Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ hai, 06/05/2024 - 21:17
(Thanh tra) - Nhận định môi trường đã và đang chịu áp lực lớn từ các nguồn ô nhiễm môi trường gia tăng nhanh về số lượng, quy mô và mức độ tác động, Chính phủ cho biết, năm 2023, lực lượng chức năng đã khởi tố, đề nghị khởi tố 606 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet
Nội dung này được Chính phủ đề cập tại báo cáo về công tác bảo vệ môi trường năm 2023 vừa được gửi tới Quốc hội.
Ô nhiễm không khí diễn biến phức tạp, còn chất thải nguy hại chưa xử lý
Theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2023, ô nhiễm không khí vẫn xảy ra vào một số thời điểm trong năm, tập trung tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... nơi có mật độ giao thông cao và quá trình công nghiệp phát triển mạnh.
Chỉ số chất lượng không khí (AQI) có thời điểm vượt ngưỡng an toàn, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người dân.
“Ô nhiễm chủ yếu vẫn là do thông số bụi, đặc biệt là bụi mịn PM2.5 và có biểu hiện mùa rõ rệt, điển hình vào các tháng mùa đông ở miền Bắc và có xu hướng tăng so với trung bình năm 2022”, Chính phủ nhận định.
Với khu vực nông thôn, miền núi, theo Chính phủ, chất lượng môi trường không khí khá sạch. Tuy nhiên, một số khu vực nông thôn lại bị ảnh hưởng bởi các hoạt động làng nghề, hoạt động tiểu thủ công nghiệp, khai thác khoáng sản, nên chất lượng môi trường không khí có dấu hiệu bị ô nhiễm cục bộ.
Nước thải sinh hoạt, nước thải từ các làng nghề phát sinh ngày càng lớn trong khi hạ tầng thu gom, xử lý chưa đáp ứng yêu cầu.
Theo báo cáo, cả nước mới có 30,3% cụm công nghiệp và 16,1% làng nghề đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tổng lượng nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý tại các đô thị còn thấp, đạt khoảng 17%.
Trong khi, hầu hết các khu dân cư nông thôn chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt tập trung.
Báo cáo cũng cho biết, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn 61/63 tỉnh/thành phố khoảng 67.877 tấn/ngày (khu vực đô thị phát sinh khoảng 38.143 tấn/ngày và khu vực nông thôn khoảng 29.734 tấn/ngày).
Nhưng tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn mới đạt 77,69%. Tỷ lệ làng nghề có điểm thu gom chất thải rắn công nghiệp chỉ đạt 20,9%.
“Vẫn còn một số loại chất thải nguy hại, bao bì thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu, chất thải y tế nguy hại…chưa được xử lý triệt để hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu”, Chính phủ thông tin.
Còn tư tưởng chạy theo lợi nhuận, sẵn sàng hy sinh môi trường
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên đã được Chính phủ nhận diện.
Bên cạnh áp lực của các hoạt động đầu tư phát triển gia tăng mạnh, biến đổi khí hậu diễn biến nhanh, phức tạp… thì ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh môi trường của các hộ sản xuất kinh doanh, nhất là các hộ sản xuất kinh doanh thuộc một số làng nghề còn thấp.
Ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường của nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh còn chưa cao, chưa chủ động, tự giác thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ môi trường.
Đáng lưu ý, “vẫn còn tư tưởng chạy theo lợi nhuận, coi nhẹ bảo vệ môi trường; sẵn sàng hy sinh môi trường để đánh đổi các lợi ích kinh tế trước mắt”.
Theo báo cáo của Chính phủ, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường và các lực lượng nghiệp vụ có liên quan triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, tổ chức các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, tăng cường đấu tranh, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Năm 2023, đã kiểm tra, phát hiện 24.682 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; khởi tố, đề nghị khởi tố 606 vụ; xử phạt, đề nghị xử phạt vi phạm hành chính 22.760 vụ với 23.843 đối tượng.
Lực lượng Bộ đội Biên phòng phát hiện, xử lý 1.094 vụ với 1.278 đối tượng liên quan đến môi trường.
Các bộ, ngành đã tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường thuộc lĩnh vực quản lý.
Chính phủ nhận định, nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả chi phí xử lý, khắc phục, cải tạo môi trường” chưa được áp dụng triệt để. Tỷ lệ đầu tư trở lại cho bảo vệ môi trường từ các nguồn thu liên quan đến môi trường còn thấp.
Phân luồng dự án đầu tư mới, kiểm soát khí thải với xe cơ giới
Đề cập đến nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Chính phủ cho hay, sẽ tập trung xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường; chủ động phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn các tác động xấu lên môi trường, các sự cố môi trường.
Trong đó, phát triển kinh tế theo hướng sinh thái, tuần hoàn, tăng trưởng xanh, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững; phân luồng các dự án đầu tư mới theo mức độ tác động đến môi trường ngay từ khi phê duyệt chủ trương đầu tư để kiểm soát trong suốt vòng đời hoạt động.
Tiếp tục mô hình tổ giám sát đối với dự án, cơ sở sản xuất lớn, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm, sự cố môi trường cao. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường.
Chính phủ cũng cho biết, sẽ thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường; duy trì, cải thiện chất lượng môi trường.
Trong đó, để cải thiện môi trường không khí, sẽ tăng cường kiểm soát khí thải đối với xe cơ giới, rà soát, hoàn thiện và ban hành lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; từng bước nâng cao tiêu chuẩn tiêu thụ nhiên liệu. Thúc đẩy sử dụng các phương tiện giao thông phi cơ giới, thân thiện với môi trường.
Kiểm soát, ngăn chặn ô nhiễm bụi từ các công trình xây dựng đô thị; kiểm soát việc đốt phụ phẩm cây trồng ngoài đồng ruộng ở các vùng ven đô; tăng cường kiểm soát các cơ sở công nghiệp có nguồn khí thải lớn cũng là các giải pháp để cải thiện môi trường không khí.
Việt Nam bán được 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng, thu 1.200 tỷ đồng
Theo báo cáo, tổng chi ngân sách Nhà nước nguồn sự nghiệp bảo vệ môi trường năm 2023 là 18.849 tỷ đồng (Trung ương là 1.920 tỷ đồng; địa phương là 16.929 tỷ đồng). Tính đến thời điểm 31/12/2023, tổng nguồn vốn của Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam đạt 1.402,88 tỷ đồng (tăng 32,09 tỷ đồng so với năm 2022).
Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng phát huy hiệu quả và đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Trong năm 2023, thu dịch vụ môi trường rừng trên 4.130 tỷ đồng; cấp chứng chỉ rừng quản lý bền vững (FSC và VFCS/PEFC) cho 60 nghìn ha (lũy kế đến nay 465 nghìn ha, đạt 93% mục tiêu đến năm 2025).
Đáng chú ý, lần đầu tiên Việt Nam bán được 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng, thu về 1.200 tỷ đồng.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh khẳng định, sẽ kiên quyết xử lý, không để tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài; không thỏa hiệp với hành vi cố tình gây ô nhiễm môi trường…
Hải Hà
21:28 20/11/2024(Thanh tra) - Ngày 20/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Văn bản số 8834/BNN-ĐĐ gửi UBND các tỉnh, thành phố Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, đề nghị các địa phương chủ động ứng phó với mưa lớn.
Hoàng Nam
20:46 20/11/2024Uyên Phương
11:48 20/11/2024Hương Trà
14:31 19/11/2024Hoàng Nam
16:17 18/11/2024Kim Thành
Thu Huyền
Kim Thành
Hương Trà
Cảnh Nhật
Hoàng Hiệp
Trần Trung
Hương Giang
Thu Huyền
Phương Hiếu
Ngọc Phó