Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đua nhau trình xây trụ sở nghìn tỷ đồng: Tiết kiệm ở đâu?

Thứ tư, 11/11/2015 - 15:09

Giữa lúc Quốc hội đang lo lắng về tình trạng nợ công sắp chạm trần thì các tỉnh đua nhau trình dự án hàng nghìn tỷ đồng thì ai cũng choáng váng.

Phối cảnh tổng dự án Trung tâm hành chính TP Hải Phòng (Ảnh: VTCNews)

Một vấn đề đang gây nóng dư luận mấy ngày gần đây là thông tin các địa phương đua nhau trình dự án xây dựng Trung tâm hành chính, mà dự án nào cũng có kinh phí hàng nghìn tỷ đồng.

Trong lúc tình hình kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn thì việc trình các đề án kiểu này cho thấy căn bệnh hoành tráng, thích xây dựng cho bằng chị bằng em của một số địa phương vẫn còn rất nặng nề, cần phải được chấn chỉnh bằng những phương thuốc đặc trị, dành nguồn lực cho đất nước phát triển.

Tình trạng các địa phương đua nhau xây trụ sở to lớn nhưng sử dụng không hết công năng, gây lãng phí ngân sách đã được đề cập nhiều lần trên các diễn đàn về công tác thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng lãng phí.

Còn nhớ, tại một kỳ họp của Quốc hội cách đây 2 năm, ông K’so Phước- Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khóa XIII sau một chuyến đi giám sát ở địa phương đã kêu lên giữa nghị trường rằng: “Có tỉnh nghèo, năm nào ngân sách Trung ương cũng phải trợ cấp mà vẫn xây trụ sở hoành tráng, lung linh như cung điện giữa đồng”.

Thế nên, dư luận đã sốc trước thông tin hàng loạt địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Dương, Khánh Hòa…đang trình đề án xây Trung tâm hành chính với số tiền mỗi dự án từ vài nghìn tỉ đồng trở lên. Khủng nhất là Hải Phòng, với 10.000 tỷ đồng.

Giữa lúc Quốc hội đang lo lắng về tình trạng nợ công sắp chạm trần, ngân sách quốc gia chỉ còn 45.000 tỉ đồng để chi, Chính phủ không có tiền phải lỗi hẹn tăng lương cho cán bộ công chức, người về hưu…thì quả thật, nghe những dự án nghìn tỉ nêu trên, ai cũng choáng váng! Bởi đâu chỉ các Trung tâm hành chính, mà còn hàng loạt dự án quảng trường, tượng đài, nhà hát nghìn tỉ nữa!

Công bằng mà nói, với những trung tâm đô thị lớn, những địa phương có nguồn lực dồi dào, việc xây dựng Trung tâm hành chính tươm tất, tạo nên điểm nhấn kiến trúc thay cho những công trình tồi tàn cũng là việc nên làm. Bởi đó còn là niềm tự hào của địa phương. Nếu không mạnh dạn thì biết bao giờ chúng ta mới có những công trình đẹp, góp phần làm nên những đô thị văn minh, hiện đại.

Nhưng cũng công bằng mà nói, có một thực trạng là hiện nay, nền kinh tế đất nước và đời sống người dân còn khó khăn.Trong khi nhiều địa phương còn nghèo, kinh tế chậm phát triển, thu nhập bình quân đầu người thấp, cơ sở hạ tầng thiết yếu chưa được đầu tư đồng bộ, hàng năm vẫn xách cặp lên trung ương xin tiền, xin gạo cứu trợ, thì việc xây dựng Trung tâm hành chính hàng nghìn tỉ đồng là một kiểu vung tay quá trán của các địa phương. Thử hỏi, một khi cái ăn của dân còn chưa no, việc học của con em còn chưa tới, thì mục đích thực sự của việc xây trụ sở hoành tráng kia là gì?

Đành rằng dự án nào cũng được trình bày là sẽ làm bằng một phần ngân sách nhà nước, còn lại là tiền thu từ việc bán trụ sở cũ. Nhưng phổ biến nhất vẫn là bán đất công. Hoặc nếu có kêu gọi theo hình thức BOT thì cũng phải nhượng quyền sử dụng, khai thác nhiều khu đất vàng đất bạc của địa phương cho đối tác. Nhưng tiền nào mà không phải là tiền của dân.

Và liệu có thực sự cần thiết phải xây dựng các Trung tâm hành chính mới, trong khi nhà làm việc cho các cơ quan đều đang sử dụng bình thường, có khi mới được xây dựng gần đây. Chưa kể, khi xây dựng nhiều tầng, thiết kế hiện đại, không sử dụng hết công năng sẽ gây tốn kém, lãng phí so với điều kiện hiện tại.

Bằng cách nói dung dị, ông cha ta từ xưa đã đúc kết kinh nghiệm quý báu: “Liệu cơm gắp mắm”, “ Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Nghĩa là  phải liệu khả năng mà chi tiêu, tùy thực lực mà làm cho đúng mức và thích hợp với hoàn cảnh cụ thể.

Dễ thấy có nhiều lý do khác nhau để lãnh đạo các địa phương quá sốt sắng với những dự án xây trụ sở nghìn tỉ. Nhưng điều dễ thấy hơn là trong lúc đất nước khó khăn, thắt chặt chi tiêu, tiết kiệm nguồn lực để xây dựng đất nước, cải thiện điều kiện sống của người dân mới là tối thượng. Bây giờ chưa phải là muộn để ra tay tiết kiệm nguồn lực, ngăn chặn “hội chứng”  trung tâm hành chính, tượng đài.

Theo Vân Thiêng/VOV-Trung tâm Tin

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sẽ cưỡng chế dự án trường đang dở bán đấu giá hơn 88 tỷ đồng

Sẽ cưỡng chế dự án trường đang dở bán đấu giá hơn 88 tỷ đồng

(Thanh tra) - Theo cơ quan chức năng, toàn bộ công trình xây dựng Dự án Trường Tiểu học và THCS dân lập Thanh Hóa tại khu đô thị mới Đông Hương, TP Thanh Hóa được xây dựng trên diện tích hơn 40.000m2, vừa được đấu giá thành bằng hình thức đấu giá trực tuyến với giá trúng là hơn 88 tỷ đồng.

Hương Trà

09:24 11/12/2024
Vì sao giá bất động sản tăng chóng mặt?

Vì sao giá bất động sản tăng chóng mặt?

(Thanh tra) - Trong 5 năm qua, tăng trưởng giá bất động sản của Việt Nam là gần 60%, cao hơn nhiều quốc gia khác như Mỹ, Australia - đang ở mức trên dưới 50%, hay Nhật Bản- Singapore, hiện ở mức trên dưới 40%, theo số liệu thống kê của trang batdongsan.com

Uyên Uyên

17:33 04/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm