Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kịch bản nào cho thị trường BĐS cuối năm?

Thứ sáu, 14/08/2020 - 06:00

(Thanh tra)- Mới có dấu hiệu phục hồi trong quý II nhưng theo dự báo của các chuyên gia, thị trường bất động sản (BĐS) những tháng cuối năm vẫn trầm lắng do nhiều yếu tố.

Thị trường BĐS những tháng cuối năm 2020 dự báo sẽ tiếp tục trầm lắng. Ảnh: Trần Quý

Bộ Xây dựng cho biết, theo số liệu tổng hợp từ 54/63 tỉnh, thành, trong quý II/2020 có 29.674 giao dịch BĐS thành công. Riêng tại Hà Nội có 1.354 giao dịch thành công, bằng 116% quý I/2020. TP. Hồ Chí Minh có 3.958 giao dịch thành công, bằng 140,6% quý I.

Qua tổng hợp cho thấy, lượng sản phẩm giao dịch thành công trong quý II/2020 bình quân trên cả nước bằng khoảng 130-140% so với quý I/2020 do các doanh nghiệp đã nhanh chóng thích ứng, bám sát các chính sách hỗ trợ của Chính phủ sau thời gian giãn cách xã hội.

Tính đến thời điểm tháng 7/2020, các BĐS du lịch, nghỉ dưỡng đã hoạt động trở lại cùng với các chính sách khuyến mãi để kích cầu du lịch trong nước, các doanh nghiệp kinh doanh BĐS du lịch, nghỉ dưỡng đang trên đà phục hồi sau thời gian dài giãn cách xã hội, hiệu suất kinh doanh bình quân ngày một tăng, đạt khoảng 30 - 40%.

Tuy nhiên, do dịch Covid-19 bùng phát trở lại từ cuối tháng 7/2020, mặc dù các ổ dịch cơ bản đang được khống chế nhưng theo dự báo sẽ có những tác động lớn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế nói chung cũng như thị trường BĐS nói riêng trong những tháng cuối năm.

Dự báo về thị trường BĐS những tháng cuối năm, ông Nguyễn Minh Khang, Tổng Giám đốc LDG cho rằng, nhìn tổng thể từ giờ đến cuối năm thị trường BĐS vẫn chưa ổn định. Người mua vẫn giữ tâm lý dịch bệnh có thể bùng phát trở lại nên 50% trong số có nhu cầu mua nhà ở chưa sẵn sàng "xuống tiền".

Theo các chuyên gia kinh tế, có thể đến cuối năm 2022, nền kinh tế mới có thể phục hồi hoàn toàn được. Có 2 kịch bản cho thị trường BĐS những tháng cuối năm:

Thứ nhất, theo những dự báo lạc quan từ Chính phủ khi nền kinh tế có thể tăng trưởng từ 4,4 - 5,2% là kịch bản đại dịch kiểm soát được trong quý III. Theo đó, giá BĐS sẽ ít biến động và không có sự giảm giá. Nếu như nền kinh tế có thể tăng trưởng được như kỳ vọng của Chính phủ thì có thể các loại hình BĐS đầu tư vẫn có thể thu hút được một lượng đầu tư đáng kể.

Kịch bản thứ hai có thể khiến thị trường BĐS xấu khi các yếu tố kỳ vọng của nền kinh tế trong nước không đạt được cũng như tình hình dịch bệnh trên thế giới không thể kiểm soát. Theo ông Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, điều này có thể dẫn đến tình trạng đóng băng của thị trường BĐS.

Còn theo nhận định về một kịch bản xấu với thị trường BĐS 6 tháng cuối năm của Batdongsan.com.vn, đó là khi nền kinh tế chỉ tăng trưởng từ 3,6 – 4,3%, các đối tác thương mại của chúng ta phục hồi trong quý IV/2020 thì giá BĐS sẽ giảm nhẹ dưới 5%. Tuy nhiên, các loại hình nhà ở như chung cư bình dân, trung cấp, nhà riêng vẫn có sự hấp dẫn với thị trường khi nhu cầu mua ở thực của người mua nhà.

Bên cạnh đó, mức độ quan tâm của BĐS cho thuê cũng giảm tới 18% ở loại hình chung cư và 35% với nhà mặt phố. Hầu hết, các doanh nghiệp, đơn vị môi giới đang tạm dừng các kế hoạch chào bán, ra hàng, lượng tin đăng bán toàn trang Batdongsan.com.vn giảm tới 28% so với cuối năm 2019.

BĐS du lịch, nghỉ dưỡng là phâm khúc được cho là trầm lắng nhất. Ảnh: Trần Quý

Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, mặc dù tác động của Covid-19 được dự báo sẽ còn kéo dài đến cuối năm 2020, nhưng thị trường BĐS sẽ sớm phục hồi và phát triển lớn mạnh trong giai đoạn tiếp theo 2021- 2022. Theo ông Khương, đây là thời điểm khó khăn với nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước nói chung, tuy vậy, đối với một bộ phận nhóm các cá nhân và doanh nghiệp có khả năng tài chính tốt, có nhiều kinh nghiệm thì đây lại là cơ hội lớn.

Ông Phan Công Chánh, chuyên gia đầu tư BĐS cá nhân cho biết, thị trường chưa thể tiến triển tốt nhanh chóng do nhiều lý do. Thứ nhất, ẩn số dịch chưa có lời giải, rất khó biết khi nào có thể hết dịch hoàn toàn. Do đó, nhà đầu tư vẫn còn mang tâm lý e ngại.

Tuy nhiên, theo ông Chánh, BĐS vẫn có hy vọng nhờ bệ đỡ từ bài toán đầu tư công. Khi có các dự án đầu tư đi vào khởi động sẽ kéo theo sự hoàn thiện các công trình điện, đường, trường, trạm. Từ đó tác động tích cực đến thị trường BĐS. Phân khúc truyền thống như đất nền, nhà phố, căn hộ vẫn ổn, BĐS du lịch, nghỉ dưỡng còn khó khăn. Đối với BĐS công nghiệp, dù thị trường đang tốt nhưng chỉ thuận lợi với những chủ đầu tư đã có dự án.

“Như vậy, có thể nói bức tranh thị trường từ nay đến cuối năm sẽ có hai gam màu tối và sáng. Gam màu chính vẫn là màu xám, vì tính thanh khoản BĐS đã tắc trong quý I và quý II. Vài điểm sáng là thị trường sôi động ở một số khu vực mang tính cục bộ nhờ tác động tích cực từ các dự án đầu tư hạ tầng” - ông Chánh nói.

Một số chuyên gia trong lĩnh vực BĐS cùng có chung nhận định, thị trường BĐS còn nhiều triển vọng phát triển trong giai đoạn từ 2021 trở đi, tuy nhiên, từ giờ đến thời điểm cuối năm 2020 được điều chỉnh nghiêng về kịch bản trung bình, khó và rất khó do còn chịu tác động của dịch Covid-19. Về tổng thể, kịch bản suy giảm nhẹ vẫn là chủ đạo, nguy cơ xảy ra khủng hoảng nhà đất được đánh giá là thấp. Theo đó, BĐS từ nay đến cuối năm 2020 vẫn được dự báo sẽ tiếp tục trầm lắng.

Trần Quý

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Giải pháp nào “hạ nhiệt” giá nhà đất?

Giải pháp nào “hạ nhiệt” giá nhà đất?

(Thanh tra) - Đầu cơ, "tạo giá ảo", "thổi giá", khan hiếm nguồn cung… được cho là những nguyên nhân chính dẫn đến thị trường bất động sản (BĐS) tăng chóng mặt trong thời gian qua, tuy nhiên, giải pháp nào “hạ nhiệt” giá nhà đất vẫn chưa có câu trả lời cụ thể.

Trần Quý

13:17 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm