có các trung tâm điều khiển xe đi trên các tuyến (trừ một số tuyến đường cao tốc và hầm Hải Vân).
Vì vậy, bên cạnh rà soát, điều chỉnh trong quá trình xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, sửa đổi Luật Đường bộ phù hợp, Chính phủ kiến nghị thực hiện đổi mới công tác quản lý, bảo trì đường bộ; tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện kết hợp với các biện pháp quản lý khác.
Việc này nhằm ngăn chặn có hiệu quả tình trạng xe quá tải lưu thông gây hư hại cầu, đường.
Chính phủ cũng đề nghị tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi gây mất an toàn giao thông, đặc biệt là hành vi điều khiển phương tiện khi có nồng độ cồn, hành vi vận chuyển quá tải trọng cho phép ảnh hưởng đến an toàn, bền vững kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Tình hình trật tự an toàn giao thông hiện nay đặt ra yêu cầu cấp bách phải có tư duy, nhận thức, phương pháp, cách làm mới, quyết liệt hơn trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện, theo nhận định của Chính phủ.
Bên cạnh nhiều biện pháp, Chính phủ cho rằng, phải xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nếu để tình hình trật tự an toàn giao thông xảy ra phức tạp trên địa bàn do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý.
Quá trình xử lý các vi phạm pháp luật về giao thông phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, tất cả các hành vi vi phạm phải được xử lý nghiêm theo pháp luật.
Nghiêm cấm cán bộ, đảng viên can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng; nghiêm cấm lực lượng chức năng “xuê xoa”, bỏ qua trong xử lý vi phạm dưới mọi hình thức.
“Tất cả các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra phải được xem xét, cá thể hóa, xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan”, báo cáo Chính phủ nêu.
|