Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Tiền cọc thấp khiến hàng ngàn người tham gia việc đấu giá đất ven đô

T.Vân

Thứ sáu, 16/08/2024 - 13:00

(Thanh tra)- Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), hàng nghìn người tranh mua vài chục lô đất đấu giá vì 'khát' đầu tư trong bối cảnh nguồn cung ít ỏi, giá nhiều phân khúc đã tăng quá cao.

Các lô đất đấu giá tại khu Ngõ Ba, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai (Hà Nội). Ảnh: BĐS Tâm Phúc

Đấu giá xong rồi bán trao tay!

Mới đây, phiên đấu giá 68 lô đất ở xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, Hà Nội gây xôn xao dư luận khi giá trúng lên đến trăm triệu đồng một m2, cao gấp 7 - 8 lần giá khởi điểm.

Lãnh đạo UBND huyện Thanh Oai cho biết, phiên đấu giá có khoảng 1.500 người tham dự, với hơn 4.000 hồ sơ đăng ký hợp lệ. Con số này cao kỷ lục trong các phiên đấu giá đất huyện ven hai năm trở lại đây.

Lý do khiến nhiều người tham gia đấu giá đất ven đô do tiền đặt cọc thấp. Theo Nghị định 10/2023, mức tiền đặt cọc khi tham gia đấu giá là 20% giá trị thửa đất tính theo giá khởi điểm. Tức giá khởi điểm càng thấp, số tiền đặt cọc càng nhỏ, dễ thu hút nhóm nhà đầu tư có tài chính vừa và nhỏ. Nếu không trúng, số tiền này được trả lại ngay sau khi phiên đấu giá kết thúc.

"Với mức khởi điểm chỉ 8,6 - 12,5 triệu đồng/m2, tương đương 685 triệu đồng đến hơn một tỷ đồng một lô, tôi tham gia đấu giá đất ở Thanh Oai chỉ cần đặt cọc khoảng 120 - 200 triệu đồng mỗi lô. Vì cọc thấp, nếu bán chênh thành công, có thể thu tiền lãi 180 - 380 triệu đồng, lợi nhuận quá tốt trong bối cảnh thị trường còn khó khăn như hiện nay", anh Nguyễn Giang, Hà Đông, Hà Nội nói.

Hơn 1.500 người tham gia phiên đấu giá 68 lô đất ở xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai hôm 10/8. Ảnh: Cổng thông tin điện tử huyện Thanh Oai

Trong khi đó, nếu trúng đấu giá đất, nhà đầu tư có thể lãi trăm triệu đồng từ khoản chênh sang tay. Chính vì vậy, sau khi phiên đấu giá 68 lô đất ở thôn Thanh Thần kết thúc, nhiều môi giới đã trực sẵn ở khu đất này để chào bán chênh 300 - 500 triệu đồng.

Tiềm ẩn giá ảo, rủi ro cao?

Ba luật mới liên quan bất động sản có hiệu lực từ 1/8 đã siết chặt hoạt động phân lô bán nền, nhu cầu với đất nền vùng ven dưới 2 tỷ đồng một lô đã rục rịch tăng.

Chưa kể, trước thông tin một số huyênh ven đô chuẩn bị lên quận tác động đến tâm lý của cả người dân và nhà đầu tư, nên nhiều người đổ xô đi đấu giá đất.

Diễn biến này khác hẳn với cảnh ế ẩm của nhiều phiên đấu giá đất năm 2023. Năm ngoái là thời điểm thị trường bất động sản tạo đáy, nhu cầu đầu tư xuống thấp nên nhiều lô đất vùng ven phải đấu giá lại vì "không có người mua hồ sơ hoặc tỷ lệ thành công rất thấp".

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo bài học từ quá khứ, nhiều phiên đấu giá cũng trả giá cao kỷ lục nhưng người trúng nhanh chóng bỏ cọc. Bởi người tham gia chủ yếu là nhóm nhà đầu tư chuyên nghiệp, người địa phương chiếm thiểu số. Hệ lụy tác động đến mọi phân khúc bất động sản, gia tăng hiện tượng đầu cơ đất đai, gây lũng đoạn thị trường. Rủi ro thuộc về người mua sau cùng.

Từ nay đến cuối năm, nhiều huyện vùng ven sẽ tiếp tục tổ chức các phiên đấu giá. Dự báo phân khúc đất đấu giá sẽ tiếp tục tăng nhiệt. Bởi nếu bảng giá đất mới chưa được áp dụng, đất đấu giá áp dụng theo khung giá Nhà nước hiện tại sẽ rẻ hơn nhiều so với phân khúc khác.

Ngày 16/8, theo tin từ Công ty Đấu giá hợp danh Trường Sơn, đơn vị vừa nhận được thông báo của Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thanh Oai, Hà Nội, với nội dung "Dừng triển khai tổ chức phiên đấu giá quyền sử dụng đất đợt 1 đối với 57 thửa đất tại khu vực Đầm, thôn Mục Xá, xã Cao Dương dự kiến mở vào ngày 17/8."

Việc bất ngờ dừng phiên đấu giá đất này với lý do UBND huyện Thanh Oai cần xác định lại mức giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất đối với 114 thửa đất trên địa bàn xã Cao Dương theo quyết định của UBND thành phố Hà Nội. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm