Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cải thiện đời sống nhân dân nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

Thứ ba, 26/05/2015 - 06:39

(Thanh tra)- Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị định 99/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), đời sống nhân dân các dân tộc thiểu số huyện Nậm Nhùn đã được cải thiện rõ rệt, giúp người dân nơi đây thoát nghèo, ổn định cuộc sống, có thêm việc làm, nâng cao thu nhập vừa góp phần vào việc bảo vệ rừng và là yếu tố quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo của huyện.

Hoạt động chi trả dịch vụ môi trường rừng

Với địa hình chia cắt mạnh bởi núi đá, độ dốc lớn, dân cư thưa thớt chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, toàn bộ diện tích tự nhiên huyện Nậm Nhùn nằm trong lưu vực sông Đà nơi cung cấp và điều tiết nguồn nước cho thủy điện Lai Châu, thủy điện Sơn La, thủy điện Hòa Bình và nhiều công trình thủy điện nhỏ khác, huyện có diện tích đất lâm nghiệp rất lớn đang được nhà nước quan tâm đầu tư các chương trình nhằm bảo vệ và phát triển rừng như: chương trình 30a/CP khoanh nuôi tái sinh và bảo vệ rừng bền vững (KNTS&BVR), chính sách chi trả DVMTR. Công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện còn có ý nghĩa quan trọng trong việc cung cấp nguồn nước sinh hoạt, phục vụ sản xuất của nhân dân, bảo vệ môi trường sinh thái vùng đầu nguồn, điều tiết nguồn nước cho khu vực hạ lưu và vùng đồng bằng sông Hồng.

Trong năm qua, được UBND huyện giao nhiệm vụ trồng rừng, KNTS&BVR chi trả DVMTR, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Nậm Nhùn đã phối hợp cùng Chi cục lâm nghiệp tỉnh quy hoạch vùng phát triển cây Mắc ca với tổng diện tích 1.800ha tại các xã Nậm Ban, Nậm Pì, Trung Trải, Nậm Chà, trồng mới 05 ha cây Sơn tra tại bản Ma Sang xã Nậm Pì. Tổ chức lập hồ sơ, ký kết hợp đồng giao khoán KNTS và bảo vệ rừng phòng hộ theo cộng đồng bản và cộng đồng xã với tổng diện tích 42.540,5 ha, trong đó: diện tích có rừng phòng hộ 32.335,2 ha, diện tích KNTS là 10.205,3 ha. Đến nay đã KNTS trên 17.000 ha, đưa độ che phủ rừng từ 38,5% quý I năm 2013 lên 44,6% cuối năm 2014.

Thực hiện chính sách chi trả DVMTR năm 2014, Ban quản rừng phòng hộ phối hợp với Hạt Kiểm lâm, UBND các xã, thị trấn triển khai rà soát diện tích rừng đủ điều kiện hưởng dịch vụ môi trường rừng, lập phương án điều chỉnh bổ sung giao khoán và chi trả DVMTR cho các xã, thị trấn với tổng diện tích 75.993,8 ha, trong đó: diện tích có rừng 58.577,1 ha, diện tích đất chưa có rừng trạng thái IC là 17.416,7 ha theo hình thức giao khoán cộng đồng bản và cộng đồng xã, chi trả trực tiếp theo hộ gia đình. Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật trên đài phát thanh truyền hình huyện, truyền thanh các xã và tuyên truyền lưu động tại các thôn bản thực hiện ký cam kết về bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng với 73 bản.

Ông Bùi Ngọc Hoằng- Trưởng ban QL Rừng Phòng hộ Nậm Nhùn

Qua công tác triển khai chính sách chi trả DVMTR, rừng được bảo vệ tốt hơn góp phần ổn định diện tích, tăng độ che phủ rừng, nâng cao thu nhập người dân, đảm bảo quyền lợi của người dân gắn bó với rừng, bảo vệ và phát triển rừng, góp phần quan trọng trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm của huyện. Ông Bùi Ngọc Hoằng - Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ huyện Nậm Nhùn cho biết, từ khi thực hiện chính sách chi trả DVMTR, người dân thấy rõ lợi ích khi tham gia bảo vệ và phát triển rừng, tình trạng xâm lấn rừng, chặt phá rừng làm nương rẫy, khai thác lâm sản trái phép giảm đáng kể, độ che phủ của rừng được nâng lên. Chính sách chi trả DVMTR đi vào cuộc sống người dân một cách thiết thực, giải quyết việc làm cho 4.300 lao động địa phương, tạo thu nhập ổn định cho người dân, người dân yên tâm có thể sống được và vươn lên làm giàu bằng nghề rừng, năm 2014 trung bình mỗi ha có mức chi trả gần 400nghìn đồng ha/năm,  đặc biệt năm 2013 một số hộ tại xã Hua Bum đã có được thu nhập cao với số tiền lên đến hơn 47 triệu đồng hộ/năm.

Có thể thấy hiệu quả thiết thực của chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng mang lại cho người dân, là động lực để nhân dân tiếp tục bám rừng, giữ rừng, bảo vệ và phát triển rừng, tin tưởng rằng sau khi Thủy điện Lai Châu đi vào hoạt động người dân nơi đây có thêm phần kinh phí cho công tác bảo vệ rừng, từ đó sẽ gắn bó với rừng hơn nữa, tăng độ che phủ rừng trên địa bàn huyện, góp phần chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Bùi Bình

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm